Đến nay, Việt Nam đã 4 lần công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó công khai chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, nhằm mục tiêu tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận một cách vô căn cứ.
Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, bảo vệ chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Việt Nam là đất nước luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài và đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, khát khao được sống trong hòa bình, độc lập; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là mong muốn, thiện chí và quan điểm nhất quán trong chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, nhóm người tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với vận mệnh quốc gia-dân tộc đã gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị”, viết bài tán phát với những giọng điệu xuyên tạc, bóp méo đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Việt Nam. Chúng cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các quốc gia luôn có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, trong khi đó Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách quốc phòng “4 không” (không liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là “bảo thủ, lỗi thời”, “tự mình cô lập mình”, “tự trói tay, chân mình”, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngang nhiên, trắng trợn hơn, chúng còn vu khống, quy chụp việc Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh là khơi mào cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, là để chống lại một nước thứ ba. Đặc biệt, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc thì Việt Nam mới giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ được lợi ích quốc gia-dân tộc.
Có thể thấy mục đích sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch là nhằm dẫn dắt, hướng lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, dần đi sâu vào quỹ đạo lệ thuộc bên ngoài, đánh mất độc lập, tự chủ trong các hoạt động quân sự, quốc phòng, đối ngoại. Đồng thời, kích động, gieo rắc tâm lý hoài nghi trong xã hội vào khả năng bảo vệ đất nước của quốc phòng Việt Nam, tính đúng đắn của đường lối quân sự, quốc phòng, đối ngoại của Đảng; từ đó gây chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ, làm giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đối ngoại; cấp độ cao hơn là từ chối thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hoặc tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Soi rọi vào lý luận và thực tiễn đều cho thấy, những luận điệu trên của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của nước ta:
Về lý luận: Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, “dựa vào sức mình là chính”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; kết hợp chặt chẽ sức mạnh nội lực của đất nước với sức mạnh quốc tế để củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh nội lực, của mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Người nói: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”; “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Đồng thời, Người căn dặn, phải luôn “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp”; phải đặc biệt coi trọng xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn, vì lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định nhất quán quan điểm: “Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Đồng thời: Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc.
Chiến lược quốc phòng Việt Nam năm 2018 xác định: Xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra; tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) và những vấn đề liên quan của cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ rõ, cùng với chủ trương “4 không”, Việt Nam: “Tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Đồng thời, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại…”. Đồng thời: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.
Về thực tiễn: Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng đã đề ra, trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên LHQ); đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, gần 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai hơn 530 cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại các phái bộ và trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Việc tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam đã được LHQ ghi nhận và đánh giá cao, để lại những ấn tượng tốt đẹp với chính quyền, người dân nước sở tại và bạn bè quốc tế. Hình ảnh chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới được lan tỏa rộng rãi, ghi dấu ấn tích cực và đậm nét trong lòng nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế trân trọng, quý mến.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt hiện nay, nếu dựa vào nước lớn này làm đồng minh, liên minh thì sẽ trở thành đối tượng chiến lược, đối đầu với nước lớn khác. Vì vậy, Việt Nam kiên định chính sách “4 không”, thêm bạn, bớt thù; tăng đối tác, giảm đối tượng, xử lý hài hòa quan hệ với các nước; thiết lập, củng cố quan hệ với tất cả các nước, nhất là các đối tác chiến lược, hội nhập quốc tế sâu rộng, gia tăng sự đan xen lợi ích chung với nhiều nước, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế; ngăn ngừa nguy cơ và đối phó thắng lợi với mọi hình thức chiến tranh xâm lược là lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất. Trong bất luận hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng không chọn bên mà chọn lẽ phải, chính nghĩa.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn, rõ ràng là những minh chứng đầy đủ, khách quan, thuyết phục nhất, thể hiện rõ mong muốn, thiện chí: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận. Đồng thời cũng vạch trần âm mưu đen tối của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam.
Theo đó, để đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ tính đúng đắn của chính sách quốc phòng Việt Nam ở cả trong nước và quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; huy động tối đa các nguồn lực để tăng cường sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, phát huy vai trò “tiên phong” trong kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thượng tá, TS BÙI ĐÌNH TIỆP, Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử nghệ thuật Quân sự, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
Theo QĐND