Một sáng cuối tháng 7, khi những tia nắng sớm chiếu xuống mảnh nương trên đồi Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) là lúc Bùi Anh Long cùng các thanh niên trong buôn gieo xuống mấy cây bàng với mít.
Áo xanh lên đường
Long kể nhiều năm trước đi đến vùng Tây Bắc, anh thấy cây cối ngày một ít đi, nương rẫy bỏ hoang, người dân bỏ đất đi làm thuê. Dù không tìm hiểu rõ số liệu, chỉ nhìn lên những ngọn đồi cũng đủ biết diện tích rừng tự nhiên bị giảm khá nhiều.
Khát khao làm gì đó để tái sinh mảng xanh nảy ra trong tâm tưởng Long. Đi bộ chăng? Với chiếc áo xanh mang chữ “Hành trình xanh”, biết đâu mầm sẽ gieo được trên đất và trong mắt, trong lòng người.
Khi Long còn chưa đủ quyết tâm để quyết định thì ông Ánh (62 tuổi) – một người quen – đã ủng hộ và đồng hành. “Chú Ánh cho tôi động lực bước đi mà không cần chuẩn bị cái gì cả. Cứ đi rồi tính”, Long kể.
Nhưng khi nói ra ý tưởng, anh bị người thân và bạn bè phản đối kịch liệt. “Đó cũng là lý do tôi quyết định bay từ Hà Nội xuống miền Tây. Nếu đi bộ từ nhà thì có lẽ không đi nổi đến đâu”, anh cười kể.
Để rèn sức bền, khoảng một tháng trước khi đi, ngày nào Long cũng chạy bộ 5-10km. Hai chú cháu bay từ Hà Nội đến Cần Thơ rồi đi xe khách xuống Cà Mau. Hành trình xanh bắt đầu ngày 8-3-2022 với điểm đầu là cực Nam của Tổ quốc.
Hành trang là balô đồ dùng cá nhân, một chiếc lều, dọc quốc lộ 1 hướng Nam – Bắc, Long mặc chiếc áo thun màu xanh lá với dòng chữ “Hành trình xanh” và biểu tượng mầm cây. Mọi người trên quốc lộ bắt đầu biết và gọi Long bằng biệt danh “Anh áo xanh”.
Dặm dài cây xanh
Long và ông Ánh mua các cây giống lâu năm tại các vườn, trại, mang cây đến trụ sở ủy ban nằm trên trục đường đi qua để xin trồng. Đề nghị của anh được chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình. Chọn trụ sở ủy ban là để những cái cây sẽ được chăm sóc chu đáo hơn, và thông điệp gieo mầm xanh lan tỏa hơn.
Là một trong những nơi anh Long từng ghé qua trồng cây, ông Huỳnh Thanh Đảm – chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) – nói: “Tôi thật bất ngờ khi Long mang cây đến. Tôi ủng hộ hết mình bởi nhận thấy việc làm của anh ấy rất ý nghĩa trong việc tuyên truyền trồng cây, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”.
Hiện cây phượng Long trồng trước sân UBND thị trấn Rạch Gốc đang phát triển tốt nhờ được sự chăm sóc của anh em ủy ban.
Trồng cây tại nhà người dân thì có nhiều chuyện để kể. “Ở Sóc Trăng, tôi gặp một nhóm đồng bào Khmer. Ban đầu họ không đồng ý vì nghĩ cây của mình mang sâu bệnh tới, thuyết phục một lúc thì họ vui vẻ cho trồng”, Long nhớ lại.
Ngoài trồng cây, trên đường đi Long còn nhặt phế liệu.
“Vừa làm sạch đường phố, tiền bán ve chai phế liệu đó dùng để mua cây xanh. Tôi muốn hành trình của mình có thêm ý nghĩa chuyển hóa từ phế liệu thành cây xanh”, anh chia sẻ. Có lần nhặt được đầy một bao mà chưa tìm được vựa thu mua, Long phải vác bao đi bộ hàng chục kilômet.
