Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để đưa ra những luận điệu tinh vi, xảo trá nhằm đánh lạc hướng nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng ta.

Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Hồ Chí Minh tự gán cho đảng cộng sản cầm quyền, chứ Chủ nghĩa Mác-Lênin không nói đến đảng cộng sản cầm quyền, mà chỉ nói đến đảng lãnh đạo cách mạng”.

Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền

Việc xác định các luận cứ khoa học để đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái là góp phần bảo vệ tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Thực chất, đây là cách nhìn nhận cực đoan, phiến diện, tuyệt đối hóa một mặt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền; là luận điệu vô cùng nguy hiểm nhằm tách rời Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nghi ngờ, dao động, mất niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”(1).

Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp tục lãnh đạo chính quyền thực hiện các nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân giành thắng lợi, đưa đất nước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ta là đảng cầm quyền, thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản, đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo quyết định nhất trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Thứ hai, các thế lực thù địch suy diễn: “Đảng cộng sản cầm quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đến đảng độc quyền”.

Luận điệu này thực chất là xuyên tạc phương thức lãnh đạo và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền nhà nước và xã hội. Ngay từ rất sớm, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quan tâm đến phương thức lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền và chỉ rõ: Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng lãnh đạo chính quyền bằng công tác cán bộ, bởi Người cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Đồng thời, Đảng lãnh đạo chính quyền bằng công tác kiểm tra, kiểm soát và thông qua vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, trên cơ sở nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xem đó là quy luật phát triển đảng; chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, nhất trí, kỷ luật nghiêm minh, tự giác trong Đảng; coi trọng xây dựng mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Thứ ba, các thế lực thù địch cố tình bịa đặt cho rằng: “Hồ Chí Minh nêu tư tưởng đảng cầm quyền là để củng cố quyền lực cá nhân”.

Sự xuyên tạc trắng trợn ấy nhằm bôi nhọ danh dự lãnh tụ, phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, dân tộc ta và cách mạng thế giới. Họ đã không hiểu và cố tình không hiểu về vị thế, uy tín, niềm tin của nhân dân, của dân tộc ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thực sự xứng đáng trên cương vị Chủ tịch nước mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả dân tộc giao phó. Người được toàn thể nhân dân tín nhiệm và bạn bè quốc tế khâm phục, kính trọng, ngưỡng mộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng ta không phải là đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho nhân dân”(2) và ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946, Người khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì nước, vì dân, vì lý tưởng cao đẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng mà không một thế lực nào có thể phủ nhận được.

Thứ tư, các thế lực thù địch quy kết: “Hồ Chí Minh nhấn mạnh đảng cầm quyền là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn lạm dụng, lợi dụng quyền lực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên trong cơ quan Đảng, Nhà nước hiện nay”.

Đây là luận điệu quy kết, chụp mũ hết sức thô thiển nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, làm mất phương hướng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Thực tế cho thấy, hiện tượng lạm dụng, lợi dụng quyền lực của một số cán bộ, đảng viên dẫn đến thoái hóa, biến chất, vướng vào tham nhũng, tiêu cực là do họ sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham lam, vụ lợi, cục bộ địa phương. Tuyệt nhiên những hiện tượng đó không phải là toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà chỉ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trên thực tế, đại đa số cán bộ, đảng viên luôn giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng, cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân.

Ngay sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo những nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Người chỉ ra các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng cầm quyền: Sai lầm về đường lối, quan liêu, xa rời thực tiễn, xa rời nhân dân và chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh gốc, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh, thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên, nên Người đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống các nguy cơ, nhất là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên của Đảng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dự báo mà còn luôn giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững đạo đức cách mạng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân; đồng thời cán bộ, đảng viên phải rèn luyện phấn đấu “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thứ năm, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: “Hồ Chí Minh nói đảng cầm quyền là mâu thuẫn với chính quyền nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Đây là ý đồ xảo trá, tinh vi của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc bản chất đảng cầm quyền, gây hoài nghi về sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, thì tư tưởng về đảng cầm quyền với chính quyền nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là hoàn toàn thống nhất, không có gì mâu thuẫn. Bởi vì, Nhà nước Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, theo đó Đảng mới trở thành đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải đóng vai trò tiên phong, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành thắng lợi, thiết lập nên chính quyền nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, Đảng cầm quyền và chính quyền của nhân dân không hề mâu thuẫn, mà luôn quan hệ gắn bó mật thiết trong một chỉnh thể thống nhất. Khi nói đến đảng cầm quyền là nói đến vai trò lãnh đạo chính quyền nhà nước và xã hội, là nhân tố bảo đảm chắc chắn nhất để chính quyền nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Người nhấn mạnh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Từ những cơ sở nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đảng cầm quyền không mâu thuẫn với chính quyền nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mà đó là sự thống nhất, biện chứng không thể tách rời, đồng thời càng khẳng định mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Để phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nói riêng, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, khi thì bóc tách, khi thì đối lập, lúc thì quy chụp, bịa đặt, xuyên tạc tư tưởng của Người với mục đích gạt bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Đảng, dẫn đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ở Việt Nam.

Vì vậy, cùng với sự tỉnh táo, nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết vạch trần âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, chúng ta cần không ngừng nghiên cứu, học tập, nắm vững bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, Thạc sĩ NGUYỄN QUANG HỢP, Tạp chí Quốc phòng toàn dân

——–

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.391-392

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.620

Theo QĐND