Chúng ta luôn trân trọng quá khứ, trân trọng những người góp phần làm nên giá trị Việt Nam, nhưng chúng ta cũng lên án việc làm sai trái của những ai đi ngược lại tương lai tốt đẹp của dân tộc.
Người Việt rất ân nghĩa, ân tình: “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Thế hệ đi trước đã “trồng” cây độc lập tự do, thế mà có những kẻ vô lương đi “chặt” cây ấy thì tất nhiên chúng ta phải lên án thì mới phần nào xứng đáng với tiền nhân. Còn nếu cứ dửng dưng, bàng quan thì lại là có lỗi, thậm chí đó cũng là một cách tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam.
1. Một “sự kiện” văn học vừa làm xôn xao văn đàn Việt: Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng văn học Prix Mondial Cino Del Duca cho Dương Thu Hương, một nhà văn Việt Nam nhưng đã rời bỏ Tổ quốc sang sinh sống tại Pháp. “Sự kiện” tạo ra dư luận trái chiều không chỉ trong văn giới mà lan rộng ra xã hội, vì đây là “giải thưởng” của nước Pháp-một quốc gia có nhiều tác gia văn học lại nổi tiếng văn minh. Giá trị “giải thưởng” lại cao (200.000 euro), chỉ sau giải Nobel. Rất nhiều người băn khoăn: Liệu giải có mang màu sắc chính trị? Có kẻ cơ hội còn “tát nước theo mưa” rằng vì “trong nước không có tự do sáng tạo nên những nhà văn tài năng như Dương Thu Hương bị vùi dập”. Lại có người than thở “muốn mở mày mở mặt với thế giới thì nhà văn Việt Nam phải sang phương Tây”… Vậy bản chất của “giải thưởng” này là gì, việc trao giải có công tâm, khách quan, trung thực hay vì một lẽ gì khác?
Là người Việt Nam, chúng ta vui mừng trước những thành tựu của các văn nghệ sĩ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài. Đã là người Việt thì ở đâu cũng là đồng bào. Nghĩa “đồng bào” của Việt Nam rất được thế giới chú ý. Dù ở trong nước hay ở ngoài nước, đã là người Việt Nam thì đều coi nhau là người trong một nhà. Thế nên Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có ngày Giỗ Tổ. Do vậy, người mang dòng máu Việt thành công ở đâu cũng thật đáng quý, đáng tự hào. Dĩ nhiên “năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài”, có người thế này có người thế khác, chắc chỉ có người nào nhạt nghĩa nguồn cội, thờ ơ với lịch sử dân tộc mới đem lòng đố kỵ với thành công của đồng bào mình.
Trên thế giới có rất nhiều giải thưởng văn học, mỗi nơi có một tiêu chí riêng nên tất yếu sẽ có dư luận đồng tình hay phản đối. Đó là chuyện bình thường. Giải thưởng mang tên Prix Mondial Cino Del Duca của Viện Hàn lâm Pháp không phải là một giải thưởng chuyên về văn học mà còn trao cho nhiều người ở nhiều ngành nghề khác nhau, mà theo họ là có “đóng góp”. Là công dân Việt Nam, chúng ta tôn trọng việc làm ấy của họ, theo tiêu chí, quan niệm của họ. Tất nhiên, chúng ta cũng tiếp nhận những thông tin về giải thưởng, chất lượng và đóng góp cho sự tiến bộ, văn minh chung của giải thưởng theo quan niệm của chúng ta. Đó cũng là lẽ thường tình. Bởi một trong những căn cứ để hội nhập, toàn cầu hóa mà triết học văn hóa đề ra là “tôn trọng sự khác biệt”.
