Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã xác định nhiều mục tiêu tổng quan. Trong đó, tập trung đổi mới căn bản, toàn diện mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Cùng với đó, phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh và từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, dựa trên ba trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người để hình thành công dân số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền số quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước và đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Với những nỗ lực đó, Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về chính quyền số đứng vị trí thứ 4, xã hội số đứng vị trí thứ 2 và kinh tế số xếp vị trí thứ 9 toàn quốc.
Trước những kết quả đạt được, năm 2023 tiếp tục là một năm được tỉnh Quảng Ninh đặt ra nhiều kỳ vọng và mục tiêu trong công cuộc chuyển đổi số. Theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 17/2/2023 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2023, đến nay 12/35 chỉ tiêu và 7/51 nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trọng tâm như văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, giao thông vận tải, thương mại, công nghiệp, hải quan và doanh nghiệp số. Chuyển đổi số đã và đang gắn liền với mọi mặt của đời sống xã hội, từng bước tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với vấn đề giao thông vận tải, ứng dụng chuyển đổi số đã đóng góp quan trọng giúp đảm bảo an toàn giao thông, mang đến nhiều tiện ích và phục vụ người dân tốt hơn. Điển hình như hệ thống camera đã giúp lực lượng chức năng giám sát giao thông, xử phạt nguội các trường hợp vi phạm…, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mỗi người dân khi tham gia giao thông. Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu hoàn thành lắp đặt camera thông minh tại một số tuyến giao thông trọng điểm trong thời gian sớm nhất.
Anh Nguyễn Luân (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: “Từ khi có hệ thống camera giám sát giao thông và xử phạt nguội, khi tham gia giao thông tôi đã cẩn thận hơn và nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành luật”.
Cùng với đó, kể từ khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được triển khai, việc xử lý các thủ tục hành chính được diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Không chỉ thuận tiện cho người dân, giúp tiết kiệm thời gian và thực hiện được mọi nơi mọi lúc, dịch vụ công trực tuyến còn giảm tối đa áp lực và nâng cao hiệu quả quản lý cho các cơ quan có thẩm quyền.
Thực tiễn cho thấy, trước đây, để cấp đổi giấy phép lái xe, người dân sẽ cần trực tiếp đến cơ quan hành chính để đăng ký chuyển đổi. Hiện nay, người dân chỉ mất vài phút là có thể hoàn thành việc nộp hồ sơ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau 5 ngày, giấy phép sẽ được chuyển đến tận nhà.
Sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số
Lĩnh vực chuyển đổi số được xem là lĩnh vực mới, trong đó lại bao gồm các mục chính như nhân lực số, hạ tầng số, thể chế số. Đặc biệt, chuyển đổi số liên quan đến tất cả lĩnh vực trong đời sống, từ văn hóa, kinh tế, xã hội của toàn tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Hai khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực phục vụ mục tiêu còn hạn chế và cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong đó cần tập trung truyền tải để người dân hiểu rõ chủ trương và một số nội dung như ứng dụng VneID, thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo Thanh Phương
Đại đoàn kết
Bài viết liên quan:
- CLB Lý luận trẻ huyện Cô Tô: Hưởng ứng cuộc thi trắc…
- Móng Cái: Tổng kết công tác Đoàn, Đội và phong…
- Hội nghị giao ban Công tác đoàn và phong…
- Đoàn thanh niên Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh hưởng…
- Đại hội chi đoàn điểm cấp cơ sở thuộc Đoàn…
- Quảng Ninh: Chuyển đổi số đồng hành và phục vụ cuộc sống
- Sống xanh - lối sống vì tương lai bền vững
- “Hạnh phúc là sự sẻ chia”
- Bài 1: " Vắc xin hạnh phúc" từ những ngôi trường mở…
- Phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát…