Thực tiễn sống động, lý luận sáng soi trong tác phẩm của Tổng Bí thư

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam.

Đây là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, là những bài học cụ thể, thiết thực cho cán bộ, đảng viên, cho các tổ chức đảng “tự soi”, “tự sửa” để tiến bộ, là nguồn động viên, cổ vũ và quy tụ nhân dân vì mục tiêu phát triển.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương_Ảnh: TTXVN

 

Sức mạnh của một phương pháp đúng

Thứ nhất, trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, các nhà lãnh đạo đất nước đều chỉ đạo xây dựng và sử dụng hiệu quả công cụ pháp luật.

V.I. Lê-nin sau khi chỉ đạo giải quyết rốt ráo nhiều vụ bao che tham nhũng, tiêu cực đã đi đến kết luận: “Cuối cùng, nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại một kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến một kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”(1). Theo V.I. Lê-nin, việc giữ gìn kỷ cương phép nước, thái độ công minh, chính trực của người lãnh đạo đối với cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, tuyệt nhiên không có ảnh hưởng gì đến uy tín của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết xử lý nghiêm khắc tệ tham nhũng, tiêu cực đúng pháp luật. Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Người yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(2). Trong hơn 24 năm (1945 – 1969), Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo 2 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959) và 613 Sắc lệnh, trong đó có 243 Sắc lệnh quy định về tổ chức Nhà nước và pháp luật. Ngày 27-11-1945, Người ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Trong “Quốc lệnh” do Người ban hành ngày 26-1-1946 có 10 điều khen thưởng và 10 điều hình phạt; trong 10 điều hình phạt có Điều 8, “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”(3)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang chỉ đạo xử lý tham nhũng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm kinh điển trên nền tảng pháp luật. Tổng Bí thư yêu cầu, “đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững(4). Yêu cầu của Tổng Bí thư vừa là đường lối chiến lược của Đảng, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Tám tính chất (đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định) là yêu cầu nội tại của hệ thống pháp luật nếu muốn phát huy đầy đủ tác dụng của pháp luật trong đời sống xã hội. Đồng thời, yêu cầu của Tổng Bí thư cũng nhằm khắc phục những khiếm khuyết kéo dài của hệ thống pháp luật hiện tại; đặt đúng tầm vóc vai trò của công cụ pháp luật trong xây dựng nền kinh tế – xã hội, phát triển đất nước và là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể thấy, các nhà lãnh đạo giỏi ở các thời kỳ khác nhau, các thế hệ khác nhau, trong điều kiện hoàn cảnh khác nhau đều có chung tư duy, đó là quản lý, điều hành hoạt động một xã hội phải bằng pháp luật, và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần sử dụng hiệu quả công cụ pháp luật.

Thứ hai, phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện bài bản và toàn diện.

Một là, chuẩn bị cơ sở chính trị – pháp lý. Về phương diện Nhà nước, hệ thống pháp luật nói chung và Bộ luật Hình sự nói riêng đã được hoàn thiện một bước. Về phương diện Đảng, một loạt các quy định phục vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành và đi vào cuộc sống(5).

Hai là, nắm chắc và chuẩn bị tinh thần cho các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc”; phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ba là, tuyên truyền, phổ biến, phát động để toàn dân hưởng ứng, tích cực tham gia công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng”(6).

Bốn là, quyết định điểm tựa, mũi tiến công chắc thắng, bắt đầu từ trên xuống, từ trong Đảng ra, nâng lên niềm tin của nhân dân, của toàn xã hội.

Năm là, phải chống cả tham nhũng lớn và cả tham nhũng vặt, kiên quyết chống, chống triệt để.

Nói một cách tổng quát, phương pháp chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư mang đầy đủ tính khoa học, thực tiễn, thân dân, đã và đang đem lại hiệu quả to lớn nhiều mặt.

Nghiêm trị “tham nhũng vặt” và chữa “bệnh sợ trách nhiệm” 

Đọc 8 bài của Tổng Bí thư viết từ năm 1973 đến năm 1990, chúng ta có nhiều cảm nhận: Trước hết là tầm nhìn, 50 năm trước người thanh niên làm việc tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) – cơ quan lý luận chính trị của Đảng đã sớm nhận ra “căn bệnh” nặng, tham ô, lãnh phí, tiêu cực, bản chất của nó, nguồn gốc phát sinh và các “bài thuốc” chữa trị để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hai là, vẫn còn nguyên sức hấp dẫn của các bài viết về nội dung và phương pháp thể hiện. Nội dung đúng như thực tiễn, thẳng thắn, rõ ràng (có tên tuổi, có địa chỉ và thời điểm xảy ra khuyết điểm); phương pháp phê bình tinh tế. Ba là, tệ “tham nhũng vặt” và “bệnh sợ trách nhiệm” xuất hiện khá sớm và còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ, nghĩa là các vấn đề còn nguyên tính thời sự.

Về “tham nhũng vặt”: Như một thứ “ghẻ ruồi” rất khó chịu đã và đang xảy ra ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn suốt một thời gian dài, lâu dần bị coi như một “thông lệ” bất thành văn. “Tham nhũng vặt” làm giảm lòng tin, sự tín nhiệm của nhân dân đối với những người cán bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu tham nhũng lớn đã và đang phá hoại từ thượng tầng kiến trúc, thì “tham nhũng vặt” đang đào bới, công phá từ nền móng. Nếu ví bộ máy nhà nước như tòa nhà, mà tòa nhà bị đào phá, sụt lún từ nền móng, thì hỏi còn đứng vững được không? Bởi vậy, đã là tham nhũng thì phải chống triệt để. Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư là vô cùng chính xác, đúng đắn và kịp thời: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”(7).

Về “bệnh sợ trách nhiệm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, như làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không có chính kiến, không dám quyết đoán với những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”(8);… Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Nguy hại hơn, “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”(9). Vì vậy, “khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng,…”(10).

Có thể thấy, Tổng Bí thư đã “bắt mạch” rất đúng “căn bệnh” và đề ra giải pháp hoàn toàn đúng đắn, chính xác cho thời gian ấy, nhưng cũng hoàn toàn khả thi cho ngay bây giờ. Vì thế, có thể nói, đó thực sự là một giải pháp mang tầm chiến lược.

Tám bài học kinh nghiệm quý báu                                                         

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bất cứ ở đâu, vào thời gian nào cũng gay go, phức tạp và quyết liệt, nhất là từ khi bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là hơn 10 năm qua (2012 – 2023). Song, với những kết quả đạt được, trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã tổng kết, đúc rút thành nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có 8 bài học sống động và quý báu.

Thứ nhất, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị cao, biện pháp đúng đắn, hành động quyết liệt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của Đảng. Chúng ta đều biết, nhận thức là một quá trình và có vai trò chỉ đạo hành động, nhận thức đúng thì hành động đúng. Tổng Bí thư chỉ ra rằng, có nhiều ý kiến e ngại, chống tham nhũng, tiêu cực mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự năng động, dám nghĩ, dám làm! Thực tế, hoàn toàn ngược lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thúc đẩy mạnh mẽ tư duy sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân được nâng lên một trình độ cao.

Thứ hai, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ… với động cơ không trong sáng, và chỉ những người có chức, có quyền mới bị nhiễm thói hư, tật xấu này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “giặc nội xâm” là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(11). Tiền nhân cũng có câu, “Giặc nhà khó đánh”; vì vậy, phải kiên quyết, kiên trì, bền gan và dũng khí hơn nữa trong cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn.

Thứ ba, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức bằng cách làm ngơ, dung túng, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Bài học này cho thấy, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xúc tiến hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Qua đó, sàng lọc, tinh lọc đội ngũ cán bộ theo yêu cầu công việc và tiêu chuẩn cán bộ các cấp, các loại.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trực tiếp lắng nghe, đối thoại, giải đáp sâu sát, cặn kẽ các ý kiến của công dân_Nguồn: baoquangninh.com.vn

 

Thứ tư, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá. Đây là bài học về chỉ đạo hoạt động. Theo đó, phát hiện sớm, xử lý ngay, từng bước không cho tham nhũng, tiêu cực tiếp tục phát sinh; và tiếp tục phát hiện, xử lý đích đáng, nghiêm khắc theo pháp luật các vụ việc, các vụ án tham nhũng, tiêu cực để làm gương, cảnh tỉnh, răn đe.

Thứ năm, phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”; tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Đây là bài học, đồng thời cũng là một trong những nội hàm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Thứ sáu, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cựcKinh nghiệm thời gian qua cho thấy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực thi nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm này thể hiện rất sáng rõ ở Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương cần nắm vững trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm, chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ bảy, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bài học huy động sức mạnh tổng hợp vừa là nhiệm vụ, vừa là đường lối cách mạng của Đảng ta theo đúng nguyên lý: “Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng”. Quần chúng có cả “trăm tai, nghìn mắt” để góp phần phát hiện tham nhũng, tiêu cực, giúp cho Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý. Đây cũng là một công việc lớn, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(12), như Bác Hồ đã dạy.

Thứ tám, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa dân tộc; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước. Bài học tổng thể này gồm nhiều bài học cụ thể, trực tiếp nhất là phải bảo đảm yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng khẳng định, “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(13). Nền kinh tế đó phải phù hợp với truyền thống dân tộc, nghĩa là “phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội” và xây dựng “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…”(14). Như vậy, muốn phát triển tốt nền kinh tế – xã hội thì phải phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực; và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vững chắc.

Năm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới

Thực tiễn cho thấy, các hành vi tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra ở một tổ chức, một lĩnh vực, một ngành, một cấp hay một địa phương, không chỉ là những hành vi đơn lẻ, riêng biệt, mà còn có sự móc nối, liên kết ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, diễn ra ở nhiều địa bàn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở cả Trung ương và địa phương. Tham nhũng, tiêu cực đang diễn biến rất phức tạp; nhiệm vụ phòng, chống còn rất nhiều khó khăn. Dù đã đạt được những thành quả quan trọng, nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, mà phải kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao nhằm ngăn chặn, đẩy lùi với kết quả lớn hơn nữa. Tổng Bí thư đã vạch ra 5 nhiệm vụ lớn, trọng tâm, bao quát cho giai đoạn mới.

Thứ nhất, phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao gồm xây dựng, chỉnh đốn tổ chức Đảng và xây dựng, chỉnh đốn cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm vụ này, vai trò của cán bộ, đảng viên được nhấn đậm với ý nghĩa thực tiễn, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân””(15). Biện pháp thực hiện nhiệm vụ này được xác định rõ ràng, cụ thể tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, đó là, “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên” và “Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên… Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ…; đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước; đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp”. Trong đó, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, đã được quy định tại Điều 70 Luật Phòng, chống tham nhũng: “Gương mẫu, liêm khiết, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh” và “Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”. Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng để từng bước có được đội ngũ đảng viên có sức chiến đấu hùng mạnh, quyết liệt là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục bất cập, bịt kín “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Trong nhiệm vụ này có vấn đề khá lớn và có độ phức tạp cao, nhưng bằng mọi nỗ lực phải giải quyết sớm, đó là hiện tượng “tham nhũng chính sách, pháp luật” trong xây dựng thể chế. Hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật diễn ra hết sức tinh vi, “kín đáo”, để lại những hậu quả lớn cho Nhà nước và xã hội. Đó là những hoạt động móc nối các hành vi kế tiếp, quan hệ chặt chẽ với nhau, bao gồm nhiều cá nhân và “nhóm chủ thể” có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nhằm biến hóa lợi ích riêng tư thành những “quy tắc pháp lý” của những chính sách, của những đạo luật… Đây cũng là điều khác biệt giữa tham nhũng, tiêu cực chính sách, pháp luật với tham nhũng, tiêu cực đơn lẻ từng vụ việc, từng vụ án cụ thể. Do đó, phải sớm nghiên cứu sửa đổi nội dung chủ thể sáng kiến chính sách, pháp luật và quy trình xây dựng luật, pháp lệnh trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ở nhiệm vụ này, một lần nữa Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải mài sắc ý chí chiến đấu để thực thi tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Đó chính là học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xử lý tội tham ô, hối lộ, phải “thiết diện, vô tư”, “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(16).

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực. Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề then chốt, nhưng còn là vấn đề phải đầu tư nhiều thời gian và công sức mới đạt hiệu quả như mong đợi. Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm”. Nhưng nếu chỉ dựa vào lòng trung thực mà kiểm tra, giám sát, xử lý thiếu nghiêm khắc thì làm sao đạt được mục đích của việc kê khai! Bởi vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cùng với “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế,… phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật”(17).

Thứ năm, tiếp tục kiện toàn bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước. Trong nhiệm vụ này, rất đáng lưu ý việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước. Các thuật ngữ “chống lưng”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”, “luật ngầm” xuất hiện khá nhiều trong những năm gần đây. Nội hàm của các thuật ngữ này chỉ ra sự móc nối giữa một bộ phận quan chức nhà nước có chức, có quyền, có nhiều “mối quan hệ” với doanh nghiệp “sân sau”, người nhà, người thân của mình, để họ tiếp cận được các dự án kinh tế, các gói thầu, các ưu đãi lợi ích. Các hoạt động này ngày càng diễn ra theo chiều hướng phức tạp, tinh vi hơn. Những nguồn lợi ích bất chính quá lớn đã làm không ít cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tục tạo dựng nhiều “sân sau” để trục lợi… Tác hại nhiều mặt, vô cùng lớn, không thể lường hết, trong đó có vấn đề quản lý kinh tế – xã hội sẽ trở nên phức tạp, rối ren, sự phá hoại khó lường của các thế lực xấu. Bởi vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước lúc này là nhiệm vụ lớn, đầy khó khăn, phức tạp. Do đó, Tổng Bí thư đã và đang chỉ đạo phải thực thi nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt. Có thể thấy, đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn nhiều mặt, nhưng nhất thiết phải kiên trì, kiên quyết xử lý./.

TS BÙI NGỌC THANH
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

————————

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 44, tr. 218
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 127
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 190
(4) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 431
(5) Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”; Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2-2-2023, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” và nhiều quy định khác…
(6) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 20
(7), (8), (9), (10) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 197, 466 – 467, 468, 469 – 470
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 81
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 128
(14) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 966 (5-2021), tr. 5 – 6
(15) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 37
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127
(17) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 49

Theo TCCS