Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, mục tiêu cao nhất của tỉnh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh và cũng chính là bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Và việc sớm tiêm vắc xin cho trẻ, tạo điều kiện an toàn để các em có thể đến trường là cách Quảng Ninh thực hiện mục tiêu ấy và đáp ứng mong mỏi của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Đã một tuần trôi qua sau khi con gái hoàn thành mũi tiêm thứ 2 phòng Covid-19 nên chị Nguyễn Thị Thu Hằng, khu phố 7, TX Quảng Yên rất yên tâm. Chị chia sẻ: Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, phải có “lá chắn vắc xin” thì mới có thể thích ứng linh hoạt với dịch bệnh được. Dịch Covid-19 có thể tấn công bất kỳ ai trong số chúng ta và trẻ em không phải là ngoại lệ. Thế nên khi con tiêm xong tôi thấy thật nhẹ nhõm. Từ giờ, chúng tôi yên tâm hơn khi con đến trường bởi ngoài những biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường, bản thân con đã có thêm vắc xin để ngừa lây nhiễm.
Học sinh từ 12 – 17 tuổi ở Quảng Ninh được triển khai tiêm phòng Covid-19 nhanh chóng, tỉ lệ cao.
Để đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh khi đến trường, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 đối với học sinh độ tuổi từ 12 – 17 tuổi. Ngay từ đầu tháng 11/2021, số lượng trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ trên 98%. Và tới thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho các em học sinh trong độ tuổi. Có thể đánh giá tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em là một điểm sáng của Quảng Ninh khi số lượng vắc xin và tốc độ tiêm vắc xin đã đạt mục tiêu và kế hoạch được đặt ra từ đầu năm. Đặc biệt, mặc dù việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn khó tránh khỏi các sự số, rủi ro, tuy nhiên tỷ lệ gặp sự cố, rủi ro liên quan tới tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Quảng Ninh là rất thấp và hầu như không đáng kể.
Học sinh trường tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hạ Long) yên tâm đến lớp học trực tiếp.
Để làm được điều đó, tỉnh, ngành y tế và các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho việc tổ chức tiêm chủng theo quy định. Cụ thể, lực lượng y tế tham gia tiêm chủng đã được tập huấn đầy đủ về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; sắp xếp khu vực tiêm chủng đủ diện tích để đảm bảo giãn cách và quy trình 1 chiều, có thêm khu vực chờ cho phụ huynh; bố trí khu vực theo dõi, cấp cứu nếu trẻ có phản ứng sau khi tiêm với đủ phương tiện cấp cứu; phân công xe cấp cứu cùng đội cấp cứu thường trực tại điểm tiêm; bố trí lực lượng giáo viên tại các trường học tổ chức tiêm tham gia đón tiếp học sinh, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt và hỗ trợ các công việc để buổi tiêm được tiến hành thuận lợi, trật tự, an toàn.
Một điều đáng ghi nhận là việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ được sự đồng thuận cao từ phụ huynh, người giám hộ, đáp ứng được mong mỏi trong bảo vệ trẻ trước đại dịch.
Hướng dẫn rửa tay đúng cách ở trường tiểu học thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn)
Ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh, cho biết: Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin Covid-19 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Chính vì vậy, việc tiêm chủng cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi sẽ góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Quảng Ninh, qua đó đảm bảo điều kiện tốt nhất để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thực hiện tốt mục tiêu kép đã đề ra. Trong đợt tiêm nhắc mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra quá trình tiêm chủng tại các địa phương, đến hết tháng 11/2021 đã thực hiện tiêm xong cho đối tượng từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành việc tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tỉnh Quảng Ninh cơ bản phủ vaccine phòng Covid-19 trong toàn dân.
Việc tiêm vắc xin không phải là “thần dược” có thể bảo vệ trẻ hoàn toàn trước đại dịch. “Lá chắn Covid-19” ở trường học chỉ được tạo ra khi thầy và trò được tiêm chủng đủ liều; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch; các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch ứng phó với dịch một cách linh hoạt, an toàn. Đây là điều kiện không thể tách rời để đảm bảo cho học sinh lại trường học và hoàn thành khung chương trình năm học. Nhận thức được điều đó, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ an toàn cho các trường học.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc học sinh để đảm bảo môi trường học an toàn.
Điển hình như tại TP Hạ Long, từ đầu tháng 11, Trường THCS Kim Đồng và Trường Tiểu học Hạ Long đã thí điểm triển khai hệ thống camera thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng chống dịch. Với hệ thống được lắp đặt, các thông tin, hình ảnh của toàn bộ học sinh, giáo viên trong trường đều được lưu trữ điện tử. Hằng ngày, 12 camera từ hệ thống sẽ tự động quét, nhận diện, kiểm tra thân nhiệt tự động, tiếp nhận thông tin dữ liệu của học sinh, giáo viên, cảnh báo nếu có người quên, không đeo khẩu trang khi vào trường. Tất cả những hình ảnh, thông tin đều được xử lý và truyền về hệ thống để ban giám hiệu nhà trường nắm bắt, quản lý. Trong trường hợp có ca mắc Covid-19, chỉ cần chụp khuôn mặt của F0, hệ thống tự động thông báo về địa điểm, thời gian mà F0 đã đến tại những nơi lắp camera.
