Sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đòi hỏi thế hệ trẻ nói chung và tuổi trẻ Quảng Ninh nói riêng phải có niềm tin vững chắc, quyết tâm cao, nỗ lực hết mình để phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của bản thân. Thời gian qua, màu áo xanh thanh niên đã ghi dấu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu của tỉnh trên con đường hội nhập và phát triển.
Những người trẻ tiên phong
Đoàn Hồng Hạnh (SN 1992) – cô ca sĩ trẻ tài năng đến từ TX Quảng Yên, sở hữu giọng hát đầy nội lực và cảm xúc. Hồng Hạnh đã xuất sắc giành giải nhì phong cách nhạc nhẹ của giải Sao mai toàn quốc năm 2022. Trước đó, cô đã giành giải nhất Sao mai Quảng Ninh và là thí sinh có điểm số cao nhất phong cách nhạc nhẹ trong đêm thi Sao mai 2022 khu vực phía Bắc. Cô cũng là một trong những Gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh được vinh danh trong chương trình Tuyên dương gương mặt trẻ, tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Nuôi dưỡng và có tình yêu cháy bỏng với âm nhạc, nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện để hỗ trợ cho cô học thanh nhạc bài bản. Vì thế, trong quá trình học tập tại Hà Nội, Hồng Hạnh đã cố gắng vừa học vừa làm để có thêm thu nhập và đăng ký học nhạc tại các trung tâm ngắn hạn. Cô cũng tự trau dồi, học tập tại nhà và tìm kiếm cơ hội đi hát tại một số sự kiện, các chương trình trong tỉnh để có thêm kinh nghiệm trình diễn.
Đoàn Hồng Hạnh chia sẻ: “Hạnh không sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, nhưng mình nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc từ ngày còn thơ bé. Suốt quãng thời gian học phổ thông, Hạnh tham gia rất nhiều các chương trình văn nghệ của thị xã cũng như của tỉnh và cũng đạt được khá nhiều giải thưởng. Hạnh cho đó là những tích lũy ban đầu để mình có thể thành công ngày hôm nay”.
Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2015, chuyên ngành Quản lý văn hóa nghệ thuật với tấm bằng giỏi, Hạnh không từ bỏ theo đuổi đam mê âm nhạc, nhưng cô cũng gặp phải không ít khó khăn vì gia đình lúc đầu không hề ủng hộ cô đi theo con đường này. Nhưng Hạnh đã kiên định lựa chọn đam mê, khổ công rèn luyện, đầu tư học hỏi từ những ca sĩ, nghệ sĩ đi trước.
“Nếu không tự tin, kiên định chắc Hạnh không nghĩ mình có thể đi tiếp con đường này. Mặc dù mình bắt đầu hành trình này khá muộn so với nhiều bạn khác, nhưng mình muốn đi chậm mà chắc, giải Sao Mai Quảng Ninh và giải Sao Mai toàn quốc như là một bệ phóng giúp mình vững bước trên con đường nghệ thuật. Dù có gian truân, vất vả nhưng Hạnh vẫn tự tin, nỗ lực theo đuổi đam mê cháy bỏng đó” – Hạnh chia sẻ
hìn lại chặng đường âm nhạc và giải Sao Mai vừa qua, đối với bản thân Hồng Hạnh sẽ vẫn là một chặng đường dài còn ở phía trước đối với hành trình âm nhạc của bản thân. Những thành tích đã đạt được của cô đã chắp cánh cho đam mê, giúp cô tiếp tục cống hiến và hoàn thiện bản thân để tiếp tục nhận được sự ghi nhận, yêu mến của khán giả.
Phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, Hoàng Đức Mạnh, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) cũng là một minh chứng sự bản lĩnh, trí tuệ và thành công.
Mạnh là thành viên tham gia đồng hành cùng Dự án KOICA – Hàn Quốc triển khai tại TX Đông Triều giai đoạn 2020-2025. Thông qua dự án thuộc chương trình giải pháp kinh doanh toàn diện (IBS) của Cơ quan hợp tác quốc tế (KOICA), với mong muốn có thể thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân trên địa bàn thị xã, Mạnh đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kĩ thuật, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, chăm lo phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các khoá học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ…
Mạnh cho biết, hiện HTX đang triển khai Dự án “Tăng thu nhập cho các tiểu nông có sử dụng hợp tác xã nông nghiệp và giảm tỷ lệ hao hụt trong phân phối nông sản thông qua chuỗi cung ứng lạnh” tại TX Đông Triều, bước đầu góp phần liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Dự án này được triển khai từ cuối năm 2020 phối hợp với doanh nghiệp của Hàn Quốc thực hiện. Mục tiêu chính của dự án là giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện môi trường canh tác cho HTX nông nghiệp và người nông dân thông qua ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân.
“Trước đây, chúng ta đều sản xuất nông sản theo phương pháp truyền thống, nên chưa đầu tư sâu, bài bản. Khi triển khai dự án này, được chuyển giao KHKT, mình thấy áp dụng các quy trình một cách bài bản, chọn lựa kỹ và áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn để tăng năng suất đã tạo nguồn lợi rất lớn cho người nông dân” – Mạnh chia sẻ thêm.
Được biết, Mạnh đã cùng chuyên gia Hàn Quốc khảo sát, chọn địa điểm triển khai dự án tại các xã Tràng Lương, An Sinh, Bình Khê, Việt Dân, Xuân Sơn. Các hộ nông dân tham gia dự án phải liên kết để có diện tích từ 1ha trở lên, tạo ra cơ sở hạ tầng canh tác nông sản chuyên nghiệp. Mỗi vụ canh tác khoảng 3 tháng, giá thu mua tại ruộng là 8.000 đồng/kg, sản lượng rau đạt từ 7-8 tấn/ha. Năm 2021, HTX đã trồng 1ha thử nghiệm vụ rau cải Hàn Quốc; năm 2022 HTX mở rộng diện tích lên 7ha; năm 2023 dự kiến trồng khoảng 14ha.
Có ước mơ và hoài bão là điều đầu tiên tạo nên một người trẻ tiên phong. Họ sẵn sàng lao về phía trước để tìm cách biến những giấc mơ thành hiện thực. Dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua sự định kiến, nỗ lực khẳng định mình đó chính là đòn bẩy để một người sống trọn vẹn với lý tưởng của mình giống như Đoàn Hồng Hạnh, Hoàng Đức Mạnh.
Trang bị cho thanh niên kiến thức, kỹ năng hội nhập
Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi mà yêu cầu hội nhập đang trở thành xu thế mới trong xã hội hiện đại, những thanh niên là trụ cột của nước nhà đang ngày càng cần có những kiến thức, kỹ năng cao để hình thành nên một người trẻ bản lĩnh. Cũng vì lý do đó, mà các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh chú trọng tổ chức các phong trào, hoạt động bổ ích giúp thanh niên nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức để tự tin phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Với phương châm “Mỗi cán bộ, ĐVTTN đều biết và sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ”, coi đây là một khâu đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, Tỉnh Đoàn đã triển khai hiệu quả Đề án “Vận động thanh thiếu nhi tham gia học tập ngoại ngữ và tin học đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Trong hơn 5 năm qua, toàn Đoàn đã duy trì, thành lập 400 CLB, đội, nhóm học tập ngoại ngữ; thường niên tổ chức hội thi “Hùng biện ngoại ngữ”, “Olympic tiếng Anh” dành cho cán bộ Đoàn, thu hút trên 4.600 cán bộ, ĐVTTN tham gia; tổ chức 295 lớp ngoại ngữ trực tiếp và 85 lớp ngoại ngữ trực tuyến miễn phí cho 12.200 thanh thiếu nhi trong tỉnh… Vào các đợt sinh hoạt hè, phong trào dạy và học ngoại ngữ đều được tổ chức một cách bài bản, khoa học, tạo được hứng khởi cho thanh niên toàn tỉnh.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu để xã hội phát triển, tuổi trẻ Quảng Ninh đã tiên phong, sáng tạo chuyển đổi số, huy động sự tham gia của đông đảo ĐVTN thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực: Tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, tuyên truyền nâng cao kiến thức về chuyển đổi số toàn diện trong ĐVTTN; các cấp bộ Đoàn đã chỉ đạo thành lập 1.473 đội hình tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.634 ĐVTN tham gia.
Cùng với đó là duy trì đội hình thanh niên tình nguyện về hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện cũng như tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; tổ chức các chương trình hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng về định danh điện tử, về thuế, về hải quan… nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ, ĐVTN, thanh thiếu nhi và nhân dân về chuyển đổi số; phấn đấu mỗi ĐVTN sẽ trở thành một đoàn viên số, thanh niên số, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Song song với đó là công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng được Tỉnh Đoàn quan tâm, tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa; lựa chọn, giới thiệu đại biểu tham gia giao lưu các chương trình thanh niên quốc tế để tạo cơ hội cho ĐVTN được học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Điển hình như: Tỉnh Đoàn đã triển khai Biên bản ghi nhớ với Đoàn Thanh niên 3 tỉnh Xay-nhạ-bu-ly, Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào); phát huy vai trò thanh niên tham gia quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, nắm tình hình thanh niên các địa phương giáp biên với Trung Quốc như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái để chủ động tổ chức hoạt động ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân…
Có rất nhiều câu chuyện khác nhau để tạo nên một người trẻ bản lĩnh, tự tin. Việc không ngừng trau dồi kiến thức, học tập nhằm phát huy hơn nữa năng lực, sở trường của bản thân để từ đó từng bước bước ra khỏi vùng an toàn, dám ước mơ những ước mơ lớn để tạo nên những cơ hội mới, mục tiêu mới.