Đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ là một trong những khâu đột phá, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững cho các quốc gia. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng và từ đó xác định nội dung, biện pháp, điều kiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở Việt Nam. Những quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay.
Lịch sử dân tộc đặt ra cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam những nhiệm vụ vô cùng to lớn, khó khăn, đó là: Đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những nước thực dân, đế quốc hùng mạnh để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cải tạo xã hội cũ nghèo nàn lạc hậu với những tàn tích phong kiến, thực dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhận thức sâu sắc đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn vượt thời đại, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và coi đó là khâu then chốt trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và phát triển. Nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những chỉ đạo thực tiễn của Người, có thể thấy một hệ thống tư tưởng sâu sắc, toàn diện về đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, trong đó, quan điểm về các biện pháp đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ có vị trí quan trọng. Hệ thống tư tưởng đó không chỉ góp phần thiết thực giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trước đây, mà ngày nay vẫn chứa đựng những giá trị định hướng, gợi mở quan trọng đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về biện pháp đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ thể hiện qua những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nước và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kỹ thuật trong nhân dân.
Đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực chất chính là khơi dậy và phát huy sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, là nguồn lực quan trọng giúp dân tộc Việt Nam đánh bại các lực lượng thực dân, đế quốc hùng mạnh, cũng như giành chiến thắng trong “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong bản Di chúc thiêng liêng của Người. Giải phóng dân tộc là cả một thành tựu vĩ đại của trí tuệ Việt Nam, của đổi mới, sáng tạo, kết tinh ở học thuyết Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Trong xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Người khẳng định: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(1).
Về biện pháp thực hiện nhiệm vụ đó, theo Người, đầu tiên cần trân trọng tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật của nhân loại. Nhận thức rõ thời đại mới là thời đại của khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có cái nhìn cởi mở, thể hiện tinh thần khoan dung văn hóa đối với các tài nguyên trí tuệ, tri thức của nhân loại. Đối với hệ tư tưởng Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chỉ dẫn khách quan: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”(2). Để tiếp thu trí tuệ nhân loại, Người chú trọng việc cử thanh niên Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều học sinh, sinh viên đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước có trình độ phát triển cao về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Nhiều người trong số đó sau khi trở về đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Có những người vẫn ghi nhớ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi họ rời Tổ quốc: “Các chú sắp được sang học ở Liên Xô. Liên Xô là nước có trình độ khoa học – kỹ thuật cao. Các chú sang đó học để làm gì? Có phải học cho thông thạo để có địa vị không? Học để phụng sự nhân dân. Làm sao để dân có cơm no, áo ấm, có sức khỏe. Dân đói bụng, đưa rượu sâm-banh, dân rét đưa ca-ra-vát ra có đúng không? Nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng. Bây giờ các chú đi học ở một nước có trình độ cao so với nước ta. Ði học, bê cả các thứ về một cách máy móc thì vô dụng, không làm gì cả. Học cách người ta làm, cách xếp đặt, những cái to lớn từ đâu mà ra. Học để biết mà dùng, mà áp dụng theo từng hoàn cảnh của ta. Học, dùng phải đi đôi với nhau, nhằm một mục đích phụng sự nhân dân”(3). Trân trọng nghiên cứu, tiếp thu tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại và áp dụng sao cho phải phù hợp với điều kiện nước ta đến nay vẫn là bài học lớn trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta.
