Lâu nay, trong đời sống xã hội xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đạo đức, hành vi, lối sống, cách hành xử thiếu chuẩn mực hoặc nghiêm trọng hơn nữa là các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt có nhiều vụ việc thậm chí có thể để lại những hậu quả lớn và đau lòng. Nhưng điều đáng chú ý là khi sự việc đó được phản ảnh đến các bậc phụ huynh hoặc vấn đề xảy ra ở mức độ nghiêm trọng cần phải có sự giám hộ, bảo lãnh, sự vào cuộc của các gia đình, của các bậc phụ huynh thì gần như đều nhận được một câu trả lời đại khái từ các bậc phụ huynh là “cháu nó ở nhà ngoan, hiền lắm”.
Vâng, điều này có thể đúng hoặc chỉ đúng một phần bởi vì ngoài thời gian ở nhà, các gia đình đều không thể quán xuyến, quan tâm và theo dõi hoạt động của con cái ở ngoài xã hội và trong trường học. Một số bậc phụ huynh khi thấy con cái về ở yên trong phòng, đến giờ gọi xuống ăn cơm, đến giờ là xách ba lô đi học, ít nói, đóng cửa kín trong phòng, bố mẹ gọi dạ, bảo vâng… thì cho rằng như vậy mọi chuyện là ổn. Tuy nhiên có lẽ ít phụ huynh đâu biết đằng sau cánh cửa bí mật kia là những gì? Xin thưa, đâu đó có thể là một thế giới riêng, hoàn toàn khác xa so với thực tế mà các bậc phụ huynh nhìn thấy. Đó là việc chửi thề, nói bậy, thậm chí còn nhắn tin với những lời lẽ nhạy cảm, tục tĩu…, diễn ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh, dù có quy tắc ứng xử nhưng rất khó kiểm soát. Anh bạn tôi kể với tôi rằng, bản thân là người vô tình trực tiếp chứng kiến và ghi âm lại cuộc hội thoại của đứa cháu trai đang học lớp 12 đang nói điện thoại với bạn bằng những từ ngữ tục tĩu, dùng những lời lẽ khó nghe khi nhận xét về cơ thể một bạn gái học cùng lớp. Khi anh bản tôi cho bố mẹ cháu trai đó nghe đoạn ghi âm, bố mẹ cháu ngã ngửa ra bởi trong gia đình và ứng xử với hàng xóm cháu rất lẽ phép và nghe lời.
Hay như việc các gia đình sắm xe đạp điện, xe máy phân khối dưới 50cc cho các cháu đi học, lúc được hướng dẫn, hay đi cùng bố mẹ các cháu đi rất từ tốn, điềm đạm, cẩn thận nhưng lúc không có người lớn đi cùng các cháu tổ chức tụ tập đua xe, đánh võng gây tai nạn, nhẹ thì hỏng xe, nặng thì gây nguy hiểm tính mạng cho người khác và cho chính mình. Đã có dạo, báo chí, mạng xã hội phản ánh từng trạng các cháu thanh thiếu niên tụ tập nhóm tổ chức đua xe tại một địa phương như Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí… và đã có nhiều trường hợp gây tai nạn thương tâm và lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã phải vào cuộc xử lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường mới thì tình trạng này mới chấm dứt.
Hay như vụ việc xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Hoành Bồ bị ngộ độc kẹo có chứa chất THC (một loại chất có trong cây cần sa) dẫn đến hơn 10 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Rồi việc học sinh do mâu thuẫn, ghen ghét cá nhân trong trường, trên mạng xã hội hẹn đánh nhau gây mất tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, một số học sinh bị ảnh hưởng đến tâm lí nặng nề sau các vụ đánh nhau bị tung clip lên mạng.
Câu chuyện việc nói tục của con chị cùng cơ quan tôi cũng không phải là cá biệt, khi trên nhiều diễn đàn khác của phụ huynh, giáo viên, thậm chí trong những group (nhóm) của những chung cư, nhiều phụ huynh cũng than phiền về tình trạng học sinh nói tục mọi lúc, mọi nơi. Thực tế hiện nay, những tác động từ xã hội đến học sinh dường như vẫn mạnh hơn ảnh hưởng và kỷ luật của nhà trường. Mạng xã hội phát triển, từ Facebook, YouTube, TikTok… đến cả một số chương trình trên truyền hình cũng không kiểm soát những ngôn ngữ của những nhân vật xuất hiện trên đó. Ngoài ra, tình trạng em nào không biết nói bậy thì không phải người sành điệu, bị bạn bè cô lập, không cho chơi cùng cũng đã xuất hiện .
