Du lịch Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Sau những bước khởi động, hiện ngành du lịch Quảng Ninh đang tăng tốc mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá và phát triển bền vững hơn.

Bắt kịp xu thế

Những nền tảng công nghệ phục vụ cho du lịch đã được phát triển những năm gần đây, nhưng chỉ thực sự bứt phá từ sau đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân đã quen với việc quét và sử dụng mã QR. Rất nhanh chóng, mã QR đã được ứng dụng vào lĩnh vực du lịch, từ việc hướng dẫn lịch trình tour, thông tin điểm đến, thông tin khách sạn, hãng lữ hành… Những tiện ích từ việc sử dụng mã QR đã giúp khách du lịch tiết kiệm thời gian tìm hiểu thông tin du lịch, các điểm đến cũng không tốn quá nhiều nhân lực để hướng dẫn, giới thiệu cho du khách.

Mã QR cẩm nang du lịch Hạ Long cung cấp cho du khách đầy đủ thông tin về du lịch Hạ Long.

Là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, TP Hạ Long đã bắt kịp xu thế du lịch thông minh, triển khai mã QR cập nhật thông tin du lịch để giúp du khách dễ dàng nắm bắt và chọn cho mình điểm đến phù hợp nhất. Trong đó, cuốn “Cẩm nang du lịch thành phố Hạ Long” cung cấp đầy đủ thông tin chính xác và chính thống về du lịch Hạ Long, được gắn mã QR giúp du khách tra cứu cực kỳ thuận tiện.

Chị Hoàng Thu Huyền, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: Gia đình tôi muốn đi du lịch Hạ Long, lên mạng tìm thông tin thì có quá nhiều, rất khó theo dõi. Một người bạn đã đi du lịch Hạ Long gửi cho tôi mã QR Cẩm nang du lịch Hạ Long, chỉ cần quét mã là có đầy đủ thông tin các điểm đến, ẩm thực, lễ hội đặc sắc được sắp xếp khoa học nên tôi đã nhanh chóng lên được hành trình khám phá Hạ Long, ưng ý nhất là được tham gia Carnaval Hạ Long 2023 rực rỡ sắc màu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hạ Long, bên cạnh việc quan tâm đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thành phố cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá Hạ Long – Điểm đến thân thiện – an toàn – mến khách, danh hiệu Hạ Long – Thành phố du lịch sạch ASEAN, Vịnh Hạ Long – Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á qua việc phát hành cuốn cẩm nang du lịch song ngữ, được số hóa bằng mã QR; thực hiện clip quảng bá du lịch Hạ Long được tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long và nền tảng mạng xã hội, với mục tiêu hướng đến là du lịch của địa phương sẽ bắt kịp với xu thế du lịch thông minh hiện nay, mang đến trải nghiệm mới cho du khách khi đến tham quan tại Hạ Long.

Phường Hồng Gai, TP Hạ Long cung cấp cho du khách bảng mã QR các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn, thuận tiện cho việc lựa chọn điểm đến tham quan.

Ngoài cẩm nang du lịch được số hóa, khi tham quan tại Hạ Long, du khách quét mã QR tại các điểm di tích nổi tiếng, sẽ hiển thị đầy đủ thông tin về danh lam thắng cảnh, đặc sản, lễ hội,… mà du khách cần tìm hiểu.

Không riêng tại Hạ Long, hiện nay, 165 điểm trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh cũng đã được số hóa và gắn mã QR. Du khách và người dân có thể tham quan, tìm hiểu thông tin điểm đến rất thuận tiện, dễ dàng, không còn phải phụ thuộc vào hướng dẫn viên. Để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, Quảng Ninh đang phấn đấu sẽ số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Du khách mua vé tham quan vịnh Hạ Long tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Có thể thấy sau giai đoạn khởi động, chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch đến kinh doanh của doanh nghiệp đều đã ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng được hệ thống du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ các cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.

Một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong công tác quản lý du lịch phải kể đến Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Từ khi triển khai phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, việc bán vé tham quan Vịnh Hạ Long rất thuận lợi cho cả du khách và cơ quan quản lý. Du khách khi nhận vé tham quan Vịnh Hạ Long có thể quét mã QR trên vé để tra cứu hóa đơn điện tử, xem thông tin về lịch trình tham quan.

Tại hầu hết các điểm đến có bán vé tham quan trên địa tỉnh cũng đã thực hiện việc tạo mã QR để du khách có thể thao tác thanh toán điện tử bằng cách quét mã rất thuận tiện và nhanh chóng.

Với nhiều giải pháp trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi số, du lịch Quảng Ninh đã có sự phục hồi và bứt phá nhanh sau đại dịch. Trong ảnh: Carnaval Hạ Long 2023 thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Đỗ Phương

Tăng tốc để phát triển bền vững

Để tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số, Quảng Ninh xác định phải nâng cao chất lượng môi trường tương tác số cho các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân, đảm bảo thuận tiện và minh bạch. Trong công tác quản lý, chuyển đổi số phải cung cấp công cụ hiện đại, thông minh thu thập các thông tin cần thiết và hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thực hiện quy hoạch du lịch cũng như ra các quyết định chính xác nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch.

Du khách quét mã QR để thanh toán vé tham quan tại khu du lịch hang động Vũng Đục (TP Cẩm Phả).

Theo Sở Du lịch, hiện nay đơn vị đang tích cực triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch). Cụ thể là tập trung triển khai áp dụng các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Triển khai ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống Thẻ du lịch thông minh thuộc hệ sinh thái Thẻ Việt – thẻ Quốc gia đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch. Nghiên cứu, triển khai đồng bộ hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí… trên địa bàn tỉnh. Quảng bá, hỗ trợ giao dịch sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Ninh trên Trang vàng Du lịch Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch; xây dựng video clip quảng bá du lịch Quảng Ninh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và trên chức năng tìm kiếm của Google trong năm 2023; triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện…

Ngành du lịch cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các đề án chuyển đổi số doanh nghiệp, hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch…

Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng đường truyền internet tốc độ cao, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách tại các điểm du lịch.

Đặc biệt, nhằm đa dạng hóa điểm đến cho du khách, phát triển đồng đều các loại hình du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn gắn với triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, trọng tâm là lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.

Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.

Ngọc Ánh – Thu Hoài