Hai ngày sau khi chúng ta đã giải phóng toàn bộ thành phố Đà Nẵng, sáng ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Hội nghị nhất trí nhận định: Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng tiến công trong thời gian sớm nhất. Tốt nhất kết thúc trong tháng 4-1975. Phải hành động “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.
Với quyết định trên, các cánh quân của ta thần tốc đổ vào chiến trường trọng điểm. Từ hậu phương lớn miền Bắc, Quân đoàn 1 tiến vào miền Nam không kể ngày đêm. Hậu phương miền Bắc huy động tối đa sức người sức của cho trận đấu cuối cùng – tấn công đầu não quân ngụy, giải phóng Sài Gòn. Sư đoàn 3 chủ lực Quân khu 5 và Sư đoàn 968 cơ động theo đường số 19 đập tan các chốt phòng ngự của Sư đoàn 22 ngụy, phối hợp lực lượng địa phương giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31-3-1975.
Ngày 1-4-1975, Sư đoàn 320 tiến quân theo đường số 7, cùng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải phóng thị xã Tuy Hòa.
Ngày 2-4-1975, quân ta giải phóng thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, sau đó tiến lên Đà Lạt.
Ngày 3-4-1975, thành phố Đà Lạt được giải phóng.
Ngày 2 và 3-4-1975, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Quân cảng Cam Ranh được giải phóng.
Ngày 5-4-1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh củng cố khẩn cấp các tuyến phòng thủ. Tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang – Xuân Lộc – Tây Ninh và tuyến phòng ngự ngoại vi Sài Gòn được địch hết sức chú trọng.
Lúc này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, các cánh quân của ta hành quân thần tốc ngày đêm đến các điểm tập kết để thực hiện trận đánh cuối cùng vào sào huyệt địch. Trên trục đường số 1, quân ta đã tiến gần Phan Rang. Trên trục đường 20 quân ta sau khi giải phóng Lâm Đồng, Đà Lạt, Tuyên Đức đã tiến xuống gần Kiệm Tân.
Ngày 6-4-1975, tại chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn – Gia Định.
Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện khẩn vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Trên hai trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Đoàn 559 tổ chức khẩn trương với sự hỗ trợ của Quân khu 5 đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, mặc dù địch ở trên bộ, trên không và ngoài biển ra sức ngăn chặn, bắn phá suốt đêm ngày. Quân ta được nhân dân động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng nhanh. Cùng ngày, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn.
Ngày 8-4-1975, một chiếc máy bay F5 của không quân ngụy đã đánh bom xuống Dinh Độc Lập. Địch ngỡ ngàng tưởng đảo chính ra lệnh giới nghiêm. Tinh thần ngụy quân và ngụy quyền khắp nơi dao động vì ngay đầu não đã bị tấn công. Tinh thần của chúng càng suy sụp khi được biết Trung úy không quân Nguyễn Thành Trung – người đánh bom vào Dinh Độc Lập – quê Bến Tre, vốn thực mang họ Đinh, một đảng viên của ta hoạt động từ lâu trong không quân ngụy.
Ngày 14-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện số 37 TK với nội dung: Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 15-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, trong đó viết: Trong những ngày chiến dịch khẩn trương vừa qua, cán bộ và chiến sỹ nhân viên cơ yếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu hiện đang tiếp tục và càng gần đến toàn thắng, càng khẩn trương quyết liệt. Nhiệm vụ đảm bảo bí mật chính xác, kịp thời nội dung của các mệnh lệnh… có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam.
Ngày 18-4-1975, giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Đại sứ Mỹ Martin mật báo tình hình tuyệt vọng về Washington: “Các đơn vị đối phương đang hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (ngụy quyền Sài Gòn) rất nhiều…” Trước tình hình đó, chính quyền đế quốc Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ ở Sài Gòn với một lực lượng lớn hải quân và không quân gồm 35 tàu chiến, có 4 tàu sân bay và 100 máy bay bắt đầu rút từ ngày 21-4-1975.
Trong khi rút chạy, đế quốc Mỹ còn có kế hoạch đưa hàng ngàn trẻ em Việt Nam về Mỹ với mục đích gây xúc động dư luận, về lâu dài làm cho số trẻ em này quên Tổ quốc, chống lại Tổ quốc sau này. Chúng còn kích động hàng chục ngàn người Việt Nam tị nạn theo chúng.
Đêm 24-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch hành quân đến Căm Xe, ở phía Tây và Bắc Bến Cát, xây dựng Sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch.
Ngày 26-4 đơn vị cuối cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào đến vị trí tập kết, sẵn sàng chờ lệnh tiến công vào Sài Gòn.
Tối 28-4 Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn họp đánh giá tình hình trên toàn mặt trận, bàn cách đánh sao cho thật nhanh, chắc thắng, đập tan ngay hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền đồng thời phải bảo đảm thành phố ít bị tàn phá, nhân dân thành phố ít bị thiệt hại về người và của. Cuối cuộc họp Đại tướng – Tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng ra lệnh “Tổng công kích trên toàn mặt trận vào 5 giờ sáng ngày 29-4-1975”.
