Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật

Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức “nhóm lợi ích” là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều văn kiện của Đảng, được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây.

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế – là một trong những đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV_Ảnh: TTXVN

Nhận diện các biểu hiện “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật

Việc nhận diện rõ về “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả là hết sức cần thiết. Theo nghĩa chung nhất, “lợi ích nhóm” là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau để cùng có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Về chủ thể, nhóm người này là “nhóm lợi ích”. Xét trên thực tế có hai loại “lợi ích nhóm” với tính chất khác nhau: “lợi ích nhóm” tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhóm người, không làm ảnh hưởng, không mâu thuẫn với lợi ích chung của xã hội, của quốc gia, dân tộc; “lợi ích nhóm” tiêu cực là lợi ích cục bộ của nhóm người hoặc của ngành, địa phương, không chính đáng, bất hợp pháp, mâu thuẫn, gây thiệt hại cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, loại “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” thường được đề cập là loại “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực. Đây chính là những “nhóm lợi ích” có thể đem đến những hậu quả rất nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đất nước. Nhóm lợi ích làm trầm trọng tệ tham nhũng, gây tổn thất, thất thoát lớn về nguồn lực của đất nước; làm băng hoại đạo đức, gây bất bình trong xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ. Vì vậy, những “nhóm lợi ích” này cần được nhận diện rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn. Xin được nêu khái quát một số tính chất, đặc điểm, phương thức hoạt động của các “nhóm lợi ích” tiêu cực như sau:

Về đặc điểm, “nhóm lợi ích” thường bao gồm những người có chức, có quyền hoặc có liên quan đến người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước. Đây là những người tạo thành một “nhóm”, tạo thành đường dây, có tổ chức (được tổ chức chặt chẽ hoặc có thể chỉ là tập hợp đơn giản, câu kết, móc ngoặc với nhau). Nhóm này thường hoạt động kín, không công khai, với thành viên trong nhóm là những người có quyền lực, hoạt động tinh vi, được che giấu dưới các thủ tục hợp pháp, lợi dụng danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để hưởng lợi không chính đáng (lợi ích vật chất hoặc phi vật chất) nên khó phát hiện. Lợi ích nhóm thường gắn với hành vi tham nhũng.

Các “nhóm lợi ích” sử dụng nhiều phương thức khác nhau tác động đến người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước, để từ đó đem lại lợi ích cho nhóm. Phổ biến nhất là tìm cách tặng quà, mua chuộc, hối lộ. Một phương thức cũng thường được sử dụng đó là sự móc nối, trao đổi lợi ích, ủng hộ về mặt chính trị, ủng hộ trong đề bạt, bổ nhiệm trong công tác cán bộ. Phương thức khác là các nhóm có thể mua chuộc một số phóng viên, nhà báo biến chất để đưa tin không trung thực, “lăng xê” không đúng sự thật nhằm đánh lừa dư luận, định hướng chính sách theo ý mình để đạt được “lợi ích nhóm”.

Nhìn một cách tổng thể, “nhóm lợi ích” có thể tác động lên quá trình hoạch định chính sách (ở Trung ương hoặc địa phương), đặc biệt là quá trình thực thi chính sách để mang lại “lợi ích nhóm” tiêu cực, không chính đáng, gây thất thoát, lãng phí lớn đối với tài sản nhà nước. Trong thực thi chính sách, các “nhóm lợi ích” có thể tác động đến các hoạt động và lĩnh vực, như phân bổ ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư công, ngân hàng, đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên; quá trình bổ nhiệm, lựa chọn nhân sự và kể cả hoạt động tư pháp. Trong hoạch định chính sách, để giành lấy lợi ích không chính đáng cho “nhóm”, các nhóm lợi ích có thể tác động tới việc ban hành các chính sách cụ thể, như chính sách về đầu tư, thuế, tài chính, ngân hàng; về thủ tục hành chính; về tổ chức bộ máy… Những chính sách này tuy mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người nhưng lại gây thiệt hại to lớn cho lợi ích chung của quốc gia. Hoặc một nhóm người được hưởng lợi từ các thủ tục hành chính phức tạp, nhưng đa số nhân dân thì bị gây phiền hà, tốn kém; bộ máy nhà nước cồng kềnh, lãng phí…

