Sống thử dưới góc nhìn của các nhà xã hội, văn hóa

Không ủng hộ việc chung sống trước hôn nhân, song nhiều chuyên gia nghiên cứu về gia đình, văn hóa đều cho rằng phải chấp nhận nó như một tất yếu của xã hội hiện đại. Và để giảm thiểu những hậu quả do lối sống này đem lại, bạn trẻ cần được cảnh báo, giúp đỡ.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với VnExpress, các chuyên gia đều nhìn nhận sống thử là vấn đề tế nhị, nhiều người ngại đề cập. Đây cũng là vấn đề phức tạp đối với người đang chấp nhận lối sống này và phức tạp đối với xã hội.

Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em Nguyễn Linh Khiếu cho rằng không nên dùng từ sống thử, mà phải là chung sống trước hôn nhân. Đối với Việt Nam, hiện tượng này còn mới, nhưng ở phương Tây vào những năm 60-65 của thế kỷ trước, trong cuộc cách mạng giải phóng tình dục thì việc sống chung trước hôn nhân là rất bình thường. Họ gặp, sống với nhau một thời gian rồi chia tay và sống với người khác. “Đấy không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa. Tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu là đều thật”, ông Khiếu nói.

Phân tích nguyên nhân của lối sống mới mẻ này, tiến sĩ Khiếu cũng như nhiều chuyên gia khẳng định đó là kết quả của sự vận động xã hội, là xu hướng tất yếu của giới trẻ hiện đại, không cưỡng lại được. Sự tất yếu này, theo ông Khiếu, được thúc đẩy bởi 3 nguyên nhân trực tiếp. Thứ nhất là điều kiện kinh tế của cả bạn nam và nữ chưa cho phép họ làm đám cưới, mua nhà, tổ chức đời sống gia đình. Thứ hai, đa số bạn trẻ sống chung trước hôn nhân đều ở xa gia đình, xa sự quản lý của bố mẹ nên có thể sống theo ý mình. Thứ ba là đôi nam nữ bị thúc đẩy bởi nhu cầu tình dục cần được thỏa mãn.

Tiến sĩ nghệ thuật học, giảng viên Khoa Báo chí, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, bà Nguyễn Thị Minh Thái, thì cho rằng một trong những nguyên nhân khiến sống thử được giới trẻ ủng hộ vì nó phù hợp với tâm lý tò mò, háo hức khám phá cái mới của giới trẻ. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm sức khỏe phụ nữ và gia đình, cũng ủng hộ quan điểm này: “Không phải bạn trẻ nào cũng thích sống thử, nhưng nhìn chung tâm lý của giới trẻ bao giờ cũng thích thử”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng hiện tượng sống thử mang trong mình nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực, không thuận lợi cho sự phát triển của xã hội. Tiêu cực ở chỗ sống thử làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn và đặc biệt nó tàn phá tình yêu – món quà thượng đế ban tặng. Đó là chưa kể đến hậu quả về sức khỏe khi bạn nữ có bầu, phải sinh con hoặc nạo hút thai… Tích cực thì như bạn trẻ đã nói là thỏa mãn nhu cầu tình dục, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. “Tuy nhiên, tiện ích do sống thử mang lại không thể bù đắp những tổn thất do nó gây ra”, bà Thái nhấn mạnh.

Với lập luận gia đình bền vững là cốt lõi của xã hội, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức cho rằng, nếu xã hội mà toàn thanh niên chỉ thích sống thử, không thích xây dựng gia đình ổn định thì sẽ “bất an vô cùng”, sẽ không bao giờ có được các nhà bác học thiên tài. Thực tế đa số thiên tài như Beethoven, Mozart, Bill Gates đều sinh ra trong những gia đình nề nếp, có căn bản vững chắc.

Dù chưa nghiên cứu, song tiến sĩ Đức cho rằng sau quá trình sống thử, rất ít bạn trẻ tiến đến hôn nhân. Lý do là khi yêu mọi thứ đều rất đẹp, nhưng khi sống với nhau thì va chạm rất nhiều, từ chỗ chàng ngáy ngủ, ở bẩn cũng khiến nàng tức giận, xung đột, rồi vỡ mộng và chia tay. “Chưa đăng ký kết hôn, chưa có sự ràng buộc về luật pháp, trách nhiệm thì người ta có thể dễ dàng bỏ nhau, hậu quả thì vô cùng nặng nề”, bà Đức nói.

Từng là bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trung ương, chứng kiến rất nhiều bi kịch của lối sống thử, bác sĩ Đức chỉ ra những hậu quả: Đứa trẻ sinh ra trong điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu điều kiện để phát triển toàn diện. Đấy là may mắn còn có con, một số do nạo phá thai quá nhiều, nạo phá thai ở những nơi không đủ điều kiện hành nghề dẫn đến tai biến thủng tử cung, băng huyết, vô sinh, thậm chí chết người.

Tiến sĩ Nguyễn Linh Khiếu nhiều lần khẳng định không nên coi chung sống trước hôn nhân là một tệ nạn. “Tôi cam đoan trong đó đến 80% số người là tử tế, nghiêm túc trong việc quyết định sống với nhau. Đó không phải là hiện tượng xấu, chỉ có điều bây giờ nó mới bắt đầu, có nhiều va vấp, ngang tai trái mắt. Nhưng trong quá trình vận động, nó sẽ tự điều chỉnh đến nỗi xã hội sẽ chấp nhận”, ông Khiếu nói.

Tiến sĩ Khiếu cho rằng xã hội nên bao dung hơn với những bạn trẻ đang chung sống như vợ chồng, nên nhắc nhở, giúp đỡ để họ không đi vào ngõ cụt. Nếu có phê phán chỉ theo hướng một số người đã sống thái quá, dễ dãi, buông thả mình. Tuy nhiên, cá nhân ông không ủng hộ lối sống này. “Nếu phải khuyên các bạn trẻ, tôi sẽ nói tôi không ủng hộ, không phản đối, nhưng nhắc các bạn chưa phải là vợ chồng, chưa phải là gia đình, nên phải sống như thế nào đó để dẫn đến hôn nhân. Từ bây giờ phải xây dựng cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình bền vững”, ông nói.

Dưới góc độ văn hoá, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng phần lớn người Việt Nam hiện đại gốc gác là những nông dân, khó mà chấp nhận sống thử. Nhưng đó là một thực tế “đắng lòng” của xã hội hiện đại nên buộc phải chấp nhận. Nếu các bạn trẻ muốn sống thử theo cách của xã hội phương Tây thì nên nhìn nhận nó từ góc nhìn văn hoá phương Đông để điều chỉnh và chọn lọc cho phù hợp, nên tiếp thu tư tưởng triết học khoẻ mạnh của phương Tây. Đó là thái độ độc lập, tự chịu trách nhiệm về tình cảm và hành động của mình. Trong quá trình chung sống, đôi nam nữ rất cần phải đối thoại thẳng thắn với nhau về tất cả vấn đề. “Còn nếu cứ duy trì một cuộc sống thử vô nguyên tắc, duy tình, tối tăm, mụ mị mà phải nhận lấy… quả đắng thì hãy ráng chịu”, đó là lời khuyên của tiến sĩ Thái.

Câu hỏi “Sống thử sẽ phát triển hay lụi tàn” được VnExpress đưa ra với các chuyên gia và nhận được những câu trả lời trái chiều. Tiến sĩ triết học Nguyễn Linh Khiếu cho rằng rồi xã hội sẽ không nói nhiều đến việc sống chung trước hôn nhân, vì nó không còn là vấn đề bức xúc, gay cấn, mà cũng giống như hiện tượng kết hôn, ly hôn. Tuy nhiên, lối sống này sẽ không phát triển lan rộng, chỉ khu trú trong nhóm thanh niên sống xa nhà, điều kiện kinh tế chưa đầy đủ, công ăn việc làm chưa ổn định.

Một luồng ý kiến khác thì cho rằng sống thử sẽ lụi tàn. Theo nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thái, sống thử như một ung nhọt của xã hội, nó bùng phát rồi sẽ tan vỡ như vết thương rồi lại lành. Còn bà Nguyễn Thị Hoài Đức thì dẫn chứng, phương Tây sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ lối sống thử, làm mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thì nay bắt đầu nhìn nhận lại, thấy đó là một sự tổn hại đến phát triển của xã hội bền vững.

Tuy nhiên, bà Đức cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và nhiều chục năm nữa, sống thử tiếp tục tồn tại, phát triển nếu giới trẻ không được cảnh báo, nhận thức được hậu quả để biết cách phòng tránh.

Như Trang

https://vnexpress.net/song-thu-duoi-goc-nhin-cua-cac-nha-xa-hoi-van-hoa-2003570.html