Ban tổ chức trao giải cho Dương Thu Hương với căn cứ đó là “một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách độc đáo chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Chúng ta thấy ngay cách dùng các khái niệm là thiếu chính xác, dễ gây ngộ nhận, dễ đánh lừa người đọc. Dương Thu Hương là nhà văn có thể có năng khiếu viết văn nhưng chưa phải là “nhà văn lớn”. Thế nào là nhà văn lớn? Xin phép không định nghĩa ở đây mà chỉ xin nói những điều được thế giới khẳng định. Dương Thu Hương có thể có nhiều “tác phẩm” nhưng rõ ràng bà ta chưa tương xứng với những nhà văn cùng thời, như: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu…; càng chưa thể so sánh với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… Thế giới, và chính nước Pháp cũng khẳng định, những nhà văn lớn phải là những nhà tư tưởng, thì chỉ có là những Victor Hugo, Balzac… Nói Dương Thu Hương là “nhà văn lớn” thì vô hình trung lại hạ thấp những bậc đại văn hào ấy sao (?). Bà ta có thể có “cá tính” chứ chưa thể là “nhân cách độc đáo”.
Cũng không thể nói tác phẩm của Dương Thu Hương “chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Chủ nghĩa nhân văn nào thì cũng hướng con người tới chân-thiện-mỹ. Trong khi đó, một số “tác phẩm” đã công bố của Dương Thu Hương thì không như vậy. Thậm chí với thái độ bất mãn, hằn học, cực đoan, bà ta thể hiện rõ sự khinh bỉ, rẻ rúng, hạ thấp con người. Những cuốn sách (chứ không thể gọi là tác phẩm) như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”, “Đỉnh cao chói lọi”, “Chốn vắng”… của bà ta chứng minh rất rõ điều đó. Nguy hiểm hơn, những cuốn sách này còn hàm chứa nội dung công kích, hạ bệ, phủ nhận thành tựu cách mạng, thể hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam rất tinh vi, nham hiểm.
Xin nói về trường hợp “Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương. Là người có nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời và trước tác Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi đọc cuốn này, chúng tôi khẳng định đây là cuốn sách xuyên tạc rất ác ý về Bác Hồ. Nhân đây xin cập nhật những đánh giá mới nhất của thế giới về Bác. Cuộc Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh gần đây nhất vào ngày 18-4-2023 tại thủ đô Roma (Italia) có tên “Quãng đời làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia”. Trước đó, ngày 14-5-2022 tại Ấn Độ có Hội thảo “Hồ Chí Minh và Ấn Độ” (Ho Chi Minh and India) tổ chức ở Kolkata. Trước nữa, tháng 10-2019, Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ). Các hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: Văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều khách quan nhấn mạnh Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hóa cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận. Thế mà có một người Việt Nam đã đi ngược lại thế giới thì thử hỏi người đó có lương tâm Việt Nam không?
Nhân “sự kiện” về Dương Thu Hương, có người “kêu gọi” cần “cởi trói” cho “tự do sáng tạo” của văn nghệ sĩ. Xin được nói rõ cần hiểu khái niệm “tự do” trong mối quan hệ rộng rãi ở bất kỳ chế độ xã hội nào sẽ đều thấy không có một “tự do tuyệt đối” mà chỉ có tự do trong khuôn khổ pháp luật. Nhà văn cũng là một công dân. Dù nhà văn có tài năng đến đâu, khi sáng tạo tác phẩm cũng chịu sự quy chiếu quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc, con người. Không thể có chuyện lấy “quyền” nhà văn đi công kích, phủ nhận, chối bỏ dân tộc mình, đất nước mình. Có người còn kêu gọi “tự do tư tưởng” cho văn nghệ sĩ (!). Mục đích của “tự do tư tưởng” chẳng phải là để tìm ra chân lý sao? Ngày hôm nay thế giới càng khẳng định chân lý chẳng phải là cái gì trừu tượng, xa xôi mà chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Điều này Bác Hồ đã nói 67 năm trước (năm 1956): “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân-tức là phục tùng chân lý”. Hãy viết về nhân dân, vì nhân dân, vì đất nước, dân tộc. Đó là tự do của văn nghệ sĩ. Trên thực tế đã có ai cấm hay ngăn cản văn nghệ sĩ quyền tự do sáng tạo theo chân lý ấy đâu?
