Trường học miễn phí của anh Khánh nằm trên đường Lê Hồng Phong (TP Dĩ An). Trường được xây dựng hai tầng, mỗi tầng rộng 160 m2, chia thành 4 phòng.
Mảnh đất rộng 600 mét vuông được mua với giá 6 tỷ đồng là của để dành gần nửa cuộc của đời vợ chồng anh Ngô Văn Khánh (42 tuổi) trú tại TP Dĩ An (Bình Dương). Thế nhưng, thay vì xây một ngôi nhà cho riêng mình, anh đã dùng để dựng một ngôi trường với 8 lớp học dạy miễn phí.
Thời sinh viên, anh Khánh theo học ngành cơ khí của Trường Đại học Nông Lâm (TPHCM) với mong muốn sau này về nối nghiệp gia đình mở xưởng. Những năm tháng sinh viên, để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, anh nhận làm gia sư.
Từ những buổi dạy kèm như vậy, Khánh dần có tình yêu đặc biệt với nghề sư phạm. Vì vậy, năm 2004 tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm, Khánh không theo ngành cơ khí mà học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm rồi nhận thêm nhiều học trò dạy kèm môn Toán.
Thời điểm đó, dù chưa một ngày đứng trên bục giảng ở một ngôi trường nào nhưng anh được nhiều phụ huynh, học sinh tin tưởng. Đặc biệt, gặp học sinh hoàn cảnh khó khăn, anh Khánh không thu tiền học phí.
Năm 2007, Khánh rời quê hương Đồng Nai để lên TP Dĩ An (Bình Dương) lập nghiệp. Tại vùng đất mới, ban ngày anh làm quản lý ở một trang trại, buổi tối làm gia sư.
Cũng tại đây anh đã nhận được ân tình của nhiều người dân. Khánh cho biết năm 26 tuổi, anh không may bị gãy chân, không thể đi lại được. Thời điểm đó, đến bữa lại có vài phụ huynh mang đồ ăn đến rồi giặt giúp quần áo, chăn màn cho anh. Từ tháng ngày đó, anh ấp ủ ý muốn tri ân tới những con người nơi đây, nhưng do kinh tế eo hẹp, lương mới đủ nuôi thân, nên tất cả chỉ là dự định.
Những năm tháng ở Dĩ An, Khánh làm đủ nghề mưu sinh, từ gia sư đến kinh doanh, buôn bán, dần dần kinh tế của gia đình từng bước ổn định. Năm 2021, dịch Covid-19 ở Bình Dương và các tỉnh phía Nam phức tạp, cuộc sống đảo lộn khiến việc học tập của học sinh bị hạn chế, Khánh bắt đầu thực hiện việc trả ơn mảnh đất, con người Dĩ An.
Thời điểm đó ngoài việc hỗ trợ thức ăn, thuốc men cho những gia đình không may nhiễm Covid-19, Khánh còn mở lớp học online miễn phí dạy môn Toán để giúp củng cố kiến thức, bài vở cho học sinh cấp 2. Sau khi đi học trực tiếp trở lại, anh đã tự bỏ tiền túi thuê mặt bằng để mở 4 phòng học dạy miễn phí cho gần 100 học sinh.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, Khánh có một quyết định khiến người thân, bạn bè ai cũng bất ngờ. Đó là dùng mảnh đất 600 mét vuông vợ chồng anh mua cách đó hơn 1 năm để xây lớp dạy học miễn phí.
Anh Khánh chia sẻ: “Những lần đi phát lương thực, thuốc men mùa dịch, tôi thấy nhiều học sinh khổ quá, nên đã suy nghĩ đến việc xây một khu dạy miễn phí cho bọn trẻ. Đây cũng là điều mà mình ấp ủ từ thời sinh viên. Sau khi bàn bạc với vợ, chúng tôi đã quyết định xây dựng trường học miễn phí trên miếng đất mà trước đó dự định làm nhà. May mắn quá trình xây dựng cũng như các thủ tục giấy tờ đều rất thuận lợi, đến tháng 6 vừa rồi đã đi vào hoạt động”.
Trường học miễn phí của anh Khánh nằm trên đường Lê Hồng Phong (TP Dĩ An). Trường được xây dựng hai tầng, mỗi tầng rộng 160 m2, chia thành 4 phòng.
Các phòng đều được trang bị điều hoà, quạt, micro,… Để lớp học hoàn thiện đi vào hoạt động, từ mua đất đến xây dựng, trang bị lớp học, Khánh đã bỏ ra gần 8 tỉ đồng. Đến nay, sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, ngôi trường đặc biệt đã thu hút gần 600 học sinh theo học.
Anh Khánh tâm sự: “Lúc tôi mới đưa ra ý định xây trường trên mảnh đất mà tính sẽ dựng nhà cho cả gia đình ở, vợ tôi rất sốc. Vì gia đình đang phải đi ở nhà thuê mà giờ lại dành phần đất đó đi xây trường. Nhưng sau khi tôi chia sẻ suy nghĩ của mình, bà xã đã hiểu và ủng hộ, bởi cả hai cùng chung quan điểm, sống là phải sẻ chia, cho đi nhiều hơn để cuộc sống được tốt đẹp hơn”.
Tại trường của anh Khánh hiện có 30 lớp chia làm nhiều buổi học khác nhau. Thời gian từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7. Học sinh đến đây học là những em học sinh THCS trên địa bàn. Học sinh theo học ở các lớp không phân biệt hoàn cảnh gia đình, bất cứ em nào muốn củng cố kiến thức đều có thể đăng ký học tại trường học này.
Trong công tác giảng dạy, Khánh cũng hợp tác với nhiều giáo viên có kinh nghiệm để kèm cặp, theo sát được từng học sinh. Ngoài ra, anh còn mời một số sinh viên ngành Toán về làm trợ giảng và đều trả lương hàng tháng. Đến nay trường học của anh có 10 thầy cô giáo tham gia giảng dạy và trợ giảng.
“Biết đến mô hình dạy của tôi, nhiều thầy cô giáo và các bạn sinh viên trợ giảng có ý định hỗ trợ và dạy học miễn phí. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là trả lương hàng tháng. Bởi khi trả lương, chắc chắn mọi người sẽ có trách nhiệm với công việc của mình cũng như với trường, lớp. Vì thế, chắc chắn việc học tập của các em không bị đứt đoạn.
Thời gian qua, toàn bộ kinh phí duy trì các lớp học tôi đều tự bỏ tiền túi ra chi trả. Tôi cũng suy nghĩ đơn giản rằng, khi kinh tế gia đình đã ổn định và bản thân mong muốn chia sẻ một phần nguồn thu nhập đó để hỗ trợ các em học sinh được học tập tốt hơn.
Giúp các em sau này trở thành người có ích cho xã hội”, anh Khánh chia sẻ.
Em Trần Minh Huy, sinh viên năm 2 Trường Đại học Tự nhiên chia sẻ: “Em tham gia trợ giảng cho thầy Khánh ở lớp miễn phí từ thứ 2 đến thứ 7. Nhờ đó mà mình được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sư phạm. Thầy mở lớp miễn phí nhưng không kêu gọi tụi mình hỗ trợ miễn phí mà vẫn trả lương tháng, giúp em trang trải chi phí sinh hoạt”.
Nỗ lực duy trì suốt đời
Chi phí duy trì lớp học, xây trường đều một mình bỏ tiền túi, không kêu gọi đóng góp, không nhận của ai một đồng nào. Trong tương lai, tôi tiếp tục xây thêm cho đủ 30 phòng học trên diện tích còn lại, để nhận thêm nhiều học sinh hơn. Đồng thời sẽ mở thêm câu lạc bộ Anh văn giao tiếp và thuê phần đất của hàng xóm chưa xây dựng bên cạnh để mở các lớp giáo dục kỹ năng sống cho các em. Anh Ngô Văn Khánh
Thời gian qua, vừa đảm bảo cho công việc chính, anh Khánh vừa không ngừng trau dồi kiến thức, theo học các khóa nghiệp vụ sư phạm để thực hiện ước mơ giảng dạy của mình. Đặc biệt đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới, để cập nhật kế hoạch giảng dạy phù hợp, anh Khánh luôn kết nối, trao đổi với các thầy cô về giáo án trên trường, tìm hiểu thông tin từ các hội nhóm học tập trên mạng xã hội.
“Cái khó khăn là tôi không dạy ở một trường phổ thông nào cả nên đôi khi bắt nhịp không kịp với chương trình liên tục thay đổi. Vì thế mà mỗi ngày tôi đều phải tự học và tiếp thu thêm kiến thức để làm mới mình. Đến mùa thi, có khi tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng để nghiên cứu phương pháp giảng dạy, tìm tài liệu ôn tập cho các em. Nhiều khi dạy mà thấy học sinh vẫn chưa hiểu sâu bài là bản thân tôi cảm khó chịu lắm. Vì thế tôi phải luôn cố gắng nghiên cứu, tìm cách dạy sao cho các em dễ hiểu nhất”, anh Khánh chia sẻ.
Nghe về trường học miễn phí của anh Khánh, ban đầu nhiều phụ huynh ở TP Dĩ An không tin là thật, có người theo con vào tận lớp ngồi dự giờ, theo dõi mới tin tưởng. Thế rồi sau một thời gian, thấy rõ việc làm của thầy Khánh, nhiều phụ huynh ngỏ ý gửi thêm thầy ít tiền để duy trì lớp học nhưng thầy từ chối.
Chị Nguyễn Thị Nga, phụ huynh một học sinh lớp 7 đang theo tại trường của anh Khánh cho biết, trước đây vì dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện cho con đi học.
Bởi, nếu cho con học thêm môn Toán ở ngoài, tuần 3 buổi thì cũng mất đến 600 nghìn đồng. May mắn có lớp học miễn phí của thầy Khánh để con có thể củng cố kiến thức, ôn luyện. “Tôi cũng từng ngỏ ý gửi ít tiền duy trì lớp học nhưng thầy từ chối”, chị nói.
Đối với anh Khánh, niềm vui lớn nhất là khi học sinh hiểu bài, tiến bộ từng ngày, các em có niềm vui khiến anh cũng vui theo.