Quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành hình mẫu về chuyển đổi số, đầu năm 2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Nghị quyết xác định 20 mục tiêu, đi kèm với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2025 ở cả 3 trụ cột chính là chính quyền số (10 mục tiêu), kinh tế số (5 mục tiêu), xã hội số (5 mục tiêu). Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, tỉnh thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; thành lập Tổ công tác chuyển đổi số của tỉnh; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong năm 2022, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TT&TT, các bộ, ngành trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo đã ban hành 32 quyết định, 28 kế hoạch, 28 thông báo, trên 30 văn bản chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó quan trọng nhất là Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) “Thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 27 mục tiêu, 51 nhiệm vụ. Kế hoạch được xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện theo phương châm “Rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả”. Đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 11 mục tiêu, 19 nhiệm vụ; các mục tiêu, nhiệm vụ khác được triển khai tích cực và tiếp tục điều chỉnh hợp lý.
6 tháng đầu năm 2023 có 8 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ được hoàn thành. Trong đó ở cả 3 trục chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều có chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tiêu biểu: 100% TTHC ban hành mới đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC được số hóa từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả; 100% nhân lực công nghệ số nòng cốt trong bộ máy nhà nước được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; 93,4% TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến (mục tiêu là 80%); 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông sử dụng hợp đồng điện tử; 99,2% doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh đã thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu trên 99%); 34,5% hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu 30%); 100% khu dân cư tập trung có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 95% (mục tiêu 92%); 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng (mục tiêu 88%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (mục tiêu 95%); 100% cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số (mục tiêu 95%); 5 đơn vị y tế triển khai bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT; 100% trường học từ tiểu học đến THPT triển khai học bạ điện tử…
Với những kết quả tích cực đạt được, tỉnh Quảng Ninh được trung ương và các bộ, ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao; nổi bật là vị trí hạng 3 Chỉ số DTI năm 2022, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó ở cả 3 trụ cột của chuyển đổi số, Quảng Ninh đều tăng điểm và tăng hạng: Chính quyền số đạt 0,7804 điểm xếp hạng 4 (tăng 0,1428 điểm và 1 bậc so với năm 2021); kinh tế số đạt 0,7187 điểm xếp hạng 9 (tăng 0,2209 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2021); xã hội số đạt 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 0,2084 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2021).
Tỉnh tiếp tục đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện. Trong đó tập trung: Nhanh chóng xây dựng, tạo lập các cơ sở dữ liệu số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tiên phong tổ chức triển khai, chỉ đạo triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn TP Hạ Long; xây dựng các sản phẩm truyền thông mới về chuyển đổi số cung cấp tổ công nghệ số cộng đồng theo từng nội dung cụ thể, chủ đề trọng tâm gắn với nhiệm vụ chung của tỉnh, của trung ương để tuyên truyền đến người dân; triển khai Bộ chỉ số đo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (QN_DTI) và xây dựng phần mềm giám sát đánh giá, trực tuyến theo thời gian thực về mức độ chuyển đổi số cấp sở, ngành, địa phương năm 2023… Cùng với đó, tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trong phát triển hạ tầng, nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho CBCCVC và người dân…
Quảng Ninh thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số tại Bình Liêu, Vân Đồn và Móng Cái (doanhnghiepkinhtexanh.vn; 16/7)
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh sẽ chọn thí điểm 4 làng dân tộc thiểu số là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái; làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn và làng người Sán Chỉ (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương có làng dân tộc thiểu số được thí điểm xây dựng, lập kế hoạch hoàn thành trong tháng 7/2023, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày/Dao/Sán Dìu/Sán Chỉ); đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; khơi dậy tinh thần tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững; hăng hái thi đua làm giàu chính đáng; tích cực, chủ động bảo vệ môi trường tự nhiên; bảo vệ trật tự, an ninh khu vực.