Đúng giờ, pháo ta ào ạt dội lửa xuống các căn cứ quân sự ngụy trong thành phố. Ta đang đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Trảng Bàng, địch phản kích quyết liệt. Sư đoàn 9 đã vượt sông Vàm Cỏ Đông từ đêm 28 rạng sáng 29-4, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 29-4 đã chiếm được ngã ba Vĩnh Lộc, Bà Lác trên đường tiến công. Đúng 5 giờ, pháo ta ở Nhơn Trạch cũng đã bắt đầu nhả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Suốt đêm 29-4, tin chiến sự từ khắp các mặt trận báo về. Tin tức được xác nhận, tập thể lãnh đạo phân tích, bàn bạc nhanh chóng. Rồi các chỉ thị, mệnh lệnh, các biện pháp cụ thể được truyền xuống các binh đoàn.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30-4-1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.
Mở màn trận đột phá cuối cùng vào sào huyệt địch, trận địa pháo tầm xa đặt ở khu vực Nhơn Trạch (hướng Đông), Củ Chi, Hóc Môn (hướng Tây Bắc) bắn phá dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng bị tê liệt, một nửa số máy bay trên sân bay bị trúng đạn. Cùng lúc đó, quân ta bắt đầu ào ạt tiến công.
Hướng tiến công từ Tây Bắc, 5 giờ ngày 30-4, Quân đoàn 3 với lực lượng đột kích thọc sâu chủ yếu là Sư đoàn 10 tăng cường, từ bàn đạp dọc đường số 1 (phía bắc ngã ba Bà Quẹo), được pháo binh chiến dịch và pháo quân đoàn chi viện bắn phá liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh không quân…, đã đồng loạt hành tiến bằng cơ giới hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền, đội hình thọc sâu Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển. Đến trưa 30-4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Trên hướng Bắc Sài Gòn do Quân đoàn 1 đảm nhận, suốt đêm 29 rạng sáng ngày 30-4, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 312 cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 141 (thiếu), các đơn vị binh chủng kỹ thuật tăng cường, được 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương hỗ trợ, thực hiện bao vây, ngăn chặn Sư đoàn bộ binh 5 (thiếu 1 trung đoàn) quân đội Sài Gòn ở cụm cứ điểm Lai Khê. Gần trưa ngày 30-4, địch ở cứ điểm Lai Khê kéo cờ trắng ra hàng.
Cùng thời gian, Bộ tư lệnh Quân đoàn sử dụng Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 có 10 xe tăng yểm trợ và 2 đại đội bộ đội địa phương phối hợp, tiến công căn cứ Phú Lợi. Sau đó tiếp tục đánh chiếm thị xã và tiểu khu Bình Dương, bảo đảm hành lang cho lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn tiến vào thành phố.
Được Sư đoàn 312 tạo bàn đạp thuận lợi dọc Quốc lộ số 13, đội hình thọc sâu Sư đoàn 320B đập tan hệ thống phòng ngự chi khu quân sự Lái Thiêu, mở toang “cánh cửa cứng” cuối cùng trên hướng Bắc tiến vào nội đô Sài Gòn. Rạng sáng ngày 30-4, Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B) được tăng cường đại đội 3 xe tăng thuộc Lữ đoàn 202 phát triển tiến công cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng địch theo kế hoạch. Nhưng khi đến giáp cầu Vĩnh Bình, Trung đoàn 27 bị lực lượng địch phòng thủ ở đây chặn đánh quyết liệt. Cuộc chiến đấu giành giật cầu Vĩnh Bình diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 8 giờ 30 phút, Trung đoàn 27 làm chủ cầu Vĩnh Bình, sau đó được nhân dân địa phương dẫn đường, đánh chiếm cầu Bình Phước và bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp.
Mũi thọc sâu chủ yếu vào nội đô do Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) đảm nhiệm đột phá tuyến phòng ngự địch chốt giữ cầu Bình Triệu, thọc sâu theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.
Tại bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, trong khi Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm cổng số 1 và cắm cờ trên nóc sở chỉ huy đại bản doanh thì Trung đoàn 48 cũng đánh chiếm được cổng số 2, khu điện toán, khu trung tâm truyền tin và cắm cờ chiến thắng lên nóc nhà trung tâm hành quân.
Ở hướng Tây Nam, đêm ngày 29-4, lực lượng đột kích chủ yếu của Đoàn 232 do Sư đoàn 9 đảm nhiệm tiến vào nội thành Sài Gòn theo ba trục chính. 10 giờ 30 phút, ngày 30-4, sau khi tiêu diệt các trung đoàn đối phương cản đường, lực lượng thọc sâu Sư đoàn 9 (chủ yếu là Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2) đã vây chặt biệt khu Thủ đô. Không còn đường thoát, tướng Lâm Văn Phát, tư lệnh biệt khu thủ đô đã dẫn thuộc cấp ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan, binh lính thuộc quyền hạ vũ khí.
