Khủng hoảng tuổi thành thiếu niên

g hoảng tuổi thành thiếu niên

Khủng hoảng tuổi thành thiếu niên

Khủng hoảng thanh thiếu niên là một giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời, một giai đoạn nhạy cảm và nhiều thách thức. Không phải tất cả các biểu hiện tạo ra xung đột hay gây rắc rối ở lứa tuổi này đều là những biểu hiện của bệnh lý. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên xem thường hoặc đánh giá thấp những biểu hiện lệnh lạc của trẻ vị thành niên (VTN). Đối với những người xung quanh trẻ, việc nhận biết sự khác nhau giữa bình thường và bệnh lý đôi khi không dễ dàng, vì vậy bạn đừng do dự khi cần hỏi ý kiến chuyên gia.

Trầm cảm và tự sát

Trước hết cần phân biệt tâm trạng u buồn thường thấy ở lứa tuổi thanh thiếu niên với rối loạn trầm cảm bệnh lý. Ở lứa tuổi này, trẻ vị thành niên phải từ bỏ thế giới trẻ thơ của mình, từ bỏ hình dáng trẻ con và xác định lại mối quan hệ với cha mẹ. Khác với rối loạn trầm cảm, những khoảnh khắc u buồn thường không kéo dài. Rối loạn trầm cảm ở tuổi vị thành niên không chỉ biểu hiện qua rối loạn cảm xúc (khóc lóc, mất hứng thú, chán nản) thường thấy trong rối loạn này mà nó còn có thể biểu hiện qua những hành vi bất thường (ức chế, mệt mỏi khi hoạt động, mất hứng thú với các trò giải trí, xung động, có hành vi hung bạo…) hay những rối loạn cơ thể (đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống…).

Một trong những nguyên nhân của trầm cảm là trẻ cảm thấy thất bại khi không đạt được lý tưởng của cái tôi quá cao mà trẻ đã đặt ra. Rối loạn trầm cảm nếu không được nhận biết và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới những ý tưởng tự sát.

Ý tưởng tự sát là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở lứa tuổi 15-24. Theo ước tính có 1 người chết trên 60 người có ý tưởng tự sát (trong khi đó tỉ lệ này là 1/13 ở tuổi trưởng thành). Điều này cho thấy sự tương phản giữa tự sát và ý tưởng tự sát. Những hành động này có thể được thực hiện với những mục đích khác nhau như kêu gọi sự giúp đỡ, đe dọa, trao đổi, né tránh xung đột, đánh cuộc hoặc phó thác vào số phận hoặc trong trường hợp trẻ không thể chấp nhận được sự hụt hẫng hay thất vọng. Những ý tưởng tự sát cần phải được quan tâm tới vì nó biểu hiện cho một nỗi đau thật sự và nó thường tái diễn nhiều lần.

Những hành vi nguy cơ

Những hành vi nguy cơ là những hành vi mà trẻ vị thành niên có nhiều khả năng bị thương hoặc bị chết, nó gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng không phải với ý muốn tự sát.

Những hành vi này thể hiện sự lo hãi sâu sắc với những biến đổi mà trẻ vị thành niên phải chịu đựng ở lứa tuổi này, một cách để chống lại sự trầm cảm dưới nhiều phương diện khác nhau:

– Đối với những hành vi nguy cơ, trường hợp tốt nhất của là tạo ra những thành tích thể thao thậm chí bị thể thao cuốn hút quá mức và điều này giúp cho nhân cách phát triển. Nhưng ở những trường hợp khác nó được thể hiện qua việc tìm kiếm giới hạn như đua ôtô hay môtô.

– Quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp tránh thai gây nên nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiếm HIV hoặc các bệnh truyền nhiếm khác lây qua đường tình dục. Sử dụng ma túy. Trốn nhà để đi tìm sự tự do. Tuy nhiên vì không nhận được trợ cấp kinh tế cũng như sự bảo vệ từ phía gia đình, nhiều trẻ vị thành niên sống ở những khu vực nhiều tệ nạn và cạm bẫy.

– Đeo khuyên, xăm mình, uống rượu không thể hiện nguy cơ dẫn đến cái chết nhưng đối với trẻ đó là những cách thức trải nghiệm những giới hạn cơ thể của bản thân, để có thể chịu đựng tốt hơn cơ thể đang thay đổi của mình bằng sự đau đớn và những cơn say.