Hành trình tiếp nối từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ông Ánh đi đến Tuy Hòa (Phú Yên) thì trở về vì bận việc nhà. Long vẫn tiếp tục độc hành.
Vấn đề lớn khác là lộ phí. Vừa đi Long vừa tìm việc làm tại các công trình xây dựng. “Cứ một nơi tôi làm khoảng bốn, năm ngày rồi lại đi. Tiền công 250.000 – 300.000 đồng/ngày”.
Tiếp nối dặm dài, ngày ăn cơm bụi, đêm xuống anh căng lều ngủ ở vỉa hè, mái hiên. Niềm vui và nỗi buồn cứ đan xen. Lần đến Phú Quốc (Kiên Giang), đang trồng cây thì Long gặp một bé trai người Hà Nội đi du lịch với gia đình. Tình cờ biết câu chuyện, bé gửi tiền dành dụm của mình để “chú áo xanh” mua cây trồng trên hành trình.
Tới Phan Thiết (Bình Thuận), nghe Long nói muốn trồng cây, một người dân xóm chài thở dài: “Sốt đất quá bán hết cho người ta rồi, còn đất đâu mà trồng cây nữa”.
Long bảo đã chuẩn bị tâm thế hành trình sẽ vất vả và cả nguy hiểm, nên những khó khăn mà anh gặp mấy tháng qua chưa là gì cả.
Một tháng ở buôn Kiều
Long dừng chân ở Đắk Lắk đã hai tháng. Một nhóm thiện nguyện khá nổi tiếng ở địa phương khi biết việc làm của anh đã hưởng ứng nhiệt tình. Họ cùng với Long mua 5.000 cây giống gồm điều, mãng cầu, sầu riêng mang vào buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) tập kết trước lớp học. Người lớn, trẻ em đều đến nhận cây và tất cả cùng nhau trồng, chăm sóc cây.
Y Ma Đinh vừa cười vừa chỉ tay về mảnh đồi trước nhà: “Bữa giờ tôi trồng được 100 cây mãng cầu và 100 cây sầu riêng, vui lắm. Mong chúng mau lớn, ra quả để mang ra chợ bán, cải thiện chén cơm gia đình”. Người trong buôn bảo Ma Đinh nay thay đổi hẳn rồi, sáng tinh mơ đã lên đồi phát cỏ, chiều kéo ống dẫn nước tưới đám cây quanh nhà, không còn cảnh một tuần say hết… 7 ngày nữa.
Sáng cuối tuần, Y Men Ksơr cùng Long đào hố, trồng xuống mấy cây bàng Đài Loan và mít Thái trên mảnh nương trước thư viện. Y Men chia sẻ mới đầu khi Long đến, anh nghĩ người này… hơi rảnh chuyện nhưng sau đó thấy Long đi quanh buôn làng, vận động mọi người nên trồng cây này cây kia trước sân, quanh nhà, trên đồi, lấy bóng mát hoặc tạo ra kinh tế, anh và nhiều bà con đã bị thuyết phục. Mấy ngày nay, Y Men cũng cùng Long đi khắp buôn kêu gọi trồng cây, thu gom và xử lý các loại rác.
Sau một tháng ở buôn Kiều, Long lại ra TP Buôn Ma Thuột làm việc để kiếm thêm kinh phí. “Hết hè tôi xin vào trồng cây ở một số trường học còn thiếu bóng mát để lan tỏa ý thức bảo vệ, tái tạo môi trường đến các em học sinh. Một mình tôi không trồng được rừng nhưng nhiều người thì có thể”, Long đinh ninh với niềm tin của mình.
Long hy vọng trong tương lai có thể tìm quyền lợi cho người trồng rừng: “Nhiều người dân nói họ cũng muốn trồng cây gỗ lâu năm nhưng vì kinh tế nên chỉ có thể trồng cây ngắn ngày để thu hoạch sớm. Nếu họ có quyền lợi, chẳng hạn trồng 1ha được 500.000 đồng/tháng để duy trì cuộc sống, lúc đó họ có thể chăm chút cho rừng, cho cây thì chúng ta tự nhiên sẽ có rừng”.
Diệu Quí