Cùng với đó, xây dựng, bảo tồn Làng dân tộc Tày/Dao/Sán Dìu/Sán Chỉ gắn với xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, Nông thôn mới tiên tiến, Chương trình OCOP Quảng Ninh; phát triển kinh tế đa ngành: Nông nghiệp – du lịch – dịch vụ – thương mại; Phát huy cao nhất sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân và lấy người dân làm trung tâm, nòng cốt và là người được hưởng lợi từ thành quả xây dựng làng dân tộc.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Móng Cái cho biết, để nắm bắt cơ hội này, TP. Móng Cái đã đề xuất phục dựng làng dân tộc Dao Thanh Y, xã Hải Sơn. Phấn đấu, dịp 02/9 tới sẽ đưa vào khai thác sản phẩm phiên chợ Pò Hèn Hải Sơn. Tất cả đều mời gọi bà con dân tộc ra phát triển sản phẩm, dịch vụ. Thành phố đã dành nguồn lực cho vùng Hải Sơn gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống của người dân.
Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để hình thành các điểm đến đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch cộng đồng phù hợp.UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có làng dân tộc thiểu số được thí điểm xây dựng, lập kế hoạch cụ thể để triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của địa phương.
Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu (Diendandoanhnghiep.vn; 17/7)
Theo Hải quan Quảng Ninh: Trước đó, tháng 4/2018 đơn vị đã tổ chức triển khai Đề án “mô hình thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái”. Sau 5 năm triển khai, mô hình đã làm tăng tính minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn TP Móng Cái.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái: Trước khi triển khai thực hiện Đề án “Mô hình thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái” (gọi tắt mô hình quản lý hải quan tập trung), việc khai báo thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, được thực hiện trực tiếp tại các dây chuyền thuộc các đội thủ tục hàng hóa XNK; hoạt động giám sát hải quan được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng, các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa…
Với quyết tâm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh đã chủ động đề xuất và được UBND tỉnh, Tổng cục Hải quan đồng ý giao nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình quản lý hải quan tập trung tại TP Móng Cái.
Theo đó, mô hình được triển khai theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2018-2020), triển khai thực hiện thủ tục hải quan tập trung (tiếp nhận hồ sơ hải quan, thông quan hàng hóa tập trung) tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa và quản lý hải quan đối với hàng hóa XNK tại các địa điểm kiểm tra hàng XK, NK tập trung và các địa điểm kiểm tra hàng XK. Giai đoạn 2 (từ năm 2020), tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện thủ tục hải quan và quản lý hải quan tập trung. Ngoài các khu vực cửa khẩu, lối mở, việc kiểm tra thực tế hàng hóa và quản lý hải quan đối với hàng hóa XK, NK được thực hiện tại một địa điểm tập trung.
Đồng thời, để tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo cơ cấu theo mô hình quản lý chung của ngành, Đội thủ tục hàng hóa XNK được thành lập và hợp nhất nhiệm vụ tiếp nhận, đăng ký tờ khai, kiểm tra hồ sơ, thông quan hàng hóa của các Đội thủ tục hàng hóa XNK I, Đội thủ tục hàng hóa XNK II và Đội nghiệp vụ ICD Thành Đạt.
Ông Lưu Văn Đô – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch – Dịch vụ – Thương mại Đô Vân cho biết: Việc tiếp nhận, kiểm tra chi tiết hồ sơ được thực hiện tại 1 địa điểm là Đội thủ tục hàng hóa XNK thay vì 3 Đội thủ tục như trước đã đảm bảo thống nhất trong việc thực hiện các quy định pháp luật, qua đó đã giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức hải quan, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện khi được tiếp cận thông tin, văn bản quy phạm pháp luật và sự hướng dẫn, hỗ trợ (hỗ trợ từ xa, hỗ trợ tại chỗ) của cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục.
Việc thực hiện thủ tục hải quan và quản lý số liệu, thống kê cũng được thực hiện tập trung, thống nhất đảm bảo công tác tổng hợp, báo cáo, thống kê, đánh giá phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo chi cục và triển khai chỉ đạo của cấp trên được nhanh chóng và chính xác. Trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa được chuyên môn hóa tại hai đội kiểm tra giám sát hải quan với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị kiểm tra giám sát đã giúp thời gian thông quan ngày càng rút ngắn. Đặc biệt đối với tờ khai luồng xanh, doanh nghiệp chỉ phải xuất trình hàng hóa tại cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng cho cán bộ, công chức thực hiện kiểm tra, giám sát…
Được biết, nhờ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và ngành Hải quan Quảng Ninh 5 lần giữ vị trí quán quân DDCI. Bên cạnh 5 lần xếp thứ nhất, 3 năm còn lại, Cục Hải quan tỉnh luôn nằm trong tốp 4 (nhóm rất tốt). Để có được kết quả ổn định, ngay từ những năm đầu tiên triển khai DDCI, Cục đã có nhiều cách làm mới, riêng có. Từ năm 2017, Cục Hải quan tỉnh đưa Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở và chất lượng quản lý, điều hành cấp cơ sở (CDCI) vào thực hiện để thúc đẩy cạnh tranh,cải thiện năng lực của từng chi cục hải quan cửa khẩu. Đây được coi là bộ chỉ số thu nhỏ với những tiêu chí, chỉ tiêu tương tự như DDCI của tỉnh. Sáng kiến này lập tức trở thành điểm sáng về CCHC của ngành Hải quan cả nước, hiện vẫn được đơn vị duy trì.
Ông Ngô Xuân Hiệp – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu (HQCK) Cảng Cẩm Phả, chia sẻ: Hằng năm hệ thống CDCI thu thập ý kiến đánh giá của doanh nghiệp XNK đã giúp chỉ ra những điểm mạnh, yếu trong công tác quản lý, điều hành tại từng chi cục hải quan. Qua đó thúc đẩy mỗi một chi cục, mỗi công chức hải quan phải không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo, đồng hành với doanh nghiệp.
Ông Lê Đăng Va – Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Sông Lam MC, đánh giá: Việc tiếp nhận, kiểm tra chi tiết hồ sơ tại một địa điểm là đội thủ tục hàng hóa XNK thay vì 3 đội thủ tục như trước đã đảm bảo thống nhất trong thực hiện các quy định pháp luật, phân công công chức chuyên trách thực hiện thủ tục hải quan đối với từng loại hình XNK; giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức hải quan, đảm bảo mọi hoạt động diễn ra minh bạch, chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nghiên – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh: Điều quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp XNK là thời gian thông quan hàng hóa, thời gian càng rút ngắn, doanh nghiệp càng giảm được chi phí thời gian, chi phí đi lại. Hải quan Quảng Ninh luôn coi trọng công tác CCHC, hiện đại hóa hải quan. Đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật: 100% tờ khai XNK được thực hiện qua Hệ thống thông quan tự động; doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử 24/7; kết nối Hệ thống một cửa quốc gia tại 6/6 chi cục hải quan với 226 TTHC của 13 bộ, ngành; tiếp nhận C/O form D trên Hệ thống một cửa ASEAN; triển khai hệ thống giám sát hàng hóa ra vào cảng biển, kho bãi trên hệ thống giám sát hải quan tự động; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 160/160 thủ tục hải quan (ngoài thủ tục khai báo hải quan trên hệ thống thông quan tự động).
Cục thường xuyên rà soát, báo cáo và đề xuất cắt giảm các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành bị chồng chéo, giúp tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Năm 2022, đơn vị đề xuất 9 nội dung cải cách, cắt giảm chứng từ, 9 mặt hàng cắt giảm kiểm tra chuyên ngành; năm 2023 đề xuất 13 mặt hàng còn vướng mắc, bất cập trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp được quan tâm thực hiện từ Cục tới cấp chi cục để có thể tiếp cận được với những vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất, sớm nhất. Cục và các chi cục thành lập các đoàn công tác đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới được thành lập, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hải quan.
Bà Shi Xi Xun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (TP Cẩm Phả), cho biết: Ngay từ thời điểm khởi công xây dựng nhà máy đến đi vào sản xuất chính thức, Công ty đã luôn được Hải quan Cẩm Phả sát cánh trong mọi hoạt động. Từ chính sách thuế, báo cáo quyết toán thuế, cho tới hướng dẫn các thủ tục hải quan, các quy định mới trong XNK đều được Hải quan Cẩm Phả hướng dẫn tận tình, giúp Công ty tránh những sai sót có thể xảy ra.