Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở, qua đó đưa lộ trình chuyển đổi số toàn diện về đích sớm như mục tiêu đã đề ra.
Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là đến năm 2025 có 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ internet băng rộng, 95% hộ gia đình có internet cáp quang; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh, 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình có địa chỉ số…
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết trên, đồng thời các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác chuyển đổi số. Nhằm giúp người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, các địa phương đã triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi khu phố, thôn, bản. Thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng đã đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân.
Với 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở và đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, các địa phương đang tích cực chuyển đổi số ở cơ sở, xây dựng thí điểm mô hình thôn thông minh, qua đó người dân tiếp cận được với ứng dụng công nghệ thông tin và hình thành xã hội số thời gian tới.
Thời gian qua, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện kế hoạch phủ sóng sóng di động, cáp quang internet vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 6/2023 đã hoàn thành xây dựng và phát sóng thông tin do động cho 54/54 trạm đạt 100% phủ sóng cho 66 thôn đạt 100% so với kế hoạch. Triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 97 thôn đạt 86%.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh, các cấp, chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Mỗi người dân cần cập nhật, hiểu biết và từng bước sử dụng thành thạo các ứng dụng, phát huy hiệu quả hơn nữa những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Qua đó, tạo nền tảng để Quảng Ninh đạt được lộ trình chuyển đổi số như mục tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững./.