Một ngày cuối tháng 10, hơn 10 thành viên nhóm “Team Lee” vượt chặng đường hơn 300 km từ thủ đô Hà Nội về Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An) để tặng ảnh phục chế màu của 13 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong thời khắc rạng sáng 31/10/1968.
Việc làm này càng thêm ý nghĩa hơn khi tỉnh Nghệ An đang hướng tới tổ chức kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, là dịp để nhắc nhớ về sự chiến đấu và tinh thần quả cảm của những người con đất Nghệ trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ.
Hôm ấy, những người khách về tham quan Khu di tích Quốc gia Truông Bồn đều vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh những chàng trai trẻ ôm bức ảnh chân dung 13 liệt sĩ và lần lượt đặt lên phần mộ chung. Có người không giấu được những giọt nước mắt trước không khí trang nghiêm và tấm lòng thành kính của những người trẻ nơi “cõi thiêng” Truông Bồn.
Những cô gái, chàng trai tuổi 18, đôi mươi đi vào chiến tranh, lửa đạn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nhưng vẫn lạc quan và tràn đầy khát vọng chiến đấu, dựng xây đất nước. Nơi đây, 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại, góp phần viết nên kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317 ngày 31/10/1968, khẳng định Truông Bồn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
“Với tất cả sự cảm phục, trân trọng và biết ơn, nhóm chúng tôi bàn bạc và đi đến thống nhất phục chế ảnh chân dung 13 Anh hùng, liệt sĩ Truông Bồn và cô Trần Thị Thông, người Tiểu đội trưởng sống sót sau trận bom khốc liệt năm ấy”, Phùng Quang Trung cho hay.
Không thể tính được khối lượng công việc được thực hiện trong bao nhiêu thời gian, chỉ biết bằng tất cả niềm tâm huyết và lòng biết ơn, nhóm “Team Lee” đã góp phần làm chân thực, sắc nét hơn hình ảnh tuổi thanh xuân của các cô gái, chàng trai Thanh niên xung phong Truông Bồn năm ấy.
Theo báo Nghệ An