Bài 4: Nhân văn – nguồn sáng làm nên tầm vóc tư tưởng Hồ chí Minh

Tính nhân văn dựa trên tính khoa học, gắn liền với tính cách mạng, kết hợp hài hòa, chặt chẽ trong một chỉnh thể thống nhất, làm nên bản chất, đặc điểm của hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh: Khoa học-cách mạng và nhân văn.

Đó cũng là bản chất, đặc điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, được Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo, kết hợp hài hòa văn hóa phương Đông và phương Tây, đậm bản sắc tinh hoa văn hóa Việt Nam, truyền thống và hiện đại, dân tộc và thời đại.

Chất nhân văn Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng nhân ái, đức khoan dung

Nhân văn tức là văn hóa, là hệ giá trị chân-thiện-mỹ, mà con người là giá trị cao nhất. Chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh kết tinh trí tuệ, tình cảm, đạo đức, lối sống của Người, từ nhận thức đến hành động, toát lên từ con người, cuộc đời, sự nghiệp của Người, thể hiện trong việc làm và ứng xử của Người qua các mối quan hệ, ở mọi nơi, mọi lúc, giữa mọi người, vô cùng phong phú, đa dạng, biểu cảm.

Người là hiện thân sinh động của chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam mà giá trị cốt lõi là lòng yêu nước, thương người, là đạo lý-tình thương và lẽ phải, là vị tha, nhân ái, khoan dung. Người là nhà nhân văn chủ nghĩa trên lập trường cộng sản. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính hòa quyện làm một với chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cộng sản mang tầm tư tưởng Hồ Chí Minh, vươn tới tầm thời đại và được soi sáng bởi tư tưởng thời đại, phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng giai cấp (giai cấp công nhân), giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để giải phóng con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thăng hoa những tinh hoa tư tưởng Việt Nam trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là tầm vóc vĩ đại, tạo nên sức thuyết phục, sự hấp dẫn lớn lao của Hồ Chí Minh-“nhà yêu nước trăm phần trăm và người cộng sản trăm phần trăm”(1).

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc, năm 1950. Ảnh tư liệu

Vậy tính nhân văn, chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ở con người và cuộc sống của Hồ Chí Minh được biểu hiện như thế nào, trong sự gắn liền giữa tư tưởng với đạo đức-phong cách (bao hàm cả phương pháp) của Người. Đó là văn hóa Hồ Chí Minh, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, ở đó, nguồn sáng rực rỡ có sức lan tỏa rộng rãi và hiệu ứng sâu xa là lòng nhân ái và đức khoan dung.

Hãy bắt đầu từ quan niệm của Hồ Chí Minh về con người. Bác Hồ nói: “Chữ người” có nhiều nghĩa, nghĩa hẹp và trực tiếp nhất là những người ruột thịt, cùng máu mủ trong gia đình, họ hàng, dòng tộc thân thích. Nghĩa rộng hơn là đồng bào trong một nước, rộng nhất là nhân loại, là loài người trên quả đất”. Trên lập trường giai cấp công nhân và chủ nghĩa cộng sản, Người quan niệm “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”. Tình hữu ái giai cấp và tình đoàn kết chiến đấu vì lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa đã đưa tới bước chuyển của Nguyễn Ái Quốc từ tinh thần yêu nước, dân tộc tới CNXH, chủ nghĩa quốc tế vô sản của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc.

Một nét đặc sắc của tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hết lòng nâng niu giá trị con người, tự do và nhân phẩm con người, tin cậy vào những gì tốt đẹp của con người sẽ nảy nở và hoàn thiện thông qua giáo dục và tự giáo dục. Ở đời, con người là con người đời thường, không có ai là thần thánh cả. “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu. Phải làm sao cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi. Phải thức tỉnh con người, có khát vọng sống, vươn tới cái tốt đẹp. Phải có sự cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, có lòng bao dung, độ lượng vĩ đại. Nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, đó là thái độ nhân văn cao quý của Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong nhân sinh quan Hồ Chí Minh, Người phân biệt rạch ròi kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân với cá nhân-mỗi người là một cá nhân có lợi ích, sở trường, cá tính khác nhau. Chống chủ nghĩa cá nhân đến cùng vì nó là kẻ thù độc ác, nguy hiểm, vô hình, ẩn nấp trong lòng người, nó phá từ trong phá ra, làm hỏng nhân cách cán bộ, làm tiêu ma sự nghiệp cách mạng nhưng không bao giờ phủ nhận cá nhân, xem nhẹ cá nhân, không vùi dập cá nhân khi chống chủ nghĩa cá nhân như những người mang bệnh giáo điều thường mắc phải. Đây là chỗ sâu sắc, tỉnh táo, mẫn tiệp trong tư duy và hành động nhất quán của Hồ Chí Minh.

