Dù bị khiếm khuyết đôi chân nhưng A Mik (trú tại xã Đă Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) luôn nỗ lực trở thành người thầy ưu tú.
Đặc biệt, thầy giáo A Mik còn là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Qua đó, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức.
Thầy giáo trẻ với nghị lực phi thường
Mặc dù đôi chân bị khiếm khuyết song thầy A Mik vẫn luôn cố gắng, nỗ lực trong công tác giảng dạy. Trên chiếc xe lăn, ngày ngày thầy giáo trẻ vẫn miệt mài “gieo chữ” cho các em học sinh Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa).
Bất hạnh đến với A Mik ngay từ khi anh vừa tròn 1 tuổi, sau trận sốt mạnh đã khiến chân phải của thầy A Mik mất cảm giác, rồi dần teo hẳn. Lên 5 tuổi, chàng trai trẻ bắt đầu cố gắng bám vào tường, bàn, giường ngủ để tập đi với khát khao được đến trường học chữ.
Vì chân phải không thể đi được nên ngày nhỏ, chàng trai A Mik được bố mẹ đón đưa tới trường. Khi bước vào cấp 2 cũng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, bố mẹ bận đi nương rẫy thường xuyên nên A Mik phải tự mò mẫm đến lớp. Thương bạn khiếm khuyết, một người bạn gần nhà xung phong cõng A Mik đi học mỗi ngày. Từ đó, đôi bạn thân đội nắng, mưa, vượt suối đến trường.
Tâm sự với PV, A Mik bộc bạch: “Ngày đó con đường đến trường gập ghềnh lắm, nắng thì bụi, mưa thì trơn. Để đến được lớp học, tất cả học sinh trong làng phải vượt qua một con suối. Nhiều hôm cả 2 đứa đến lớp là ướt như chuột lột vì ngã sõng soài giữa suối, sách vở cũng ướt hết”.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, A Mik và người bạn thân ngày bé đã bước vào cấp 3. Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, bạn bè, A Mik quyết tâm thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum để ở lại bán trú. Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, gia đình, A Mik đã đậu vào ngôi trường mà bản thân hằng mong ước.
“Ngay từ nhỏ bản thân của mình đã mong ước được làm một thầy giáo dạy chữ cho học sinh nghèo giống bố. Nhưng nhiều lúc nhìn đôi chân tật nguyền của mình, bạn thân không khỏi chạnh lòng, chán nản. Song được sự giúp đỡ, tiếp sức từ gia đình, bạn bè và thầy cô mình đã đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Sau khi ra trường, mình được phân về giảng dạy tại Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa”, thầy A Mik chia sẻ.
Cám cảnh gà trống nuôi con
Năm 2014, thầy A Mik lập gia đình. Ít lâu sau đó, vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ thầy đã vào miền Nam lập nghiệp để lại người con vừa tròn 2 tuổi. Vợ vắng nhà, thầy Mik vừa làm cha, vừa làm mẹ quán xuyến gia đình, chăm sóc con nhỏ.
Gạt dòng nước mắt lằn dài trên gò má, thầy A Mik kể lại: “Vì xa mẹ khi còn quá nhỏ, đêm nào cũng vậy đứa bé khóc đến khản giọng. Để con bớt quấy khóc, mình thường xuyên gọi điện cho vợ để con được nghe giọng mẹ. Nhưng sau vài lần về thăm nhà, vợ mình bỗng “bặt vô âm tín”. Dù đã cố gắng liên lạc nhưng bất thành, hai cha con đành nương tựa nhau sống qua ngày”.
Những tưởng cuộc sống của 2 cha con sẽ bình yên trôi qua, thế nhưng bất hạnh tiếp tục tìm đến thầy A Mik. Năm 2020, thầy A Mik gặp tai nạn, chiếc chân trái từ lành lặn bỗng bị vỡ bánh chè, không thể di chuyển. Cũng từ đó mọi sinh hoạt thường ngày của thầy giáo trẻ đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn.
“Lúc mới đầu khi sử dụng xe lăn để di chuyển không ít lần bị té ngã. Nhìn đôi chân tật nguyền mình chán nản lắm, nhiều khi chỉ muốn buông xuôi tất cả. Mỗi lần như vậy mình lại nghĩ về con trai, đó cũng là nguồn động lực lớn để bản thân cố gắng. Dù có đau đớn, cực khổ nhưng chỉ cần có con bên cạnh là mọi mệt mỏi đều tan biến. Mình sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn, trở thành chỗ dựa vững chắc cho con”, thầy A Mik nói.
Thầy Phan Đình Kiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa cho biết, thầy A Mik là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giúp học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, thầy Mik thường xuyên học hỏi, trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn. Đặc biệt thầy A Mik còn là người truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh trong trường cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
“Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy A Mik nhà trường bố trí cho thầy dạy ở tầng trệt. Khi đến môn học của thầy A Mik học sinh sẽ chủ động di chuyển xuống lớp học”, thầy Kiên nói.
Trần Hiền(Báo Công Luận)