Người đàn ông miền Tây chi 400 lượng vàng xây nhà nuôi hàng trăm cụ già

Người đàn ông ở miền Tây bỏ ra 400 lượng vàng để xây dựng nhà dưỡng lão Đức Thọ. 13 năm qua nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm cụ già neo đơn, bệnh tật, nghèo khó.

Nhà dưỡng lão Đức Thọ có diện tích khoảng 1,5ha, nằm tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây khang trang, được phân chia thành từng khu khác nhau như: khu nhà cụ ông, nhà ở cho cụ bà, nhà bếp, khu y tế chăm sóc và khu nhà mát dùng làm nơi sinh hoạt tập thể cho các cụ.

Khuôn viên mái ấm được trồng nhiều cây xanh, cây ăn trái với không khí trong lành, thoáng mát và rất tĩnh lặng. 

Các cụ già đang được nuôi, chăm sóc tại nhà dưỡng lão Đức Thọ (Sóc Trăng).

Ông Nguyễn Trung Khánh (60 tuổi), Trưởng ban quản lý nhà dưỡng lão Đức Thọ cho biết, năm 2007, ông Ngô Đoan Thanh (ngụ thị xã Vĩnh Châu) xây dựng nhà dưỡng lão này trên phần đất gia đình rộng 1,5ha, kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng, tương đương 400 lượng vàng lúc bấy giờ. Ông Thanh ấp ủ, xây dựng mái ấm Đức Thọ bằng cả tình thương, tấm lòng.

Sau hai năm xây dựng, mái ấm Đức Thọ chính thức hoạt động. Một năm sau, ông Ngô Đoan Thanh qua đời, để lại di nguyện cho người con trai tiếp tục kế thừa, duy trì việc thiện nguyện mà ông dành cả đời để xây dựng lên giúp người.

Con của ông Thanh sau đó đã thực hiện di nguyện của cha, cùng người dân địa phương chung tấm lòng thiện nguyện duy trì nhà dưỡng lão Đức Thọ cho đến nay.

“Lý tưởng, việc làm của ông Thanh quá cao cả. Tiếc là ông qua đời sau cơn bạo bệnh, để lại mái ấm tình thương này. Chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm để chung tay duy trì làm việc thiện này”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh (tay phải) hỏi thăm các cụ già.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà dưỡng lão Đức Thọ đã cưu mang hơn 200 cụ già. Mỗi cụ đều có hoàn cảnh và nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Có cụ vì cuộc sống quá khó khăn, không còn sức khỏe để mưu sinh; có cụ con cái nghèo khó, không có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Lại có cụ được người thân đưa đến đây rồi bỏ lại, không một lần trở lại thăm hỏi.

Ông Khánh cho biết, hiện tại nhà dưỡng lão đang cưu mang 20 cụ từ 60 – 90 tuổi. Những ngày đầu đến đây, tâm trạng các cụ buồn bã, ít nói chuyện, ít tiếp xúc với những người xung quanh. Lấy tình thương làm trách nhiệm, các tình nguyện viên tại đây đã động viên, giúp đỡ, chia sẻ, giúp các cụ lạc quan, vui vẻ trở lại, biến ngôi nhà thành một nơi của tình nhân ái.

Ở nhà dưỡng lão Đức Thọ 11 năm qua, cụ Lưu Tiến Thành (85 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, 15 năm trước vợ ông mất, hai con thì đứa chết, đứa nghèo khó.

“Mắt tôi thì gần như mù, không muốn làm gánh nặng cho con nên tôi xin vào nhà dưỡng lão Đức Thọ ở cho đến nay. Vào đây, tôi được các cô chú chăm sóc, lo lắng cho từng chút một. Tôi cảm thấy ở đây rất vui, giờ lớn tuổi rồi chỉ chờ ngày về đoàn tụ với ông bà…”, cụ ông Lưu Tiến Thành chia sẻ.

Cách đây hai năm, cụ Sơn Thị Tại (84 tuổi, ngụ thị xã Vĩnh Châu) vào ở tại nhà dưỡng lão Đức Thọ khi không còn người thân.

“Cả đời làm thuê mưu sinh, tới lúc già yếu thì không còn con cháu bên cạnh nên tôi xin vào nhà dưỡng lão ở đến nay cũng được hơn 2 năm. Mọi người trong đây đa phần cùng cảnh ngộ nên ai cũng đùm bọc, thương yêu nhau”, bà Sơn Thị Tại nói.

Hằng ngày, để tăng cảm giác ngon miệng cho các cụ, các món ăn của 3 bữa đều được thay đổi và đầy đủ dinh dưỡng. Chủ nhật sẽ có hủ tiếu, bún, bánh ngọt, trái cây…

Mỗi tháng, nhà dưỡng lão Đức Thọ chi ra hơn 30 triệu đồng để duy trì các hoạt động. Số tiền này được các tình nguyện viên, nhà hảo tâm và con trai người sáng lập chung tay đóng góp.

Bên cạnh chăm lo ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe của các cụ cũng được quan tâm. UBND thị xã Vĩnh Châu cấp thẻ BHYT cho các cụ; định kỳ mỗi tháng 2 lần, đội ngũ y, bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe cho các cụ.

Ông Khánh chia sẻ, vui nhất là khi các cụ được con cháu rước về để chăm lo lúc tuổi già.

Khi có cụ qua đời, nhà dưỡng lão cũng lo chu đáo việc hậu sự và thông báo cho gia đình biết. Những trường hợp không có người thân, nhà dưỡng lão tổ chức lễ tang để thể hiện trọn vẹn tinh thần nhân đạo cao cả.

“Nhiều cụ nhận được sự sẻ chia, đồng cảm, xem nhau như ruột thịt, nên khi con cháu đến đón vẫn nhất quyết không về”, ông Khánh nói và chia sẻ, điều buồn nhất là chứng kiến các cụ tuổi già, qua đời. Năm 2019, có gần 20 cụ qua đời, khiến ông Khánh và các tình nguyện viên không kìm nén được cảm xúc.

Ông Thái Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Nhà dưỡng lão Đức Thọ hỗ trợ rất lớn cho những người neo đơn, nghèo khó, bệnh tật… lúc tuổi xế chiều. Địa phương cũng chung tay hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe và tổ chức tặng quà cho các cụ hàng tháng”.

Theo vietnamnet.vn