Dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương phía Nam tuy có thuyên giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… có nhu cầu di chuyển về quê hương. Đây thực sự là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các địa phương, lực lượng chức năng trong việc tổ chức tốt đưa, đón, để người dân di chuyển tự phát, không kiểm soát về quê thì chắc chắn một điều rằng nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước là rất cao.
Thực tế thì những ngày qua, ở các tỉnh, thành phố miền Nam, miền Trung, lượng người dân trở về quê là rất lớn. Mặc dù các địa phương cố gắng tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch, dẫn đến nguy lây lan dịch bệnh.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành liên quan thực hiện phối hợp đưa đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ. Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.
Các địa phương thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ; bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu; đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định…
Với Quảng Ninh, mặc dù không là địa phương trọng điểm liên quan đến việc di chuyển của người dân về quê, tuy nhiên tỉnh vẫn yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động hỗ trợ tốt nhất người Quảng Ninh từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, Quảng Ninh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ tối đa để đón tất cả người dân là công dân tỉnh Quảng Ninh và gia đình đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam có nhu cầu trở về địa phương. Công dân có nhu cầu trở về liên hệ trực tiếp bằng bằng điện thoại, tin nhắn, văn bản,… hoặc thông qua người thân, thông tin đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú để tổng hợp, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố ngay khi nhận được thông tin từ người dân. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có người dân đăng ký trở về khẩn trương phối hợp cùng gia đình bố trí phương tiện đón công dân; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh để kịp thời tiếp nhận, đưa về địa phương; thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; bố trí cách ly y tế tập trung hoặc tổ chức cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định. Toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kinh phí tổ chức cách ly tập trung của người dân trở về địa bàn do UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí; người dân không phải chi trả. Trường hợp công dân thực hiện cách ly tại nơi cư trú có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, UBND cấp xã chủ động nắm bắt thông tin, báo cáo UBND cấp huyện để có giải pháp hỗ trợ toàn bộ lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo thực hiện cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Các địa phương phối hợp với Sở Y tế bố trí nguồn vắc xin tiêm ngay cho người dân khi trở về tỉnh; chủ động nắm bắt, tổng hợp nhu cầu việc làm, đào tạo, đào tạo lại để đảm bảo đời sống, việc làm cho công dân. Đồng thời sẵn sàng phương án tiếp nhận, điều trị đối với các trường hợp F0 (nếu có).
Thực tế từ các tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy, phần lớn người dân tự phát về quê là lao động tự do, một phần nhỏ là công nhân, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19. Đơn cử như: An Giang có 40 nghìn người trở về, qua xét nghiệm nhanh có 190 người nhiễm SARS-CoV-2, Kiên Giang 32 nghìn người thì có 122 người nhiễm… Chính vì vậy, việc đưa đón công dân về quê cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ, chu đáo, an toàn, có kiểm soát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Người dân khi có nhu cầu trở về quê hương cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, liên hệ với các lực lượng chức năng, địa phương liên quan để được đưa đón chu đáo, an toàn. Qua đó quyết tâm tiếp tục giữ Quảng Ninh là vùng xanh an toàn, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội.