Chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ “không có Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, các quy định về việc đi lại của người dân, phương tiện ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được nới lỏng hơn. Tại Quảng Ninh, lượng người ra, vào tỉnh đã tăng mạnh, trong đó có những người trở về từ vùng dịch và thực tế đã có những trường hợp mắc Covid-19 chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc cách ly, gây nguy cơ rất cao lây nhiễm ra cộng đồng. Để phòng, chống dịch tái bùng phát, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, ý thức tự giác của mỗi người dân chính là lá chắn quan trọng nhất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong vòng 1 tuần (từ ngày 18 đến 24/10), trên địa bàn tỉnh đã có 1.863 người Quảng Ninh trở về từ các vùng có nguy cơ cao, tăng 3/4 so với tuần trước đó; có 94.414 lượt phương tiện vào địa bàn tỉnh, tăng 37.492 lượt phương tiện so với tuần trước; trên 143.300 lượt người vào địa bàn tỉnh, tăng hơn 60.500 lượt người so với tuần trước.
Cũng trong thời gian này, Quảng Ninh đã phát hiện 24 ca mắc Covid-19 (13 trường hợp mắc Covid-19 di chuyển từ tỉnh Bình Dương về Quảng Ninh; trong đó có 2 ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, 4 ca mắc trong khu cách ly, 7 ca mắc là thuyền viên tàu biển).
Theo phân tích từ các cơ quan chức năng, một số trường hợp người trở về từ vùng dịch chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc cách ly tại nhà, nguy cơ rất cao lây nhiễm ra cộng đồng. Trên thực tế, đã có những ca nhiễm thứ phát tại nơi cách ly, do người thực hiện cách ly chưa tuân thủ đúng các quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và những người không được tiêm vắc xin phòng Covid-19 do có chống chỉ định tiêm.
Điển hình như trường hợp 2 công dân P.T.N và V.T.H từ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, về cách ly tại nhà ở thôn 3, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, đã lây Covid-19 cho bố là ông P.V.B và mẹ là bà Đ.T.T. Trước đó, khoảng 8h ngày 18/10, P.T.N và V.T.H về đến chốt kiểm soát cầu Đá Bạc, thực hiện khai báo y tế. Sau đó, 2 người đi xe taxi của người quen từ chốt cầu Đá Bạc về đến Trạm Y tế xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) thực hiện khai báo y tế, trình kết quả test nhanh Covid-19 âm tính (test vào ngày 16/10) và giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, rồi về nhà vào khoảng 19h30 cùng ngày. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Hạ Long ra quyết định cách ly y tế tại nhà 7 ngày đối với trường hợp P.T.N và V.T.H (treo biển, khóa cổng ở ngoài).
Ngày 19/10, P.T.N và V.T.H được test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 24/10, cả 2 được làm test nhanh Covid-19 lần 2. Tại lần test nhanh Covid-19 trước khi hoàn thành đợt cách ly tại nhà của P.T.N và V.T.H đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhân viên y tế địa phương đã lấy lại mẫu xét nghiệm của 2 người gửi CDC Quảng Ninh xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 (TP Hạ Long).
Tuy nhiên, trong quá trình cách ly tại nhà, bệnh nhân P.T.N và V.T.H đã vi phạm quy trình cách ly y tế theo Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng, chống dịch Covid-19, khi không tuân thủ 5K, đã tiếp xúc với bố là ông P.V.B và mẹ là bà Đ.T.T, dẫn đến lây Covid-19 cho họ. Trong thời gian ở nhà, bệnh nhân là bà Đ.T.T. có bán hàng tạp hóa nhỏ, đi chợ mua thức ăn, có tiếp xúc với người bán hàng. Ngoài ra, bệnh nhân P.T.N còn đặt mua hàng và được đưa qua cửa (cả 2 đều đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc khoảng 2-5 phút).
Hiện nay, biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nên nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế, một số người đã tiêm 2 mũi vắc-xin, song vẫn mắc bệnh và có nguy cơ lây lan. Như ngày 24/10, Quảng Ninh ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 là T.Đ.T, nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 17/10, cách ly tại khu cách ly tập trung Khách sạn FLC Hạ Long và bệnh nhân mắc Covid-19 là N.T.T, nhân viên dọn buồng phòng của FLC, phục vụ cho đoàn cách ly.