Nghiện

Nghiện là sự phụ thuộc bệnh lý nhưng không nhất thiết là phải nghiện rượu, ma túy hay thuốc lá mà cũng có thể là nghiện chơi bời, mua sắm, công việc hay thể thao…

Trẻ vị thành niên thường có nguy cơ mắc nghiện với quan niệm “tất cả hoặc không có gì” hoặc “tất cả và ngay lập tức”. Hành vi nghiện có thể đồng thời tạo ra sự thích thú và làm giảm đi sự khó chịu, không thoải mái. Tuy nhiên nó thực hiện điều này theo cách làm mất khả năng kiểm soát mặc dù nhận biết được hậu quả tiêu cực của hành vi. Hơn nữa đây là hành vi có giá trị trong mắt trẻ và trong mắt một số bạn bè bởi sự gan dạ, dũng cảm vi phạm pháp luật.

Những hành vi nghiện có thể là những hành vi nguy cơ đáng lo ngại nhất ở lứa tuổi này: nó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cấu trúc tâm lý sau này ở tuổi trưởng thành.

Chán ăn, thèm ăn

Nhiều trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ thường lo lắng về cân nặng của bản thân. Đối với một số trẻ từ những chế độ ăn kiêng giảm cân có thể trở thành nỗi ám ảnh thực sự về cân nặng và dẫn tới chứng chán ăn. Chán ăn là sự từ chối ăn uống mà không bị mất đi sự ngon miệng. Mỗi trường hợp chán ăn là một trường hợp khác nhau tùy theo tiền sử của mỗi cá nhân nhưng người ta nhận thấy những điểm chung : xung đột với mẹ, xung đột gắn với bản sắc giới tính tự nhiên, chối từ cơ thể phụ nữ. Sự chán ăn sẽ giúp trẻ che dấu sự thay đổi về hình dáng cơ thể ở lứa tuổi này.

Trẻ VTN có thể mắc rối loạn chán ăn sau một sự kiện sang chấn, lạm dụng tình dục, thất tình, xung đột trong gia đình.

Thèm ăn

Trẻ thèm ăn một cách thái quá. Những cơn thèm ăn thường xảy ra khi trẻ ở một mình. Trẻ có thể ăn rất nhiều thức ăn trong một thời gian rất ngắn và để tránh tăng cân, sau đó trẻ có thể dung thuốc xổ hoặc nôn ra những thứ đã ăn. Thèm ăn cũng là một cách mà trẻ ứng phó với khủng hoảng lứa tuổi này.

Những hành vi ăn uống bất thường mang tính bệnh lý thường xuất hiện sớm, từ khoảng 12 tuổi. Nó là một rối loạn ở lứa tuổi dậy thì và thường đi kèm với chứng trầm cảm. Trẻ có thể có những khó khăn kết hợp : mặc cảm tội lỗi, xung động hung tính, né tránh xã hội, cô đơn, thu mình, dễ cáu giận. Cũng như trong trường hợp rối loạn chán ăn, rối loạn thèm ăn liên quan tới sự tự đánh giá bản thân thấp và hình ảnh cơ thể lý tưởng không thể đạt tới.

Vì sao cần tư vấn tâm lý?

Đối với các bậc cha mẹ thật không dễ dàng với ý nghĩ tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài. Nhà tâm lý không phải là nhà giáo dục và cũng không thể thay thế vai trò của cha mẹ. Vai trò của nhà tâm lý là giúp trẻ tìm hiểu ý nghĩa và nguyên nhân triệu chứng, xác định những khó khăn và giải pháp.

Một số biểu hiện cần lưu ý ở trẻ :

–   Giảm khả năng chú ý, kết quả học tập giảm sút.

–   Lo lắng, lo âu, mất ngủ.

–   Các hành vi nguy cơ, sử dụng chất gây nghiện.

–   Có hành vi hung tính hoặc kích động.

–   Các rối loạn ăn uống.

Trẻ VTN có thể thay đổi thái độ, hành vi, khí sắc trong khoảng thời gian rất ngắn : đó là biểu hiện của sự « khủng hoảng » lứa tuổi thanh thiếu niên và cha mẹ đôi khi cảm thấy mệt mỏi với những thay đổi này. Vì thế điều quan trọng là cần xác định xem những rối loạn này có lặp đi lặp lại và kéo dài không hay đó chỉ là một sự kiện biệt lập.

Cha mẹ có thể đề xuất với trẻ việc tới tư vấn tâm lý và giải thích rằng nhà tâm lý làm việc với nguyên tắc giữ bí mật nghề nghiệp, là người có thể giúp trẻ hiểu những gì xảy ra và giúp trẻ kiểm soát tình huống.

Khủng hoảng tuổi thành thiếu niên