Quan tâm, yêu thương mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội

Tính nhân văn là cơ sở trong hoạch định kế hoạch giáo dục-đào tạo cán bộ, trong chính sách cán bộ, trong phép dùng người của Hồ Chí Minh. Suốt đời Người nêu cao và gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để làm tròn bổn phận phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người nói, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Phải giáo dục, đào tạo lớp cán bộ cách mạng công phu, tỉ mỉ như người làm vườn. Thương yêu cán bộ đi liền với uốn nắn, phê bình, kiểm soát và bảo vệ cán bộ. Đức là gốc, tài là quan trọng. Phải đủ cả 4 đức (cần, kiệm, liêm, chính) mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Do đó phải suốt đời nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân(2). Phải chú trọng đào tạo cán bộ, các thế hệ kế tiếp nhau. Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ cũng là một cái cớ thất bại(3). Phải huấn luyện cán bộ trong nhà trường, trong cuộc sống thực tiễn, thử thách họ, nâng đỡ họ, tin cậy họ để có đội ngũ cán bộ tốt và giỏi, tận tụy và trách nhiệm, có năng lực sáng tạo và có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Chất nhân văn Hồ Chí Minh còn biểu hiện đặc biệt cảm động trong tình thương yêu, chăm sóc của Người đối với sự trưởng thành của phụ nữ, đấu tranh bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, quan tâm rất mực tới giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ và trọng dụng, cất nhắc cán bộ nữ.

Quy tụ những phẩm chất cao quý đó của tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thái độ đối với nhân dân, là quan điểm quần chúng, suốt đời gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân để tận tụy phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng, đồng thời là lãnh tụ của dân tộc, của nhân dân. Người dạy cán bộ, chiến sĩ quân đội “Trung với Đảng, hiếu với dân”, “Trung với nước, hiếu với dân”, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, từ tướng lĩnh tới binh sĩ phải hiểu nhân dân là nền tảng của quân đội, nhân dân là cha mẹ của bộ đội, quân và dân như cá với nước(4)… Với công an nhân dân, Người dạy “phải kính trọng lễ phép với nhân dân”, “Công an là bạn của dân, phục vụ và bảo vệ dân”(5). Tôn trọng và tin cậy nhân dân bởi Người thấu hiểu vai trò quan trọng, quyết định của dân trong sự nghiệp cách mạng, lại thấu cảm đời sống vất vả, thiếu thốn, đức hy sinh cao cả của dân, tâm trạng, nguyện vọng của dân. Hiếm có lãnh tụ nào đến với dân, hòa mình trong dân, thương mến nhân dân rất mực chân thành, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân như Hồ Chí Minh. Cho đến phút chót của cuộc đời vẫn canh cánh bên lòng “không thể bỏ dân mà đi được”. Trong “Di chúc”, lời cuối cùng vẫn chỉ tiếc rằng “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(6). Đó là một nhân cách cao thượng.

Dâng hiến, hy sinh – giá trị nổi bật làm nên vẻ đẹp nhân văn Hồ Chí Minh

Chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu trong cuộc đời, lối sống, nhân cách của Người, nổi bật là sự giản dị, đức hy sinh, hy sinh cả cuộc sống riêng tư để lo cho hạnh phúc của toàn dân tộc, của nhân dân. Trả lời nhà báo Cuba là nữ đồng chí Mácta Rôhát, vào lúc cuối đời, Người nói “Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi”(7). Người đã thực hiện điều cao cả, thiêng liêng ấy trong suốt cuộc đời. “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi”, vì miền Nam chưa được giải phóng mà Người không một bữa ăn ngon, không một giấc ngủ yên. Mỗi chiến sĩ hy sinh, mỗi người phải đổ máu là Người như đứt từng khúc ruột. Người không có gia đình riêng, không có vợ con, không có tài sản riêng, một đời tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương và để lo cho dân. Nam nữ thanh niên nước ta là con cháu của Người. Các bậc phụ lão là bạn bè thân thiết của Người. Phụ nữ nước ta là chị em của Người. Đó là lời nói chân thật tự trái tim Người. Chất nhân văn từ tư tưởng đến hành động của Hồ Chí Minh là một mẫu mực của văn hóa làm người và ở đời, một hình mẫu toàn vẹn, trọn vẹn của sự dấn thân, hy sinh, hóa thân vào dân vào nước.