Đối với cơ quan lập pháp, “nhóm lợi ích” có thể tác động tới quá trình hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Trên thực tế, do quy trình xây dựng pháp luật được quy định rất chặt chẽ, đồng thời thẩm quyền lập pháp chỉ tập trung vào ban hành những chính sách chung cho toàn đất nước (ban hành luật, nghị quyết và không có thẩm quyền thực thi pháp luật), nên việc tác động của nhóm lợi ích vào hoạt động lập pháp ít phổ biến hơn và hiện nay chưa phát hiện ra biểu hiện lợi ích nhóm trong hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, khả năng tác động vào hoạt động lập pháp hoàn toàn có thể xảy ra thông qua việc vận động không chính đáng vào việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua chính sách trong các dự án luật, nghị quyết, việc vận động phát biểu, chất vấn, vận động bỏ phiếu, bầu cử…. Do đó, việc đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật là cần thiết. Để nhận diện lợi ích nhóm trong chính sách, pháp luật thì đối với mỗi chính sách cần làm rõ: Chính sách đó làm lợi cho ai? Có tiêu cực trong xây dựng, thông qua chính sách không? Cụ thể, cần trả lời các câu hỏi: Chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, theo đúng quy trình không, có biểu hiện “mờ ám”, tiêu cực không? Chính sách làm lợi cho ai? Chính sách đó có vì lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia, dân tộc không hay lợi ích của một nhóm người? Nếu chỉ làm lợi cho một số người thì lợi ích đó có chính đáng không? Nhiều nội dung nêu trên sẽ được làm sáng tỏ thông qua Báo cáo đánh giá tác động của chính sách (RIA). Điều đó đòi hỏi Báo cáo RIA cần được xây dựng có chất lượng; các chính sách cần được phải được đánh giá kỹ về tác động của chính sách tới ngân sách, môi trường đầu tư, kinh doanh; tới tổ chức bộ máy nhà nước; tính khả thi, hiệu quả của chính sách; tác động về chi phí – lợi ích khi thực hiện chính sách.

Thực trạng về cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật

Thực trạng quy định của pháp luật

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện chủ yếu thông qua quy trình được  quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Có thể nhận thấy rằng, trong tất cả các quy trình ban hành chính sách, các quy trình quyết định, thực hiện các công việc của Nhà nước, thì quy trình lập pháp là quy trình được quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và phức tạp nhất, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp. Điều này xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của hoạt động lập pháp đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo đó, quy trình lập pháp bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc phải tuân thủ, mỗi giai đoạn có tính chất độc lập tương đối (từ lập chương trình xây dựng pháp luật; soạn thảo; thẩm tra; trình Quốc hội xem xét, thông qua), với nhiều chủ thể tham gia, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia không bị sự tác động, sự chi phối tiêu cực của các chủ thể khác.

Để bảo đảm việc xây dựng chính sách, pháp luật được khách quan, có chất lượng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, thể hiện được ý chí, nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân, của đất nước, pháp luật về quy trình xây dựng chính sách, pháp luật đã rất chú trọng tới các yêu cầu và nội dung sau:

Thứ nhất, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong các bước thực hiện quy trình, qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, mọi người dân đều có thể giám sát được hoạt động này.

Thứ hai, quy định rõ về thẩm quyền ban hành văn bản, vấn đề ủy quyền lập pháp, qua đó loại trừ việc lạm quyền, tùy tiện trong ban hành văn bản.

Thứ ba, quy định trách nhiệm tham gia của các cơ quan trong quá trình soạn thảo; việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của dự án. Việc huy động sự tham gia và lấy ý kiến rộng rãi về dự án luật như vậy sẽ bảo đảm cho các chính sách được xây dựng trong dự án luật khách quan, toàn diện, có chất lượng, không có lợi ích nhóm.

Thứ tư, quy định trách nhiệm tổng kết thực tiễn; việc đánh giá tác động chính sách; đánh giá thủ tục hành chính nhằm bảo đảm cho các chính sách minh bạch, rõ ràng, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi, thủ tục hành chính thuận tiện, đơn giản… nhằm loại trừ lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi chính sách.

Thứ năm, quy định nội dung thẩm định, thẩm tra nhằm bảo đảm kiểm soát được chính sách trong dự án luật. Quy định chặt chẽ thủ tục thẩm tra để bảo đảm tất cả các ý kiến thành viên ủy ban thẩm tra phải được thể hiện trong báo cáo thẩm tra; quy định sự tham gia thẩm tra của các ủy ban đối với các vấn đề có liên quan. Những quy định này nhằm bảo đảm cho dự án luật được xem xét, kiểm tra, đánh giá đa chiều, qua đó loại bỏ việc “cài cắm” lợi ích cục bộ.