Trong suốt thời gian làm việc tại khu cách ly, N.T.T ở tại phòng trong khu cách ly, không sang các phòng khác, không về nhà. Ngày 23/10, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành lấy mẫu gửi Công ty CP GEMEDIC xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Được biết, bệnh nhân N.T.T mỗi lần phục vụ đoàn cách ly đều mặc trang phục bảo hộ, đeo găng tay cao su, đeo khẩu trang vải (do bệnh nhân bị dị ứng với khẩu trang y tế). Trong quá trình dọn phòng, N.T.T có trò chuyện với 1 F0 là người cách ly trong phòng.
Có thể thấy, nhiều người dân từ các vùng dịch về đều có thông báo kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, tuy nhiên trước khi xét nghiệm có thể đang trong thời gian ủ bệnh, hoặc có thể lây nhiễm chéo trong quá trình di chuyển. Điều đáng nói là một số trường hợp mắc Covid-19 trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly chưa tuân thủ nghiêm quy trình cách ly y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Nhất là trong quá trình cách ly tại nhà, nhiều người đã có tâm lý chủ quan, không thực hiện tốt 5K, tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, dẫn đến làm lây lan dịch Covid-19. Mặt khác, điều kiện cách ly tại nhà, nơi ở của người được cách ly chưa đảm bảo, khó kiểm soát, nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương là rất cao.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 7539/UBND-DL1 ngày 25/10/2021. Trong đó yêu cầu, từ ngày 25/10/2021, tất cả người đến từ các địa bàn có dịch (cấp 4 – vùng màu đỏ; cấp 3 – vùng màu cam) đều thực hiện cách ly y tế tập trung từ 7 đến 14 ngày, tùy theo trường hợp đã tiêm đủ thời gian, liều lượng vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định. Đối với những người trở về từ các địa bàn khác (cấp 2 – màu vàng và cấp 1 – màu xanh) tự theo dõi sức khỏe, luôn thực hiện 5K, nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau mỏi cơ… phải báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, quy trình cách ly đối với những người về từ vùng dịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương siết chặt quy trình thẩm định, giám sát và đặc biệt là quy trình cách ly. Trong đó, những người từ vùng có dịch về phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc mọi hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế, chấp hành nghiêm các điều kiện, quy chuẩn cách ly. Hiện nay, 95% dân số trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 1 và trên 86% dân số đã tiêm đủ mũi 2. Tuy nhiên, vẫn còn những đối tượng người già, người có bệnh nền, người chống chỉ định tiêm và hơn 300.000 trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin. Trong khi đó, những người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc bệnh và có nguy cơ lây lan cho người khác, nên đòi hỏi mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác, có trách nhiệm với cộng đồng, không chủ quan, lơ là, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19, đăc biệt là quy định 5K.
Có thể thấy, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới là cần thiết, qua đó vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân, vừa đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, phát triển KT-XH, ổn định đà tăng trưởng cho các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, trong môi trường “sống chung an toàn với Covid-19” luôn tiềm ẩn cao nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch, nhất là từ những người đi qua, trở về từ vùng có dịch. Để giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, cùng với vai trò của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, mỗi người dân phải là một “chiến sỹ”, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một “pháo đài” phòng, chống dịch bệnh, luôn nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, thường trực tinh thần giám sát lẫn nhau, nhằm phát hiện những di biến động dân cư, đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hiện đang xây dựng hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn xây dựng, kiện toàn và phát huy vai trò của các tổ liên gia theo nhóm hộ gia đình tích cực tham gia công tác tự quản về phòng, chống dịch tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, tập trung hướng dẫn các nội dung bổ sung vào quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư trên quy tắc xử sự gắn với các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp quy định chung và tình hình thực tiễn đảm bảo 3 an toàn (cá nhân an toàn – gia đình an toàn – cộng đồng an toàn). TP Hạ Long là một trong những địa phương đi đầu triển khai thí điểm mô hình Tổ liên gia trong phòng, chống dịch trên địa bàn khu dân cư. Hiện thành phố triển khai mô hình tại 33 xã, phường trên địa bàn.
Bài học từ sự tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở cộng với phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, lấy người dân, khu dân cư làm chủ thể chống dịch, nhất là phát huy tốt các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, đã giúp Quảng Ninh vững vàng vượt qua các làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong gần 2 năm qua. Thiết nghĩ, tinh thần này cần được nêu cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn “sống chung an toàn với Covid-19” dự báo còn nhiều gian nan phía trước.