Qua cuộc đời Hồ Chí Minh, một CON NGƯỜI viết hoa (như lời đại văn hào Nga M.Gorky) chân-thiện-mỹ đã hiện ra, bằng xương bằng thịt, giản dị mà vĩ đại, là sự sống, niềm tin, là tình yêu và hy vọng, là khát vọng mà cũng là hiện thực của con người trong cuộc đời này. Đó là một đời dấn thân tranh đấu và dâng hiến cho dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhân văn Hồ Chí Minh biểu hiện ra vô cùng xúc động, có sức lay động tâm can muôn triệu người, có sức tỏa sáng muôn triệu tâm hồn người, khi ta nhắc lại những lời Người nói tự trái tim với đồng bào, đồng chí, bạn bè xung quanh Người.

Ấy là lời cảm tạ đồng bào chúc thọ Người dịp sinh nhật. Người nói “Từ trước đến giờ tôi đã là người của đồng bào thì từ giờ về sau và mãi mãi tôi vẫn thuộc về đồng bào”.

Ấy là tâm sự từ nỗi lòng Người với đồng bào cả nước, với miền Nam đi trước về sau: “Mỗi người, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng. Gộp tất cả nỗi khổ đau đó lại là nỗi khổ đau của bản thân tôi”.

Ấy là Người trả lời nhà báo nước ngoài về mối liên hệ giữa Người với nhân dân: “Hồ Chí Minh là một phần không tách rời của nhân dân ông. Ông suy nghĩ những gì mà nhân dân ông nghĩ. Ông hành động những gì mà nhân dân của ông hành động”.

Như vậy, lịch sử là sự thật và sự thật là lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc và nhân dân Việt Nam mãi mãi tự hào và biết ơn Hồ Chí Minh. Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh kết tinh trong các bảo vật quốc gia-5 tác phẩm để đời của Người là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, vững bước trên con đường lớn của lịch sử đi tới tương lai tươi sáng-đường Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là quốc bảo mà còn là pháp bảo của chúng ta.

Đúng như nữ Giáo sư Sử học Mỹ, bà Josephine Stenson đã nói: “Hồ Chí Minh một nhân cách lớn của thời đại”(8). Sự thật ấy trở thành giá trị thiêng liêng, là động lực mãnh liệt để chúng ta tin tưởng và hành động cho xứng đáng với Hồ Chí Minh, với dân tộc và nhân loại.

Những giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm chứng, kiểm nghiệm qua thời gian như ngọc càng mài càng sáng.

Thế nên, những kẻ xuyên tạc hòng làm lu mờ ánh sáng, nguồn sáng Hồ Chí Minh chỉ càng lộ nguyên hình tâm địa đen tối, mờ ám trước ánh sáng của sự thật, chân lý và đạo lý mà Hồ Chí Minh luôn luôn là biểu tượng rực rỡ. Những sự xuyên tạc thâm độc và bỉ ổi mà các thế lực phản động, chống đối Việt Nam nhằm vào Hồ Chí Minh không bao giờ có thể lung lạc được niềm tin và tình yêu sâu sắc của một trăm triệu trái tim Việt đối với Hồ Chí Minh-hình ảnh, tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO (Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)

————————————————–

(1) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – Tinh hoa và khí phách của dân tộc, CTQG, H.2012, tr.375.

(2) Hồ Chí Minh, tập 5 “Sửa đổi lối làm việc”, tập 15 “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và “Di chúc”.

(3) Hồ Chí Minh, tập 5 “Sửa đổi lối làm việc”, tập 15 “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và “Di chúc”.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 14, tr.435; tập 6, tr.264; tập 5, tr.485, 406.

(5) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.498-499; tập 6, tr.387.

(6) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr.623.

(7) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr.674.

(8) Josephine Stenson, Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Hà Nội, 5/1990, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tạp chí Hồn Việt, số 156, 3/2021, tr.4-7).

>> Bài 1: Kiên quyết bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh

>> Bài 2: Tính khoa học là đặc tính cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh

>> Bài 3: Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh – tầm nhìn, bản lĩnh và hành động