Những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” cung cấp những luận cứ quan trọng đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch về quốc phòng, an ninh.
Ngày 18-7-2023, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách được biên soạn công phu, khoa học, cô đọng các vấn đề cơ bản, thiết thực về quân sự, quốc phòng, cung cấp những luận cứ quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Cuốn sách gồm 39 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; được trình bày theo từng nhóm vấn đề, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về lĩnh vực quân sự, quốc phòng ở hai phương diện cơ bản, có mối quan hệ biện chứng với nhau: Vấn đề đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng; Xây dựng Quân đội kiểu mới.
Tư tưởng chỉ đạo đường lối quân sự, quốc phòng trong Cuốn sách được thể hiện tập trung ở một số nội dung cơ bản: Khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, kế thừa, phát huy truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc. Có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ và giữ vững hoà bình, ổn định của đất nước. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới; xây dựng các lực lượng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Tư tưởng chỉ đạo đường lối quân sự, quốc phòng trong Cuốn sách phản ánh bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự và chiến lược quốc phòng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo và năng lực hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Đảng và Quân ủy Trung ương. Nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư cung cấp những luận cứ quan trọng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về quốc phòng, an ninh.
Nhận diện…
Hiện nay các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã dùng nhiều thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện hơn, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội và một số báo, đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài để xuyên tạc, bóp méo trắng trợn quan điểm, đường lối của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh; những hoạt động đối ngoại, các sự kiện quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Từ đó kích động, lôi kéo các phần tử bất mãn, cực đoan tạo lập lực lượng đối lập chống phá Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Một số luận điệu về quốc phòng, an ninh chúng thường sử dụng là:
Một là, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Đây là mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch. Chúng cho rằng “quân đội, công an do nhà nước nuôi dưỡng nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng đảng phái nào”. Chúng lấy dẫn chứng ở các thể chế chính trị tư sản với chế độ đa đảng, quân đội, công an không do đảng nào lãnh đạo… Dựa vào đó, chúng phủ nhận nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”; đòi bỏ quy định “lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng” ở Điều 65 Hiến pháp năm 2013.
Hai là, xuyên tạc đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Về chức năng của Quân đội, Công an, các thế lực thù địch cho rằng chỉ nên xây dựng chức năng đội quân chiến đấu chứ không cần đến chức năng đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Chúng tỏ vẻ thân thiện góp ý rằng “Quân đội, Công an nhân dân Việt Nam không nên thực hiện sản xuất, lao động mà chỉ thuần túy làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; “Quân đội không làm kinh tế là sự đột phá về tư duy” và làm kinh tế thì “lợi ít, hại nhiều”… Những luận điệu đó nhằm xuyên tạc bản chất, truyền thống, chức năng của Quân đội, tách Quân đội khỏi sự gắn bó máu thịt với Nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời hạ thấp vai trò của Quân đội trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, chúng còn có luận điệu tuyên truyền “lái” lực lượng vũ trang chỉ làm nhiệm vụ kinh tế, có kinh tế sẽ mua sắm vũ khí trang bị hiện đại, sẽ bảo vệ được Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự… Các luận điệu này đều rất thâm độc, một mặt chúng muốn chuyển bản chất Quân đội, Công an ta thành đội quân “đánh thuê” không có mục tiêu lý tưởng, không phát huy nghệ thuật đánh giặc của cha ông ta, phụ thuộc vào các nước khác, mất bản chất giai cấp công nhân. Chúng muốn Quân đội, Công an chú trọng làm kinh tế mà bỏ qua nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mất phương hướng mục đích và bản chất truyền thống tốt đẹp của lực lượng vũ trang nhân dân.
Ba là, xuyên tạc, bóp méo tình hình an ninh trật tự, gây mất ổn định ở một số địa phương; xuyên tạc lịch sử và tình hình biên giới. Quá trình giải quyết một số vụ việc có sự tham gia của lực lượng vũ trang, chúng cho rằng, chính quyền đang dùng “Công an, Quân đội để chống lại nhân dân” và xuyên tạc bản chất, mục đích, ý nghĩa rồi quy kết và cho rằng, thực chất “Quân đội, Công an là của Đảng, chứ không phải của Nhân dân mà cũng chẳng phải của đất nước”, từ đó hòng gây mâu thuẫn nội bộ và làm mất lòng tin của Đảng, Nhân dân đối với Quân đội và Công an; chia rẽ tình quân dân; chia rẽ Quân đội với Công an.
Bốn là, xuyên tạc đường lối đối ngoại về quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Xét về chính sách quốc phòng, Đảng, Nhà nước ta thực hiện chủ trương “bốn không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Các đối tượng cho rằng, chính sách “bốn không” như trên là “tự trói tay chân mình”; là “không đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với thực tế, đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa….
Những thủ đoạn trên của các thế lực thù địch đặc biệt nguy hiểm, gây hoang mang, tạo sự hoài nghi trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, làm suy giảm niềm tin vào đường lối quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và phương hướng xây dựng Quân đội, Công an hiện đại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, tác động tiêu cực đến quá trình triển khai, thực hiện đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh; kìm hãm và gây bất lợi cho ta trong quan hệ quốc tế, đối ngoại quân sự, quốc phòng, an ninh và bảo đảm hòa bình cho sự ổn định, phát triển đất nước.
…Và đấu tranh
Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó đã có nhiều học giả, nhà nghiên cứu khoa học đưa ra những luận cứ, luận chứng rất sâu sắc và toàn diện. Và càng tuyệt vời hơn, khi đọc Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy được rằng, chính người đứng đầu Đảng ta đã đưa ra những luận cứ quan trọng để góp phần đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái đã nêu.
