Từ ngày 1/1/2022, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới rất quan trọng, sát với thực tiễn, cân bằng giữa “phòng” và “chống”, được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực cho công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 gồm 8 chương 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Theo Bộ Công an, trên cơ sở kế thừa các điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới, như: Bổ sung khái niệm thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy”; bổ sung khái niệm “Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này”; bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma tuý;…
Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn