Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Tỉnh Đoàn cũng thường xuyên dành sự quan tâm, động viên thanh niên phát huy khả năng sáng tạo trong việc triển khai các ý tưởng khởi nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Hàng năm, BTV Tỉnh Đoàn đã tích cực chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về bảo vệ môi trường. Các cấp bộ Đoàn còn phối hợp tổ chức các hoạt động như: Tết trồng cây, Ngày nước thế giới, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch hãy làm sạch biển, Chiến dịch tình nguyện hè, Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh…
Với phương châm “mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường”, các cơ sở Đoàn đã triển khai nhiều phần việc, như: đảm nhận các tuyến đường giao thông tự quản; xây dựng cơ quan, đơn vị sáng – xanh – sạch – đẹp; xây dựng và nhân rộng mô hình, công trình, phần việc thanh niên bảo vệ môi trường; vận động ĐVTN hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; thành lập các đội thanh niên xung kích tình nguyện sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 35 chương trình dọn vệ sinh bãi biển, với sự tham gia của gần 3.500 ĐVTN, lực lượng Bộ đội biên phòng và nhân dân. Ngày chủ nhật xanh được tổ chức đồng loạt tại 100% cơ sở Đoàn, tổ chức 1.656 buổi vệ sinh môi trường, huy động 26.154 lượt ĐVTN tham gia. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tham gia sửa chữa, xây dựng mới 19,6km đường giao thông nông thôn, thắp sáng 7,6 km đường quê; xây dựng mới 5,5 km đường sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh – an toàn; vẽ tranh bích họa tạo cảnh quan đô thị tại hơn 1.900m đường ở các thôn, khu phố; trồng 296.740 cây xanh hoàn nguyên môi trường…
Các mô hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường được triển khai có sáng tạo như mô hình lò đốt rác thải tại xã Quảng Long (huyện Hải Hà), mô hình giảm thiểu rác thải nhựa ở Cô Tô, Đoàn Khối với mô hình “Hãy cho cá ăn rác”, “Sân chơi cho bé bằng vật liệu tái chế”. Các mô hình tiêu biểu trong xây dựng đô thị văn minh như “Góc phố xanh – vỉa hè sạch” tại TP Hạ Long. Các cấp bộ Đoàn cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình vùng cao ăn ở hợp vệ sinh với các tiêu chí cụ thể về nhà ở, nhà bếp, sân ngõ, chuồng trại, nhà vệ sinh…
Đặc biệt trong năm 2022, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ 5 dự án, mô hình khởi nghiệp của thanh niên trong bảo vệ môi trường đó là: Dự án sợi tự nhiên được tách từ lá cây lưỡi hổ làm nguyên liệu cho ngành may mặc và thủ công mỹ nghệ của học sinh trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên); Dự án sử dụng vỏ mì tôm làm các sản phẩm gia dụng, đồ trang trí của CLB Tái chế xanh (Đại học Hạ Long); máy thu gom làm sạch rác ngoài biển của CLB Khởi nghiệp sáng tạo (Đại học Công nghiệp Quảng Ninh), hỗ trợ HTX Green Life Hạ Long (Hội LHPN TP Hạ Long) trong việc tái chế rác thải nhựa, tour du lịch phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên).
Em Vũ Kim Huyền, học sinh trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) cho biết: Nhận thấy việc ô nhiễm môi trường ở các nhà máy sản xuất tơ sợi và làm đồ thủ công gây ra, nhóm tác giả chúng em đã đưa ra ý tưởng chế tạo nguồn nguyên liệu mới từ thiên nhiên là sợi lưỡi hổ. Cây lưỡi hổ là một nguồn nguyên liệu phong phú tại địa phương, dễ trồng, sức sống cao, chịu được khô hạn, ít cần chăm sóc, dễ nhân giống và thành phần cấu trúc trong cây có những bó sợi xenlulose có thể đáp ứng cho việc sản xuất tơ sợi. Với ý tưởng này, chúng em đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ kết nối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện các bước sản xuất và bảo quản tơ sợi từ cây lưỡi hổ; kết nối với Sở TN-MT đánh giá tính hiệu quả về môi trường của dự án; hỗ trợ tuyên truyền dự án để tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Cùng với đó, hỗ trợ dự án sử dụng vỏ mì tôm để làm ra các sản phẩm túi xách, đồ trang trí bắt mắt, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, Tỉnh Đoàn đã kết nối với CLB Đầu tư khởi nghiệp TP Hạ Long có kinh doanh các tàu du lịch trên vịnh để tiến hành quảng bá sản phẩm và bán hàng cho khách du lịch trên tàu (mỗi tháng bán được trên 600 sản phẩm).
Đối với dự án máy thu gom làm sạch rác ngoài biển, Tỉnh Đoàn đã phối hợp Sở TN-MT, Sở KH-CN hoàn thiện từ quy trình sản xuất ra một thiết bị cho đến thử nghiệm thực tế trên biển đảm bảo vận hành hiệu quả.
Với mô hình HTX Green Life Hạ Long,Tỉnh đoàn đã hỗ trợ mở rộng mô hình thông qua việc giới thiệu, tuyên truyền; khuyến khích Đoàn cơ sở, Đoàn trường học tổ chức các chương trình ngoại khóa kết hợp tham quan mô hình này; đồng thời tham gia định hướng phát triển mô hình trải nghiệm cộng đồng để khách du lịch đến đây có thể trải nghiệm, tự tay sáng tạo ra những sản phẩm tái chế.
Còn với dự án du lịch phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn xã Đồng Rui, tháng 6/2022, Tỉnh đoàn đã vận động, hỗ trợ nguồn lực 20 triệu đồng mua cây giống (cây vẹt dù) là giống cây có khả năng sinh sản, thích nghi cao để trồng tại phân khu phục hồi sinh thái. Đồng thời, hỗ trợ truyền thông trên fanpage các cấp bộ Đoàn để đông đảo ĐVTN và nhân dân hiểu về dự án và cùng tham gia quảng bá rộng rãi cho tour du lịch này.
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023 nhấn mạnh: Công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước phải gắn liền với quyết định phát triển, luôn coi bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết thúc đẩy KT-XH bền vững. Vì thế, việc triển khai các phong trào bảo vệ môi trường đã dần trở thành các hành động thường xuyên, thói quen hàng ngày, hàng giờ và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Sự chuyển biến này chính là thành quả đáng khích lệ của các ĐVTN. Mỗi hành động, việc làm dù nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.