Cùng với tiếp nhận tri thức khoa học từ bên ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nước cũng là biện pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Người nêu quan điểm: “Các cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu khoa học quân sự, cán bộ y tế phải nghiên cứu y học. Cán bộ môn nào thì nghiên cứu lý luận của môn ấy”(4). Người nhắc đến tấm gương nhà khoa học nữ người Trung Quốc là Lý Mận Hoa để cổ vũ tinh thần hăng say lao động trí óc của chuyên gia nước nhà: “Bà Lý vừa nuôi con, vừa làm việc nhà, vừa nghiên cứu khoa học. Thật là khó nhọc, nhưng bà Lý quyết tâm học cho kỳ được. Kết quả bà Lý đã thành một nhà động lực học nổi tiếng” và nhấn mạnh: “Lao động chân tay, lao động trí óc, bất kỳ làm việc gì hễ có ích cho xã hội đều là vẻ vang, đều được nhân dân quý trọng”(5).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kỹ thuật trong quần chúng nhân dân. Tuyên truyền, phổ biến tri thức không chỉ để thỏa mãn quyền lợi căn bản của người dân là được hưởng thụ những thành quả của khoa học, để lao động trí óc gắn chặt với lao động chân tay, để tri thức khoa học, kỹ thuật đi vào thực tiễn, được ứng dụng trong thực tiễn, mà sâu xa hơn là để tạo điều kiện nâng cao dân trí, phát huy trí tuệ của nhân dân, để các tầng lớp nhân dân có điều kiện tham gia đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, quần chúng nhân dân, một khi được cổ vũ, động viên sẽ phát huy được nguồn lực trí tuệ vô tận trong sự nghiệp cách mạng. Người viết: “Tư tưởng của quần chúng thông, lực lượng và trí tuệ của quần chúng sẽ vô cùng vô tận, khó khăn gì cũng vượt được, công việc to mấy cũng làm nên”(6).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới chế độ thực dân phong kiến, khoa học chịu sự chi phối và thao túng bởi giai cấp thống trị, đồng thời cũng trở thành phương tiện để chúng áp bức, bóc lột nhân dân lao động. Ngược lại, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải là tài sản riêng của một nhóm người nào, do đó cần được ứng dụng vào việc tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy tiến bộ của xã hội. Do vậy, Người yêu cầu, đội ngũ trí thức, nhất là trí thức khoa học “phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động… Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”(7). Người lưu ý rằng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến rộng rãi những tri thức khoa học, kỹ thuật trong quần chúng nhân dân gắn liền với trách nhiệm quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có thể trở thành chủ thể sáng tạo, đó là điều Hồ Chí Minh luôn trăn trở, căn dặn các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên: “Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay là không, kết quả tốt hay là xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”(8). Có thể thấy, đẩy mạnh phổ biến tri thức, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ; khơi dậy tinh thần và khát vọng sáng tạo trong nhân dân; góp phần hình thành văn hóa đổi mới, sáng tạo, để xã hội ngày càng tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo là biện pháp mang tính chiến lược, góp phần phát huy nguồn sức mạnh của nhân dân trong cách mạng.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, muốn khoa học, kỹ thuật phát triển thì con người là nhân tố quyết định. Để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, “dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”, cần phải ra sức phát triển nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật.
Trước hết, Người yêu cầu phải có chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức cách mạng nói chung và trí thức khoa học, kỹ thuật nói riêng. Chỉ một tuần sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân xóa nạn mù chữ. Người chú trọng đào tạo tri thức khoa học, kỹ thuật cho thế hệ trẻ. Trong Bài nói tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (tháng 5-1963), Người căn dặn: “Hội còn có nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học”(9). Người nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống các trường đại học và trường trung học chuyên nghiệp và có sự “phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”(10), nhằm đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật chuyên nghiệp. Với sự quan tâm, sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật của chế độ mới từng bước hình thành và lớn mạnh, bao gồm lực lượng của toàn dân, nguồn nhân lực trong tương lai và lực lượng hoạt động khoa học, kỹ thuật chuyên nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, trong quá trình xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ khoa học và kỹ thuật, việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong cũng cần hết sức coi trọng. Theo Người, một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức, tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trở thành trí thức, bởi một người có trình độ học vấn cao chỉ có thể trở thành trí thức khi người đó đem tri thức của mình áp dụng vào hoạt động lao động, sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, để phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. Với người trí thức, trong đó có trí thức khoa học, kỹ thuật, thì tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc, bởi: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(11).
Trong bối cảnh hiện nay, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo phát triển toàn diện, cả đức và tài vẫn mang tính thời sự. Thực tiễn cho thấy, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, lòng tự tôn, tự trọng thực sự là nền tảng, là động lực để tài năng của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ phát triển và để tài năng không trở thành “vô dụng” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo.
Ngoài việc trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật của chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trọng dụng các trí thức tài năng, đức độ mà chế độ cũ để lại, đặc biệt là coi trọng việc thu hút lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Với tinh thần “kiến thiết thì phải có nhân tài”, năm 1946, khi sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp, Người đã gặp gỡ, tiếp xúc, dùng đại nghĩa dân tộc và uy tín cá nhân để kêu gọi nhiều trí thức Việt Nam ở Pháp trở về nước phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thêm nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài cũng lần lượt về nước tham gia kháng chiến, như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Những trí thức đó được chính quyền cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng đã thể hiện được tài năng, góp phần làm nên những thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đây là bài học lớn cần được tiếp tục được quán triệt trong bối cảnh hiện nay.