Có thể nói vai trò của Nhà trường, Gia đình và xã hội trong việc dạy dỗ con cái có mối quan hệ rất khăng khít, đòi hỏi từ các phía phải thực sự trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ. Sự trao đổi đó phải được các bên nghiêm túc tiếp thu và cùng phối hợp để giải quyết vấn đề, tránh qua loa, hình thức. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy, phải nhận thức rõ ràng rằng việc dạy dỗ con cái luôn có phần lớn trách nhiệm của gia đình chứ không như suy nghĩ của một số bậc phụ huynh coi việc đó là của nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, thầy cô với thời gian ở trên lớp phần lớn dành cho việc giảng dạy kiến thức, thì không thể nào quan tâm đến tất cả học sinh trong lớp được. Theo tôi, chăm lo cho con không phải bao bọc nó, theo sát nó 24/24 mà là dành thời gian có thể là 1 – 2h một ngày nói chuyện với con, tâm sự, lắng nghe con, xem con cái có biểu hiện gì lạ không để từ đó có những lời dạy bảo, chấn chỉnh cho phù hợp.
Việc tìm ra các giải pháp để giáo dục, định hướng đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên đã được bàn và đề cập tương đối nhiều. Ở đây tôi quan tâm đến việc trong gia đình và nhà trường cần làm gì cho con để cho thế hệ tương lai có khả năng nắm bắt làn sóng của cuộc cách mạng này mà không bị lệch chuẩn văn hóa. Mặt khác, quá trình giáo dục không chỉ diễn ra ở trong gia đình hay nhà trường mà giáo dục xã hội cũng rất quan trọng. Đó là những hiểu biết từ thực tế xã hội đem đến cho người học. Có thể thông qua nhiều hình thức như: qua các trải nghiệm, thực tế…cung cấp cho người học những hiểu biết chân thực nhất. Đó là cách giáo dục trực tiếp bởi giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường cũng là để mỗi người, mỗi cá nhân có thể bước vào cuộc sống thực tế ngoài xã hội.
Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng đã cho thấy quan điểm của Đảng trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi một nền giáo dục 4.0. Tuy vậy, việc chuyển đổi nền giáo dục sao cho phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 là một điều không dễ dàng. Nhiều phương pháp giáo dục mới đã được đưa vào sử dụng trong các cấp học từ mầm non cho đến đại học theo hướng phát huy tính tích cực của người học, hoạt động nhóm.… Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nên những con người với những kỹ năng, tư duy dần đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Các kỹ năng cần có như: kỹ năng thích ững, kỹ năng chọn lọc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự sáng tạo. ..Người giáo viên trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 cần quan tâm đặc biệt tới đối tượng người học. Nhiệm vụ của người thầy là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để họ có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo. Chỉ có như vậy mới tạo ra được những con người năng động và sáng tạo. Hơn bao giờ hết, nghề dạy học với danh xưng “là nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo” lại càng thể hiện rõ nhất trong thời điểm hiện nay.
Các bậc cha mẹ cần không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, để không chỉ góp phần tăng cường, nâng cao và phát huy được vai trò giáo dục gia đình, nhất là với các bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi mà còn khắc phục phương pháp giáo dục chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Thực tế cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con cái, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân con cái và gia đình thì con cái không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất.
Cần tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các tác động xấu của mạng xã hội, các giá trị về gia đình, đạo đức…nhằm tăng cường vai trò giáo dục lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó nhằm mục đích khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường của các bạn trẻ.
Quan tâm đến việc bổ sung các kỹ năng và tăng cường mở các lớp diễn giả trong nhà trường về tình hình đất nước, thế giới, các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cũng như bồi đắp thêm nhân cách sống của thế hệ trẻ. Nên kết hợp các tiết học với các hoạt động ngoại khoá như tham quan khu di tích để cảm nhận về lịch sử chân thực hơn. Tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em; các văn bản quy định công tác quản lý nâng cao đạo đức nhà giáo; xây dựng môi truờng giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, tích cực phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, các vướng mắc phát sinh, thực hiện các giải pháp phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học: lắp đặt camera an ninh, lập hòm thư tố giác tội phạm, thiết lập, công khai đường dây nóng, hòm thư tố giác để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách bảo đảm duy trì tình hình an ninh, trật tự khu vực trường học; phối hợp, cung cấp thông tin, tình hình các đối tượng có biểu hiện hoạt động phức tạp tại khu vực trường học cho lực lượng công an; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ trong nhà trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh và các lực lượng khác trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường.
Tuyên truyền, giáo dục học sinh tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, tham gia các hoạt động Đoàn, Đội. Tích cực lao động giúp đỡ gia đình và tham gia các hoạt động cộng đồng, các hoại động tình nguyện, không truy cập các website thiếu lành mạnh trên internet đẫn đến các hành vi nguy hiểm như bạo lực học đường, sử dụng ma túy, đánh bạc, đua xe, mê tín dị đoan.
Cần phải có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, giúp họ hiểu được đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình, con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ, ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội trở thành việc làm quan trọng nhất trong mỗi gia đình, nhà trường và trong xã hội hiện nay.
Mai Hậu