Tuy khuyết tật nhưng ông Dũng rất ham học và học giỏi. Nhưng học hết lớp 9 ông phải nghỉ học.
“Để mưu sinh, tôi còn làm thêm đủ nghề, từ mở quán bán tạp hóa, sửa xe máy cho đến làm thợ mộc. Hồi ấy, mới mình tôi ở trên quả đồi này, xung quanh chưa có ai. Mỗi đêm con ngồi học bài nó sợ, vì thế bố phải ngồi học cùng. Nhờ thế, con đứa nào cũng học rất nổi trội. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào thì tôi dạy cho con họ như thế. Đứa nào đến học cũng đều tiến bộ”…
Hồi ấy, ông Dũng cứ giúp đỡ con người ta như thế mà không nghĩ ngợi gì. Cho đến năm 1994, ông gặp một người khách ở xã Hòa Hải vào sửa xe. Trong lúc sửa xe, hai người nói chuyện qua lại cho vui thì được biết chị ấy có một đứa con vừa thi vào THPT nhưng không đỗ. Nghe chuyện, ông buột miệng “Đưa đến tôi, tôi bày cho mà thi”. Rồi chị ấy đưa con đến thật, ông kèm một thời gian và con chị ấy đã thi đỗ vào THPT với số điểm khá.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, ông không mở lớp, không mời chào nhưng kể từ đó, rất nhiều bậc phụ huynh tìm đến gửi con cho ông. Họ yêu cầu ông chuyên tâm cho việc dạy học nên có bao nhiêu sào ruộng họ đều thay nhau đến cấy cày và gặt hái cho ông. Học sinh của ông đầy đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 2 cho đến ôn thi chuyển cấp và ôn thi đại học.
Hiện tại, ông Dũng có khoảng 200 học sinh đang theo học. Ngồi nhìn hàng chục dãy bàn ghế sắp xếp ngang dọc quanh sân, quanh nhà, ông Dũng nói: “Dạy học đã thành nghiệp rồi, không dứt được nữa. Nếu vắng học sinh một buổi tôi thấy rất buồn. Học sinh của tôi cũng vậy. Nhiều hôm tôi có việc đi vắng, học sinh vẫn cứ đến nhà ngồi học, rồi gọi điện cho tôi nói “nếu bố mẹ có hỏi thì ông nói con học ở nhà ông nhé”. Chúng ngồi học có gì không hiểu thì chúng gọi cho tôi hỏi, hoặc đợi tôi về tôi chữa bài. Rất may, đến giờ trời vẫn còn cho tôi 2 thứ để có thể gắn bó với học trò, đó là: Mắt chưa phải đeo kính và tôi chưa đầu hàng bất cứ bài toán khó nào”.
Theo việc tử tế