Trên hướng tiến công quan trọng Đông – Đông Nam, trưa ngày 29-4, nhận được chỉ thị của Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã mật lệnh cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 “tiến công vào nội đô Sài Gòn” từ 16 giờ ngày 29-4-1975 (sớm hơn 12 giờ so với các hướng khác). Chấp hành mệnh lệnh, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức thực hiện ngay.
14 giờ ngày 29-4, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đánh chiếm các mục tiêu còn lại ở khu vực Nhơn Trạch, bến phà Cát Lái (phía bắc) và thành Tuy Hạ. Rạng sáng ngày 30-4, được pháo binh (chủ yếu là pháo 85mm bắn ngắm trực tiếp) và xe tăng yểm trợ, Sư đoàn vượt sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, sau đó phát triển vào nội thành đánh chiếm bộ tư lệnh hải quân địch, phát động và hỗ trợ cho nhân dân Quận 9 nổi dậy giành quyền làm chủ.
Mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 do Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn trực tiếp chỉ huy. Số đầu xe hỗn hợp của lực lượng thọc sâu lên tới 400 chiếc (trong đó có khoảng 1/3 xe pháo, đạn quân đoàn thu hồi được trong các trận chiến đấu hoặc trên dọc đường tháo chạy địch bỏ lại). 5 giờ sáng ngày 30-4, đội hình thọc sâu hành tiến trên quãng đường xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn dài gần 4km cùng các cánh quân trên bốn hướng chiến dịch đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn.
Dọc đường hành tiến, đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 quét sạch các đồn, bốt, tuyến phòng ngự chốt chặn của đối phương.
Cũng trong buổi sáng 30-4, tại khu vực thành phố Biên Hòa, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cho Sư đoàn 6 (được tăng cường Trung đoàn 3 – Sư đoàn 341), tiến công đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 địch. Cùng lúc, Sư đoàn 341 đánh chiếm khu vực Hốc Bà Thức và phát triển vào Thủ Đức. 10 giờ, Trung đoàn 209 đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 18, khu biệt động quân. Khoảng hơn 11 giờ, Trung đoàn 3 vượt cầu Ghềnh, tiến vào thành phố. Sư đoàn 7 (được tăng cường Trung đoàn 52, Quân khu 5) và các đơn vị binh chủng phối hợp đánh thọc sâu, tổ chức đánh địch ở ngã ba Tam Hiệp. Sau khi tiêu diệt địch ở Tam Hiệp, tổ chức vượt cầu Ghềnh, cầu yếu, xe tăng, thiết giáp không thể qua được, nên đội hình thọc sâu phải chuyển hướng sang cầu xa lộ Đồng Nai theo hướng Quân đoàn 2 tiến vào thành phố.
Đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở quận Thủ Đức, đã tiến sát cầu Sài Gòn. Tại đây ta gặp sự phản kích dữ dội của địch. Nhưng trước sự phối hợp hỏa lực hiệu quả và các mũi tiến công của quân ta, địch phải bỏ vũ khí tháo chạy.
9 giờ, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía Dinh Độc Lập. Tại phía nam cầu, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ thị cho Lữ đoàn xe tăng 203 điều chỉnh Tiểu đoàn 2 thiết giáp dàn đội hình, giữ cự ly, bám Tiểu đoàn 1 xe tăng đi đầu; chỉ thị cho Ban chỉ huy tiền phương Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ phụ trách chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 bám sát đội hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 tiến vào đánh chiếm Đài phát thanh.
Vượt qua sự chống trả quyết liệt ở cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu cơ động dọc theo tường rào Thảo Cầm Viên. Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu, tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng phụ bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập…
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976 Thành phố Sài Gòn- Gia Định vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế.
Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nắm vững các chủ trương của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của thành phố, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến, cùng với nhân dân kiên trì từng bước tháo gỡ những khó khăn, lực cản của chế độ cũ; tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, với cách làm với, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Không chỉ tiên phong, đi trước xây dựng, phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong cả nước tìm tòi, sáng kiến, là nơi nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – Thành phố Thủ Đức. Với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân thành phố, nhất định chúng ta sẽ chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự thành phố mang tên Bác.
Mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân thành phố và đó cũng là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, ngành lưu trú tăng 12,12% và dịch vụ lữ hành tăng 18,6% so với tháng trước. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 4 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi. Các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm, phục vụ người dân vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu của thành phố trong 4 tháng đầu năm ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế thành phố đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ. Thành phố thu ngân sách hơn 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Tình hình quốc phòng an ninh được đảm bảo. Thời gian tới, thành phố cần quan tâm triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ để làm sao doanh nghiệp và người lao động Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận gói hỗ trợ chính sách tài khoá tiền tệ này, như vậy sẽ giúp kinh tế thành phố phát triển bền vững hơn…