Tự do Internet ở Việt Nam là một thực tế không thể phủ nhận

Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó có nỗ lực nhằm bảo đảm tự do internet.

Tuy nhiên, vẫn có cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí từ bên ngoài, đưa ra những đánh giá phiến diện, bóp méo thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do internet.… Đây là những âm mưu hòng xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch; bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước. Thực tế này càng đòi hỏi cần phải có cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Những thành tựu không thể phủ nhận về bảo đảm tự do internet tại Việt Nam

Internet đã về đến tận các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: ictvietnam.vn)

Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 09/11/1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Quyền con người ngày càng có tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền”.

Theo ông Dũng, hoạt động truyền thông, báo chí luôn luôn song hành cùng với quá trình phát triển đất nước; từng bước xây dựng và truyền tải rất nhiều thông tin hữu ích ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến nhân dân. Trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền con người, thông qua các kênh thông tin truyền thông, các giá trị xã hội, các chuẩn mực về quyền con người quốc tế và Việt Nam được phổ biến và nhắc đi nhắc lại cho mọi người cùng biết, thuyết phục và vận động mọi người cùng nhau tuân thủ để bảo đảm những lợi ích thiết yếu và hợp pháp cho từng cá nhân hay bất cứ tổ chức nào.

“Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới” –  Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ.

Theo đánh giá của ông Dũng, những thành tích của Việt Nam về Internet trong những năm qua rất ấn tượng. Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu. Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người sử dụng Internet (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước).

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Kể từ khi xuất hiện, việc sử dụng các mạng này đã được mở rộng từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trở thành công cụ mạnh mẽ được các thương hiệu sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng của họ cả trong nước và quốc tế. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho thấy người Việt dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày để truy cập internet. Đây đều là những thống kê cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia có giá cước internet rẻ nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Đây đều là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.

Những năm gần đây, người dân có xu hướng sử dụng và tìm kiếm thông tin trên các website truyền thông xã hội nhiều hơn là ở website báo chí chính thống. Số liệu thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, người Việt đứng đầu Đông Nam Á về xem video trực tuyến với 92%, trong đó, 70% người Việt xem video trên thiết bị điện thoại. Độc giả hiện nay dành 75% thời gian để xem video thay vì đọc bài viết.

Nhận diện, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về tự do internet ở Việt Nam

Việt Nam được dự báo trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Việt Nam đứng đầu trên tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI), vượt xa các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức… Điều này cho thấy người dân Việt Nam rất cởi mở với công nghệ blockchain..Việt Nam đứng thứ 62 toàn cầu và đứng thứ 06 trong 10 nước ASEAN về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2021. Sự tiến bộ của Việt Nam thông qua việc thăng hạng thể hiện sự đầu tư của Chính phủ vào công nghệ mới AI là một chủ trương đúng đắn. Ấy thế mà bất chấp những thực tế không thể phủ nhận nói trên, vẫn có cá nhân, tổ chức cố tình xuyên tạc bóp méo thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm tự do internet.

Báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 đưa ra những đánh giá sai sự thật, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm tự do internet. (Ảnh: VTV.vn)

Mới đây nhất, báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên mạng 2022) được tổ chức Freedom House (FH) công bố ngày 18/10/2022 đã xếp hạng Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do internet nhất trên thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá phiến diện, tiêu cực, sai sự thật về vấn đề tự do, dân chủ tại Việt Nam. Hằng năm, tổ chức Freedom House có trụ sở tại Mỹ đã tự khoác cho mình chiếc áo nhân quyền, công bố bản báo cáo về tự do Internet của hơn 60 quốc gia trên thế giới. Trong đó, tổ chức này nhiều lần xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do ngôn luận, internet.

Năm 2021, FH đã xếp Việt Nam vào nhóm “các quốc gia không có tự do trên Internet”. Cũng như những năm trước, báo cáo của Freedom House đưa ra những luận điệu vu cáo  nhà nước Việt Nam “hạn chế quyền của người sử dụng Internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”, xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do trên Internet”. Đó thực chất vẫn là những luận điệu “bổn cũ soạn lại”, được đưa ra một cách vô căn cứ và cố tình phớt lờ thực tế sinh động, những thành tựu trong bảo đảm quyền tự do Internet ở Việt Nam.

Từ năm 1972,  FH xuất bản một báo cáo thường niên mang tên “Freedom in the World” để chỉ về mức độ tự do dân chủ ở các quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới, theo cách đánh giá của FH tình trạng dân chủ và tự do được đánh giá trên thang điểm từ 1 (tự do nhất) đến 7 (ít tự do nhất). Phương pháp tính của Báo cáo này dựa vào một phổ rất rộng các tiêu chí căn  cứ trên Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948. Báo cáo dựa trên giả định rằng các tiêu chuẩn này có phạm vi áp dụng đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý, dân tộc, tôn giáo hay mức độ phát triển kinh tế. Cách tính toán của FH dựa trên phương thức mỗi quốc gia chỉ do 01 nhà phân tích chấm điểm trên mọi chỉ tiêu và viết báo cáo đánh giá quốc gia đó, gửi đến Ban đánh giá tại trụ sở chính ở Mỹ sẽ xem xét, so sánh ở cấp độ khu vực và so với kết quả các năm trước để quyết định công bố điểm số chính thức về 1 quốc gia. Do chỉ 01 nhà phân tích cho điểm và viết báo cáo, ban đánh giá chủ yếu ở Mỹ, tiếp cận báo cáo trên thế giới quan và giá trị Mỹ, báo cáo được đánh giá thiếu khách quan, khoa học và thiên kiến.

Từ xuất phát điểm của FH và cách chấm điểm thiếu khoa học nêu trên, có thể nói, trong nhiều phần đánh giá FH đã đánh tráo bản chất các sai phạm về tự do ngôn luận trên mạng xã hội, biến đối tượng vi phạm pháp luật từ có sai phạm thành không sai phạm. Họ thậm chí tán dương cho lối ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội. Thực chất của âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây phân tâm trong cộng đồng xã hội, tạo ra sự hoài nghi về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận; từ đó, phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trên không gian mạng; hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do Internet.

Sau 25 năm hiện hữu, Internet nay đã có thể truy cập ở hầu như bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào ở Việt Nam và thậm chí là miễn phí. Nhờ hạ tầng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, Internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet ứng dụng mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do Internet.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại cởi mở với các cơ quan, tổ chức quốc tế về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; để các cơ quan, tổ chức quốc tế có những nhận định, đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch, khách quan. Mặt khác, Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam./.

Theo ĐCS