Một điều đặc biệt thể hiện tầm nhìn vượt trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là ngay từ giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, Người đã đặt vấn đề mời các chuyên gia khoa học, giáo dục nước ngoài sang Việt Nam làm việc và mở các cơ quan khoa học nước ngoài ở Việt Nam. Theo tinh thần đó, Tạm ước Việt – Pháp (ngày 14-9-1946) ghi rõ: “Những trường học Pháp các cấp sẽ được tự do mở trên đất Việt Nam. Những trường ấy sẽ theo chương trình học chính thức của Pháp… Những trường ấy sẽ mở rộng cho cả học sinh Việt Nam. Những kiều dân Pháp sẽ được tự do nghiên cứu khoa học và mở những viện khoa học trên đất Việt Nam”, mặt khác, “những kiều dân Việt Nam cũng được hưởng đặc quyền ấy ở Pháp”(12). Đây thực sự là biện pháp có ý nghĩa, góp phần phát triển nhân lực khoa học, công nghệ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Thứ ba, xây dựng các thể chế, thiết chế khoa học, giáo dục.
Cùng với quan điểm về phát triển nhân lực khoa học, kỹ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng các thể chế, thiết chế khoa học, giáo dục, bởi đây là biện pháp quan trọng để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44/SL, thành lập Hội đồng cố vấn học chính, gồm hơn 30 thành viên là những nhà quản lý giáo dục, giáo giới, trong các đoàn thể chính trị, đại diện phụ huynh học sinh, để (i) nghiên cứu một chương trình cải cách các nền học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; (ii) theo dõi sự thực hành bản chương trình ấy khi đã được Hội đồng Chính phủ duyệt y, đề nghị những điều sửa đổi cho phù hợp với tình hình trong nước. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc gia Giáo dục đã tổ chức khai giảng các trường phổ thông trong cả nước vào tháng 9-1945. Về giáo dục đại học, Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định việc tiếp thu cơ sở của Đại học Đông Dương, kế thừa và cải tổ các trường đại học và cao đẳng đã có, thành lập thêm một số trường mới, dùng tiếng Việt để giảng dạy ngay từ niên khóa 1945 – 1946. Đáng chú ý là cũng vào ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 43/SL nhằm thiết lập cho trường Đại học Việt Nam một quỹ tự trị, trong đó thâu gồm các tiền trợ cấp của Chính phủ hay của các địa phương, và có pháp nhân tư cách để thân nhận những động sản hoặc bất động sản của tư nhân quyên cho. Việc quản trị quỹ do một Hội đồng quản trị gồm có ông Giám đốc Đại học vụ làm Chủ tịch, ông Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia giáo dục – ông Phó Giám đốc Đại học vụ, các ông giám đốc các trường đại học và mỗi trường một đại biểu, giáo sư cùng đại biểu của sinh viên, và 3 vị thân hào trong nước. Chủ trương thành lập Quỹ tự trị và cách thức quản trị Quỹ như trên cho thấy tư duy vượt trước thời đại của Người. Hiện nay, việc thành lập các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm,… ở Việt Nam nhằm huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo mới từng bước hình thành, đạt được những kết quả bước đầu còn khiêm tốn, càng cho thấy, những quan điểm đúng đắn và vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng các thể chế, thiết chế khoa học, giáo dục hàm chứa nhiều giá trị, tiếp tục cần được đi sâu nghiên cứu và vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Để các hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát huy tối đa vai trò trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vai trò quản lý của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý… là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ, thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc”(13).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm của Nhà nước thể hiện ở việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước, ở việc lập và tổ chức triển khai những kế hoạch cụ thể nhằm từng bước phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ làm cho nước giàu, dân mạnh và cải thiện mọi mặt đời sống của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Kế hoạch không nên sụt lại sau, nhưng cũng không nên chạy quá trước sự phát triển của công nghệ, không nên xa rời nông nghiệp, không nên quên lãng sức tiết kiệm của ta. Nền tảng phát triển công nghệ phải dựa trên sự cần thiết cho thị trường trong nước, trước hết là thị trường của nông dân, và dựa trên phạm vi của cải của ta. Đó là nền tảng để liên hệ công nghệ với kinh tế của nông dân”; rằng kế hoạch cần bám sát điều kiện thực tế của đất nước, với các nguồn lực có thể huy động, với thế mạnh của một nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp. “Có người theo ảo tưởng của mình mà định kế hoạch, chứ không nghĩ đến vốn liếng. Họ quên rằng: Nếu không có một số vốn tối thiểu, không có một số tiền hậu bị tối thiểu, thì chẳng những không đạt được kế hoạch công nghệ nào, mà cũng không xây dựng được những xí nghiệp “to lớn bao la””(14). Tóm lại, xuất phát từ đặc điểm của đất nước ta là “một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, nên kế hoạch phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải “liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không