1. Nội dung được Tổng Bí thư nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách là kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Quan điểm này được Tổng Bí thư nhắc nhiều lần trong các bài viết “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng”, “Nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”… Trong các bài viết, Tổng Bí thư cũng đưa ra các giải pháp để kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Chúng ta biết rằng, nhà nước và quân đội là sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, quân đội mang bản chất giai cấp của nhà nước tổ chức và nuôi dưỡng nó. Không có nhà nước “phi giai cấp”, nên không có quân đội “phi chính trị”. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh, Quân đội, Công an đều nhằm bảo đảm cho Quân đội, Công an luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; có sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải kiên định nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quốc phòng, an ninh, Quân đội, Công an”.
Theo đồng chí Tổng Bí thư, đây là nguyên tắc cốt tử, tiên quyết trong hoạt động quân sự, quốc phòng và quá trình trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang ta. Bởi vì: “Đảng không những đề ra đường lối quân sự, xác định phương hướng phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước, xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và các chủ trương, giải pháp nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, mà Đảng còn lãnh đạo việc tổ chức hiện thực hóa quan điểm, đường lối xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”(1). Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, một vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay là phải đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén đẩy mạnh phản bác các luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội của các thế lực thù địch; tỉnh táo, kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
2. Từ ngàn đời nay trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã có truyền thống xây dựng đội quân vừa chiến đấu, vừa sản xuất như chính sách “ngụ binh ư nông”, thực hiện “thực túc binh cường”, “quốc thịnh binh cường”, lúc thời bình sản xuất huấn luyện, khi có giặc thì là người lính xung kích cùng toàn dân đánh giặc. Năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Người xác định nhiệm vụ của Quân đội là: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; đồng thời, khẳng định Quân đội vừa chiến đấu, vừa công tác, vừa sản xuất, trong đó chiến đấu là nhiệm vụ chủ yếu. Ngày nay, kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời bình, Quân đội tham gia lao động sản xuất góp phần xây dựng nền kinh tế, phát triển đất nước, đúng với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Trong cuốn sách Tổng Bí thư nêu rõ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa có chiến tranh, nguy biến.
Để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, thì không chỉ tập trung tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh đơn thuần mà còn phải đẩy mạnh phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo xây dựng làm cho mình ngày càng mạnh lên, để giữ cho “trong ấm”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược và củng cố sự tin cậy chiến lược với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược… để giữ cho “ngoài êm”, tạo nền tảng vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh, xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đồng thời, các lực lượng, nhất là Quân đội cần chủ động, nhạy bén, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hòa, linh hoạt đối tác, đối tượng quốc phòng; có đối sách xử lý phù hợp, hiệu quả các tình huống, các vấn đề biên giới, biển, đảo, nhất là Biển Đông, không để bị động, bất ngờ, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”.
3. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc là phải xây dựng được nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh. Đây là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chứ không phải do ý muốn chủ quan của cá nhân hay tổ chức nào. Là một chủ trương chiến lược của Đảng ta, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Tư tưởng cốt lõi xuyên suốt chỉ đạo đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta là lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đây là điểm mấu chốt xuyên suốt trong toàn bộ Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư. Bởi truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, “thế trận lòng dân” vững chắc chính là cội nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách tiến lên phía trước. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, phải luôn coi trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các vùng, miền, giữa mọi giai tầng; đoàn kết giữa Dân với Đảng, giữa quần chúng với cán bộ, đảng viên, giữa quân với Dân, thực hiện “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” có như vậy mới xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị là làm cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị – xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Đảng phải lãnh đạo làm sao cho quân hùng, nước mạnh, dân tộc tự tin đi trên con đường đã chọn”(2).
4. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, bên cạnh việc hợp tác cùng phát triển, giữa các quốc gia vẫn luôn tồn tại sự cạnh tranh với nhau. Suy cho cùng, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là vĩnh viễn. Chính sách quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Điều kiện tiên quyết là sức mạnh nội lực phải ở vị trí trọng tâm, không thể dựa dẫm, phụ thuộc, trông chờ vào sự cứu cánh bên ngoài. Việc Việt Nam thực hiện chính sách không tham gia liên minh quân sự không phải là hành động “tự trói tay chân” như các đối tượng vẫn rêu rao. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, an ninh của Việt Nam không thể tách rời an ninh khu vực nói riêng và an ninh của thế giới nói chung. Hợp tác quốc phòng là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu quốc phòng của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam chủ trương mở rộng đối ngoại quốc phòng, tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh của khu vực và của cộng đồng quốc tế.
Tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt của Tổng Bí thư trong xây dựng chiến lược quốc phòng Việt Nam là “Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình”; bảo vệ hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để đất nước phát triển là mục tiêu tối thượng của bảo vệ Tổ quốc, là điều kiện căn cốt nhất để đất nước phát triển, là một giá trị thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Có bảo vệ được hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước ổn định, phát triển. Ngược lại, đất nước có phát triển, tiềm lực có dồi dào thì vị thế, uy tín của đất nước càng được nâng cao, là điều kiện căn cốt để bảo vệ hòa bình.
Chúng ta đã thấy rõ, các quan điểm sai trái, thù địch về quốc phòng, an ninh là hết sức thâm độc, nguy hiểm, không thể coi thường, xem nhẹ vì nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và liên quan đến bản chất của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” cung cấp những luận cứ quan trọng cũng là chỉ đạo, định hướng cho mỗi chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch về quốc phòng, an ninh.
—————————
(1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, NXB CTQG ST, H.2023, tr.24.
(2) Sđd, tr.199.
Thiếu tá Hoàng Ngọc Dương
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng