Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao tốc độ tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh…
Theo thông tin từ Cục thống kê Quảng Ninh, hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 95,7% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. 99,2% số thu ngân sách Nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí của tỉnh được thực hiện qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản được thanh toán trực tuyến điện tử.
Hiện 13/13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Quảng Ninh đã áp dụng mô hình chợ 4.0, các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, chợ hạng 1 trên địa bàn sử dụng mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
Năm 2022, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của Quảng Ninh đạt trên 7.900 tỷ đồng, ước đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 – 5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.
Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm – ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất – trang trí – lưu niệm và dịch vụ…
Xác định rõ chuyển đổi số là giải pháp để du lịch bứt phá và phát triển bền vững, ngành du lịch Quảng Ninh cũng chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện thu phí vé tham quan Vịnh Hạ Long bằng Internet banking và quét mã QR. Tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt. Du khách tham quan Vịnh Hạ Long sử dụng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan vịnh và dịch vụ hành khách qua cảng thay vì mua vé giấy.
Hướng đến du lịch thông minh, ngành du lịch Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh đưa vào cung cấp dịch vụ thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động…; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch. Hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…
Hiện tại, Quảng Ninh đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và triển khai Nền tảng cửa khẩu số ngay trong năm 2023. Theo đó, nền tảng cửa khẩu số sẽ được thực hiện tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II.
Thống kế cho thấy, quá trình triển khai chính xác, đồng bộ và hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế số của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Trước năm 2020, kinh tế số chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh. Năm 2021 con số này đã chiếm 5% GRDP, tiếp tục được nâng lên thành 8% vào năm 2022, dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.
Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%.
Quảng Ninh cũng phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số.
Mục tiêu xa hơn nữa đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng thông rộng cố định trên địa bàn Quảng Ninh sẽ được nâng cấp đảm bảo 100% người sử dụng có thể truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s, mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 100% dân số.
Mọi người dân trong tỉnh đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp. Xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung “Ha Long ICT Park” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Thành phố Hạ Long) trở thành “Cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực phía Bắc.