Thứ sáu, quy định việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH); việc phối hợp giữa các cơ quan và chỉ đạo của UBTVQH trong tiếp thu, chỉnh lý dự án. Quy định cơ quan trình dự án có quyền được báo cáo trước Quốc hội nếu không đồng ý với nội dung chỉnh lý. Những quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học trong việc tiếp thu dự án, tránh việc áp đặt ý kiến một chiều của các cơ quan của Quốc hội.

Thứ bảy, quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội; sự giám sát của báo chí, của nhân dân đối với hoạt động lập pháp; quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho ĐBQH hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng, không phụ thuộc, chịu sự chi phối của cơ quan khác trong hoạt động lập pháp thì Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội đã có các quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại biểu; cơ chế đãi ngộ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu.

Bên cạnh các quy định của pháp luật, trong Đảng cũng có các quy định nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật: Thẩm quyền của Đảng cho ý kiến về chiến lược, định hướng xây dựng pháp luật; Bộ Chính trị cho ý kiến với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật; thông qua lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự trong cơ quan lập pháp; thông qua các thủ tục kiểm tra hoạt động của Đảng đoàn, các ban cán sự có liên quan tới hoạt động lập pháp (ví dụ, các cơ quan của Đảng đã kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sai sót trong ban hành Bộ luật Hình sự…).

Những quy định nêu trên về hoạt động kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức tham gia mỗi công đoạn của hoạt động lập pháp; về hoạt động giám sát của nhân dân, của báo chí; về hoạt động kiểm  tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan nhà nước đã bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp để phòng, chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Thực trạng thực hiện quy định của pháp luật

Thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn các luật với chất lượng ngày càng được nâng cao. Quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc; các dự thảo luật, pháp lệnh được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản với nhiều hình thức phù hợp. Chất lượng của các báo cáo thẩm định, thẩm tra ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính độc lập, khách quan, có tính phản biện cao, nêu được chính kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra đối với dự thảo văn bản. Việc thảo luận của ĐBQH và việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật được tiến hành nghiêm túc. Quy trình xin ý kiến Bộ Chính trị đối với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật được tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật. Có thể nói, việc thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên về cơ bản đã bảo đảm sự kiểm soát đối với hoạt động lập pháp, bảo đảm văn bản luật được ban hành công khai, minh bạch, có chất lượng, phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, không bị lợi ích cục bộ ngành, địa phương, “nhóm lợi ích” chi phối.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến hiệu quả kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ hoạch định chính sách chưa cao, cụ thể:

Một là, công khai, minh bạch, dân chủ trong quy trình xây dựng pháp luật là yêu cầu rất quan trọng cần tuân thủ để bảo đảm các chính sách được hoạch định, soạn thảo một cách trong sáng, không vụ lợi, vì lợi ích chung của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo luật, việc lấy ý kiến đối với dự thảo và kể cả đối với đề nghị xây dựng luật, nhìn chung có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao, nhất là đối với những vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều tranh luận.

Hai là, cơ quan trình dự án chưa dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua dự thảo luật trước khi trình sang Quốc hội (có trường hợp chỉ xin ý kiến thành viên bằng văn bản nên việc tranh luận, thảo luận bị hạn chế…). Một số tài liệu còn hình thức, nhất là báo cáo đánh giá tác động của chính sách, báo cáo rà soát thủ tục hành chính, dự thảo văn bản quy định chi tiết… Những vấn đề nêu trên làm cho việc kiểm soát chính sách bị buông lỏng, không chặt chẽ.

Ba là, chất lượng các báo cáo thẩm định, thẩm tra chưa đồng đều, nội dung của một số báo cáo còn sơ sài, xuôi chiều, tính phản biện chưa cao; chưa dựa trên lập luận mang tính khoa học, nên còn thiếu tính thuyết phục. Có trường hợp, báo cáo thẩm tra mới chỉ chú ý xem xét tới những vấn đề lớn mà cơ quan trình dự án nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có những vấn đề thực sự lớn, những nội dung có biểu hiện “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ lại không được nêu trong Tờ trình. Nếu báo cáo thẩm tra không chỉ ra được vấn đề đó thì sẽ chưa làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng của dự án và loại bỏ “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong dự án.