xa rời sức tiết kiệm và ǎn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta – thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó là lãnh đạo và cải tạo kinh tế quốc dân”(15). Điều cần nhấn mạnh ở đây là, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan trọng không chỉ nằm ở kế hoạch, mà còn thuộc khâu tổ chức thực hiện: Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề cán bộ. Theo Người, cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật phải bám sát thực tế điều hành, phải hiểu rõ tình hình thực tiễn, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, nắm bắt được nhu cầu của quần chúng, trong đó có nhu cầu đối với khoa học, kỹ thuật. Người căn dặn: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống”(16). Khoa học, kỹ thuật biến đổi rất nhanh chóng, muốn làm tốt công tác quản lý khoa học, kỹ thuật, phải đấu tranh không khoan nhượng với thái độ bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới, đố kỵ nhân tài, kìm hãm người giỏi, “đạo vị” của những người có năng lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, cán bộ quản lý lĩnh vực khoa học, kỹ thuật phải yêu mến nhân tài, bảo vệ nhân tài, trọng dụng nhân tài, có gan tiến cử nhân tài. Người nhấn mạnh, đối với cán bộ quản lý khoa học và kỹ thuật vấn đề không chỉ là phương pháp, mà quan trọng hơn còn là đạo đức và thái độ ứng xử. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn ra vai trò của quản trị quốc gia đối với phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và quan điểm đó có nhiều giá trị gợi mở trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Thứ năm, mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế là để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, tiến kịp các nước trên thế giới và sâu xa hơn, đó là đặt chiến lược phát triển đất nước gắn liền với những chuyển biến mang tính thời đại. Người cho rằng, giao lưu và hợp tác quốc tế về khoa học, kỹ thuật có quan hệ và ảnh hưởng qua lại, là điều kiện quan trọng để bảo đảm thắng lợi của công cuộc kiến thiết đất nước. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài câu kết với nhau chống phá cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn “trước sau như một”, tỏ rõ thiện chí Việt Nam sẵn sàng quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Người đưa ra lời đề nghị các nước bạn hợp tác giúp đỡ, trong đó có giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật công nghệ và ta phải khéo tranh thủ sự giúp đỡ ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả nǎng của ta. Trong Lời kêu gọi gửi tới Liên hợp quốc năm 1946, Người nêu rõ: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối không được ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà phải không ngừng tự lực cánh sinh. Người yêu cầu Chính phủ phải có những chính sách cụ thể, khả thi để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam cộng tác, làm việc. Người nhấn mạnh, cần “mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(17), nhằm khuyến khích các đối tác nước ngoài hợp tác trên những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu, chưa có điều kiện khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước ta. Trong hợp tác quốc tế về khoa học, kỹ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý thêm, không bằng mọi giá, mà phải trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ là một hệ thống quan điểm mang nhiều giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc với tầm nhìn vượt thời gian. Đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ là điều kiện mang tính then chốt để giải phóng dân tộc, đưa nhân dân ta nhanh chóng “vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu”. Đó là con đường đúng đắn đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có nền công – nông nghiệp hiện đại. Tư tưởng đó càng có ý nghĩa thời sự trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc./.
——————————-
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 97
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 356
(3) Xem: Nhớ lời Bác Hồ dặn học sinh khóa đầu sang Liên Xô học tập, Báo Nhân dân điện tử, ngày 18-5-2005, https://nhandan.vn/nho-loi-bac-ho-dan-hoc-sinh-khoa-dau-sang-lien-xo-hoc-tap-post398464.html
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 310
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 530
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 437
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 97
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 97
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 99
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 506
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 400
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 588, 589
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 140
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 366
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 366
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 97
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 86
Tạp chí Cộng sản