2. Hôm nay thế giới đã vượt qua quan niệm nhà văn là “thư ký của thời đại” vì cho rằng thư ký là ghi chép thôi nên nhà văn phải là người góp phần “kiến tạo hiện thực”, tức là phải tạo ra một mô hình thế giới riêng. Mô hình này luôn thoát thai từ đời sống nên là mô hình của đời sống chứ không phải bản thân đời sống. Do vậy, chất lượng tác phẩm phụ thuộc chủ yếu vào chủ thể sáng tạo nhà văn. Gọi tác phẩm là “con đẻ tinh thần” của nhà văn là vì thế. Nhà văn sống với đời sống thế nào thì có tác phẩm như vậy. Cho nên “tự do sáng tạo” là khái niệm chỉ mối quan hệ tác giả với đời sống. Chỉ có “tự do” ngụp lặn xuống tận đáy dòng chảy cuộc đời, phải lam lũ sống cùng đời sống nhân dân, vui cái vui, đau cùng nỗi đau của người lao động mới có “vật liệu” để xây dựng tác phẩm. Lịch sử văn chương thế giới cho thấy chưa có nhà văn lớn nào thành công mà thoát ly thực tế đời sống lao động của nhân dân, tách ra khỏi số phận của đất nước họ.
Đạo lý Việt Nam là “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ người có tông”… Người Việt trân trọng những anh hùng liệt sĩ và bao người con ưu tú đã hy sinh cuộc sống vì hạnh phúc của nhân dân, tương lai của đất nước, nhưng cũng khinh bỉ những kẻ vô ơn bất nghĩa. Chúng ta ghi nhớ công ơn những người đã làm nên chiến thắng năm 1975. Họ đã hy sinh một phần tuổi trẻ, có người hy sinh một phần thân thể, có người mãi mãi ngã xuống để mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc, mở ra tương lai rạng rỡ cho dân tộc. Nhưng với riêng Dương Thu Hương, trong một lần trả lời phỏng vấn về ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, thì ngay cách nói của bà ta đã cho thấy bà sớm đi ngược lại dân tộc mình, nhân dân mình: “Mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc”. Như vậy bà ta đã nhận thức sai từ rất sớm, ngay sau ngày giải phóng miền Nam.
Chúng ta trân trọng quá khứ, trân trọng những người góp phần làm nên giá trị Việt Nam, nhưng chúng ta cũng lên án việc làm sai trái của những ai đi ngược lại tương lai tốt đẹp của dân tộc. Trong số đó có bà Dương Thu Hương. Tất nhiên, chúng ta không chấp nhận việc tung hô, cổ xúy những con người như bà Hương. Người Việt rất ân nghĩa, ân tình: “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Thế hệ đi trước đã “trồng” cây độc lập tự do, thế mà có những kẻ vô lương đi “chặt” cây ấy thì tất nhiên chúng ta phải lên án thì mới phần nào xứng đáng với tiền nhân. Còn nếu cứ dửng dưng bàng quan thì lại là có lỗi, thậm chí đó cũng là một cách tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam.
3. Quay trở lại vấn đề trên thì giải thưởng nói chung ở bất kỳ đâu vì luôn đặt ra tiêu chí, mục đích riêng nên tự giới hạn không gian, thời gian. Do vậy có những giải thưởng không thể tồn tại ý nghĩa lâu dài. Chưa nói tới việc giải thưởng bị lạm dụng ý nghĩa. Ví như giải Nobel tầm quốc tế thế mà có thời điểm còn bị điều chỉnh để thiên về mục đích chính trị. Chúng ta nhớ lại Giải Nobel Hòa bình năm 1973 từng được Ủy ban Nobel trao cho đồng chí Lê Đức Thọ và cho cả ông Henry Kissinger, tức họ “đánh đồng” kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược, để thế giới hiểu rằng người Mỹ “đem lại hòa bình cho Việt Nam” chứ không hề xâm lược. Sự phi lý này, đã qua nửa thế kỷ mà cho đến hôm nay vẫn còn dư luận bàn tán chế giễu, chê bai. Là bạn của nước Pháp, chúng ta tôn trọng họ, ủng hộ những việc làm của họ vì hòa bình, vì tương lai tốt đẹp của nhân loại. Chúng ta coi việc họ trao giải cho Dương Thu Hương là quyền của họ và họ chịu trách nhiệm trước việc làm ấy. Nhưng chúng ta không coi việc đó là có giá trị đối với dân tộc, đất nước Việt Nam chúng ta.
Theo QĐND