Bốn là, một số dự án luật có chất lượng chưa tốt được trình ra Quốc hội và sau khi Quốc hội cho ý kiến thì cần phải sửa lại rất nhiều. Tuy nhiên, đến lúc này thì dự án đã “nằm ở sân Quốc hội”, cơ quan soạn thảo gần như chỉ có trách nhiệm “tham gia”; việc chỉnh lý, soạn thảo lại dự án không phải tuân theo các quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đánh giá tác động, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động…), dẫn đến sự kiểm soát đối với nội dung được soạn thảo, chỉnh lý lại sẽ thiếu chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV_Ảnh: TTXVN

Năm là, còn tình trạng chính sách quy định trong luật không chặt chẽ dẫn đến sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành; luật quy định chung, chưa cụ thể, nên cần phải có nghị định quy định chi tiết thì mới thi hành được; nghị định quy định nội dung không được luật giao… Đây là những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến kiểm soát quyền lực trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.

Sáu là, sự tham gia của các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý một số dự án luật còn rất hạn chế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng và giám sát hoạt động lập pháp còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bảy là, trong thành phần ĐBQH, vẫn có quá nhiều các đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo bộ máy cơ quan hành pháp, tư pháp. Bên cạnh đó, có một số trường hợp cán bộ thuộc các bộ, ngành được biệt phái sang làm lãnh đạo, thường trực các Ủy ban của Quốc hội. Điều này đã ảnh hưởng tới tính độc lập của các Ủy ban, có thể dẫn đến tình trạng “nể nang”, “lợi ích cục bộ ngành, địa phương” khi bày tỏ quan điểm, phát biểu chính kiến của đại biểu.

Phần lớn những hạn chế, bất cập trên là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa tốt. Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế, bất cập là do quy định của pháp luật còn chưa phù hợp; tổ chức bộ máy, nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số vấn đề đặt ra về hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế – là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện tốt mục tiêu này, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, trong đó chú trọng hơn nữa một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng. Xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan và có sự tiếp thu hoặc giải trình nghiêm túc các ý kiến này. Hồ sơ dự án phải được gửi tới Quốc hội đúng thời hạn.

Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật. Mỗi dự án luật trước khi trình sang Quốc hội phải được thẩm định kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phải được Chính phủ dành thời gian thỏa đáng thảo luận kỹ về các nội dung của từng dự án, nhất là những vấn đề mang tính quan điểm, chính sách và những vấn đề liên ngành còn có ý kiến khác nhau, qua đó không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng. Trong xây dựng chính sách, phải đổi mới, thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ nhân dân.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra. Các cơ quan này cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là về số lượng thành viên hoạt động chuyên trách; tăng cường vai trò, trách nhiệm của thường trực các cơ quan này trong công tác thẩm tra, nhất là các bước thẩm tra sơ bộ trước khi thẩm tra chính thức. Hoạt động thẩm tra cần công khai, huy động sự tham gia của các ĐBQH quan tâm đến dự án, sự theo dõi của báo chí, tổ chức xã hội, của nhân dân, qua đó giám sát hoạt động thẩm tra, bảo đảm hoạt động này diễn ra minh bạch, khách quan. Mỗi ủy ban phải chịu trách nhiệm “gác cổng”, “kiểm soát” về các chính sách thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách. Hoạt động xem xét, thông qua luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến tới phải dựa chủ yếu vào ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Chất lượng của việc xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội cũng cần phải được tiếp tục tăng cường. Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về các nội dung lớn của dự án luật.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nên cần phải coi kết quả hoạt động xây dựng pháp luật, chất lượng luật được xem xét, thông qua là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị – tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp, bảo đảm hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong việc xem xét, quyết định các chính sách. Tăng cường bộ máy giúp việc của Quốc hội, có cơ chế để huy động các nhà khoa học, các chuyên gia  tham gia vào việc phản biện, tư vấn, đóng góp ý kiến cho hoạt động thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý luật.

Thứ năm, tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như: Hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và nhân dân; nghiên cứu xây dựng pháp luật về vận động hành lang (Lobbying) nhằm bảo đảm cơ hội tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe giữa công chúng với quan chức, đồng thời minh bạch, kiểm soát tính hợp pháp của các hoạt động này. Tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm thực hiện tốt cơ chế bảo hiến./.

Theo TCCS