Biểu hiện nguy hiểm thứ ba là sự xem nhẹ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thông qua chính đảng tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, trong đó có công cuộc đổi mới từ năm 1986, đúng là sự nghiệp, là thành quả của Nhân dân, của tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng theo mục tiêu, lý tưởng và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất. Nếu giai cấp công nhân không liên minh được với giai cấp nông dân và các lực lượng cách mạng khác, thì sự nghiệp cách mạng sẽ rơi vào “bài ai điếu” xót xa, như Công xã Paris năm 1870 đã nếm trải. Ngược lại, nếu mơ hồ cho rằng bất kỳ giai cấp nào cũng có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì sẽ rơi vào một thứ chủ nghĩa không tưởng lớn nhất của mọi thời đại ! Công nhân xứng đáng với vai trò lãnh đạo sự nghiệp xây dựng một xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công vì giai cấp này luôn đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và là giai cấp duy nhất chỉ có thể giải phóng được mình khi giải phóng tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Giai cấp công nhân Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam, đã rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt toàn dân tộc đến kỷ nguyên của độc lập, tự do, đổi mới thành công, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Biểu hiện nguy hiểm thứ tư là sự xem nhẹ, phủ nhận sức mạnh của lý tưởng xã hội chủ nghĩa và niềm tin, ý chí cách mạng trong sự nghiêp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước và sau C.Mác, chủ nghĩa xã hội bao giờ cũng được nhận thức như một lý tưởng, niềm tin và ý chí; nó không chỉ được xây dựng trên cơ sở các điều kiện vật chất cần thiết, mà còn phải nhất thiết nhờ vào hoạt động tự giác và sức mạnh tinh thần to lớn của nhân tố con người xã hội chủ nghĩa. Trên không gian mạng hiện nay, có luận điệu cho rằng, chỉ có thể tin tưởng và xây dựng được niềm tin về một vấn đề gì đó khi có đầy đủ nhận thức về nó ! Tuy nhận thức khoa học là một trong những cơ sở quan trọng của niềm tin cách mạng, nhưng đối với từng người và trong thời điểm cụ thể, không thể nhận thức sâu sắc mọi vấn đề liên quan đến sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh ấy, cần hơn hết một niềm tin cách mạng mãnh liệt, một lý tưởng xã hội chủ nghĩa thường trực, soi đường cho chúng ta vững bước trên con đường lớn của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Biểu hiện nguy hiểm thứ năm là nghi ngờ, phủ nhận giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới. Có người lập luận rằng, học thuyết do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sáng lập là kết quả của việc tổng kết lịch sử châu Âu thế kỷ XIX, đầu XX, không còn sức sống trong thời đại mới, nhất là đối với các quốc gia ngoài châu Âu như Việt Nam. Một số người khác lập luận rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của thời đại công nghiệp, không còn sinh lực cho những chuyển động của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Nếu lập luận theo cách tầm thường đó, chắc chắn sẽ dẫn đến phủ nhận toàn bộ giá trị của nhiều di sản tư tưởng, tinh thần khác của nhân loại, trong đó có cả Thiên chúa giáo, Nho giáo, Hồi giáo…!

Như chúng ta đều biết, chủ nghĩa Mác – Lênin nghiên cứu vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội; từ đó nghiên cứu vạch ra những quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong đó có phương thức bóc lột giá trị thặng dư và, trên cơ sở đó, nghiên cứu vạch ra quy luật của cách mạng vô sản và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin đúng là chỉ có thể ra đời trong điều kiện nền sản xuất công nghiệp điển hình ở châu Âu từ cuối thế kỷ XIX, nhưng điều đó không có nghĩa là lý luận đó chỉ đúng với bối cảnh ấy ! Hơn nữa, cũng cần lưu ý thêm, nền sản xuất công nghiệp của nhân loại dù ở trình độ công nghệ máy hơi nước cuối thế kỷ XVIII, điện khí hóa cuối thế kỷ XIX, điện tử hóa từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX hay trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, vẫn là nền sản xuất công nghiệp, nằm trọn trong thời đại công nghiệp. Bản thân tên gọi cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4thIndustrial Revolution) đã khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thế giới đang thay đổi hiện nay./.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo,
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh