Cách đây 70 năm, ngày 14/2/1952, với bút danh C.B. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo nhan đề “Tự phê bình và phê bình” đăng trên Báo Nhân dân, số 45.
Theo Người, tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa đạo đức – văn hóa Đảng. Chỉ có tuân thủ theo nguyên tắc này, Đảng mới luôn giữ được sự trong sạch, mới hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách của một đảng cách mạng, một đảng chân chính.
Giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh
Vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, Người khẳng định: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một trong những nội dung cơ bản của văn hóa đạo đức – văn hóa Đảng. Chỉ có tuân thủ theo nguyên tắc này, Đảng mới luôn luôn giữ được sự trong sạch, mới hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn tư cách của một đảng cách mạng, một đảng chân chính.
Tự phê bình và phê bình ngoài động cơ, mục đích trong sáng còn cần phải có thái độ đúng, phương pháp đúng, thậm chí còn phải chú ý cả hoàn cảnh cụ thể của người được phê bình. Việc phê bình dù có chân thật, nhưng thiếu thái độ và phương pháp đúng có thể dẫn đến chủ thể được phê bình không nhận thức được điều đó hoặc nhận thức ngược lại, nhận thức khác đi dẫn đến hiệu quả không đạt được như mong muốn. Đó là chưa kể, việc lợi dụng nguyên tắc này để thực hiện những mưu đồ vụ lợi cho cá nhân, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, hạ thấp uy tín của người khác…
Ngày 14/2/1952, trong bài “Tự phê bình và phê bình”, Bác đề ra các nội dung thực hiện tự phê bình và phê bình, gồm: Mục đích, Phương hướng, Trọng tâm, Cách làm. Trong đó, Cách làm bắt đầu từ Thống nhất tư tưởng, “phải đánh thông tư tưởng. Tức là làm cho mọi người hiểu rõ mục đích và lợi ích của cuộc kiểm thảo, làm cho mọi người hǎng hái tham gia, để tránh tình trạng tiêu cực, lo ngại, rụt rè”; phải “nghiên cứu những tài liệu về lý luận, để giúp mọi người hiểu thấu sự ích lợi và cần thiết của kiểm thảo; và những tài liệu về chính sách của Đảng và Chính phủ, để lấy đó làm cǎn cứ mà kiểm thảo công việc của mỗi đơn vị, mỗi người”. Khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình”.
Và “kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên”. “Trong kiểm thảo phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải việc trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui lòng thừa nhận”. “Ưu điểm thì phải khen, để mọi người bắt chước và phát triển. Khuyết điểm thì phải tuỳ nặng nhẹ mà xử trí cho đúng mực, để mọi người biết mà tránh. (Mục đích của kiểm thảo là giáo dục, cải tạo, nhưng không phải tuyệt đối không hề dùng kỷ luật). Những vấn đề đã đặt ra, cần tìm cách giải quyết cho đúng. Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em. Kiểm thảo thì nhằm vào tư tưởng, lề lối làm việc, kết quả của công việc, chứ không nhằm vào cá nhân”…
Cuối bài viết, Bác Kết luận: “Từ nay, những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm:
– Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân.
– Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ.
– Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khǎn, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Những lời dạy của Bác có ý nghĩa to lớn, khẳng định tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là vũ khí sắc bén, giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh thêm. Thông qua tự phê bình, Đảng ta mới gột rửa được những hạn chế, yếu kém, những thói hư tật xấu, làm cho dân tin, dân theo Đảng; đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, ngăn ngừa biểu hiện tự cao, tự đại, mạnh dạn công khai tự phê bình, chân thành tiếp thu sự phê bình của người khác. Thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc cơ bản, là vũ khí sắc bén, là động lực, là quy luật của sự tồn tại và phát triển của Đảng.
Hiếm có đảng cầm quyền nào mà sinh hoạt tự phê bình và phê bình lại trở thành công việc thường xuyên, trở thành nếp sinh hoạt chính trị thấm đẫm giá trị nhân văn như Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù, đến Đại hội II (1951) Đảng ta mới đưa tự phê bình và phê bình vào Điều lệ Đảng, nhưng từ khi mới ra đời (3/2/1930) Đảng ta đã mang trong mình tinh thần “tự chỉ trích” rất nghiêm túc. Thực tiễn hơn 90 năm qua cho thấy, mỗi khi phát hiện có sai lầm, Đảng đều công khai thừa nhận và tìm ra biện pháp sửa chữa.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI của Đảng năm 1986 dũng cảm nhận thấy “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Đảng tự thấy mình mắc “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế-xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”. Sau Đại hội VI, trên báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh “N.V.L”, tiếp nối tinh thần của đại hội, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém cần sửa ngay, tạo ra không khí sửa sai rất sôi nổi, thực chất trong toàn xã hội. Chính tinh thần ấy đã cổ vũ, động viên đất nước, nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng kiểm điểm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”. Đấu tranh với những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; ngày 13/8/2012, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết này. Ngày 4/10/2021 vừa qua, khai mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII, coi trọng tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, để “vũ khí” sắc bén này góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Từng cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục cho đội ngũ đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò và giá trị của tự phê bình và phê bình trong Đảng; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức tiến hành tự phê bình và phê bình ở cấp mình. Từng đảng viên cần khắc phục tâm lý ngại va chạm, tích cực tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hằng ngày” trong sinh hoạt Đảng. Từng cán bộ, nhất là người đứng đầu, cần chủ động, tự giác nêu gương trong thực hành tự phê bình và phê bình; có cơ chế, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cấp dưới phê bình cấp trên; kiên quyết chống các biến tướng của tự phê bình và phê bình…
Như vậy, phê bình và tự phê bình được coi là “vũ khí”, “chìa khóa thành công”, là sự đột phá của khâu đột phá, là một trong những bước then chốt của công tác then chốt xây dựng Đảng. Cho nên cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu cần phải gương mẫu nêu gương trong phê và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” để cấp dưới và nhân dân học tập, noi theo, đó là phương thức lãnh đạo nhân văn của Đảng ta.