Áp dụng công nghệ camera tự động nhận diện khuôn mặt, kiểm tra thân nhiệt tại trường THCS Kim Đồng (TP Hạ Long)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, TP Hạ Long cho biết: Camera trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng khuôn mặt chính xác đến 99,9%. Hoạt động độc lập, không cần internet. Nhận diện cả khi chủ thể đang đeo khẩu trang hoặc kính đen. Tốc độ nhận dạng 200ms, khoảng cách 1- 4 mét. Đây là giải pháp hỗ trợ ban giám hiệu nhà trường giám sát an ninh chủ động ngay từ cổng trường và trong khuôn viên trường học. Giải pháp cũng hỗ trợ xem trực tiếp camera thông qua máy chủ, bảo đảm chất lượng hình ảnh rõ nét ở mức cao nhất.
Theo Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, sau một thời gian thí điểm tại Trường Tiểu học Hạ Long và THCS Kim Đồng, trên cơ sở rút kinh nghiệm vận hành, điều chỉnh hệ thống, ngành có thể sẽ nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn thành phố. Cách làm của ngành GD&ĐT thành phố cũng như tại các trường học đã được đông đảo phụ huynh, học sinh đồng tình, hưởng ứng. Anh Phạm Minh Cường (phường Hồng Hải), có con đang học tại Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết: Tôi thấy hệ thống camera thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng chống dịch rất hữu ích. Tôi rất mong muốn trường của con tôi cũng sớm được triển khai tiện ích này.
Áp dụng biện pháp giãn cách trong đợt dịch cao điểm tại trường TH – THCS Kỳ Thượng (TP Hạ Long)
Thực hiện chủ trương sống chung với dịch bệnh, chỉ trong gần 1 tháng (từ ngày 1/11 đến ngày 25/11), toàn tỉnh đã có 64 ca F0, với trên 3.500 F1, trên 26.600 F2 là học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường học. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết đoán của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, sự tham gia, phối kết hợp, đồng thuận của phụ huynh, “lá chắn” phòng, chống dịch trong trường học đã được thiết lập với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, từ đó, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn khi đến trường.
Đa số trường học tại TX Đông Triều, TP Uông Bí… nơi có nhiều F0, F1, F2 là học sinh, giáo viên, đã có thể cho học sinh quay trở lại lớp học trực tiếp, chỉ sau 1 – 2 tuần tạm dừng đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Sơn, TX Đông Triều chia sẻ: Sau 2 tuần nghỉ học vì dịch, từ ngày 22/11, nhà trường đã cho các bé đi học trở lại. Để bảo đảm an toàn trường học, những người không có nhiệm vụ được yêu cầu không vào trường. Đối với những trường hợp được ra vào khuôn viên nhà trường, phải quét mã QR, khai báo y tế. Trong các tiết dạy, giáo viên cũng đổi mới linh hoạt hơn, các cô tích cực dạy cho trẻ cách đeo khẩu trang, dạy trẻ làm tấm chắn giọt bắn, để các em sớm có ý thức về phòng chống dịch.
Giáo viên trường mầm non Kim Sơn (Đông Triều) hướng dẫn trẻ làm và sử dụng tấm chắn giọt bắn đơn giản.
Năm 2021 sắp khép lại cũng là lúc năm học 2021-2022 đi được nửa chặng đường. Một năm đầy khó khăn, thử thách, song ngành giáo dục đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, đảm bảo an toàn cho tất cả học sinh thân yêu. Đặc biệt, tận dụng triệt để cơ hội khách quan từ đại dịch Covid-19 để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong quản lý, giảng dạy và học tập. Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt cũng đang đặt trách nhiệm, áp lực nặng nề hơn đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục, trong từng tiết học, mỗi buổi lên lớp, mỗi ngày tới trường an toàn của các em học sinh.
Học sinh Quảng Ninh yên tâm đến trường, thi đua học tốt.
Chắc chắn, với những nỗ lực đã qua, các nhà trường sẽ có thêm động lực, tiếp tục vượt qua khó khăn, sẵn sàng chủ động, linh hoạt vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức hoạt động quản lý, dạy và học. Từ đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục miền núi, biên giới, hải đảo. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục – xóa mù chữ; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tránh bệnh thành tích, đảm bảo học thật, thi thật, kết quả thật. Tiếp tục tạo môi trường sư phạm lành mạnh, phấn đấu Quảng Ninh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo.
Thực hiện: Bảo Bình – Lan Anh