Hơn 20 năm “gieo chữ” ở Vùng cao

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí (nay là Đại học Hạ Long) năm 1995, Hồ Đức Hải tình nguyện lên Đồng Sơn nhận công tác.

Đồng Sơn thời điểm ấy đường đi lối lại rất khó khăn, các khe bản bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; dân cư thưa thớt. Nhận thức của người dân chưa cao nên tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi rất thấp. Suốt nhiều năm liền, thầy Hải cùng các giáo viên phải bỏ nhiều công sức đến từng nhà tuyên truyền, vận động các em đến trường. Không chỉ vậy, các điểm trường lúc này cũng chỉ là những ngôi nhà tạm dột nát, thậm chí có lớp được lợp bằng mái tranh. Ngày nắng ráo thì không sao, ngày mưa, cả thầy trò đều ướt.Ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, ngày ngày vẫn có những giáo viên thầm lặng hy sinh một phần hạnh phúc riêng để đem con chữ đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong số đó là thầy giáo Hồ Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ. Hơn 20 năm gắn bó với vùng núi cao này, anh đã là một phần của núi rừng nơi đây, là tấm gương sáng vì sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.

Nhớ lại những tháng ngày đầy gian khổ đó, thầy Hải tâm sự: “Mỗi lần đến nhà học sinh vận động các em đến lớp, chúng tôi đều phải đi bộ mất nửa ngày mới đến nơi, có khi trèo đèo, lội suối vào được đến nhà đã chiều muộn mà phụ huynh đi vắng. Mặc dù ban đầu rất khó khăn, song chúng tôi kiên trì đến nhà chia sẻ, chuyện trò với người dân nên họ cũng nghe ra. Giờ đây, cứ đến tuổi là trẻ em ở trên này đều được bố mẹ cho đến trường học chữ”.

Năm 2004, thầy Hải được chuyển về công tác gần nhà, ở Trường Tiểu học Thống Nhất. Tuy nhiên, gắn bó nhiều năm với Đồng Sơn, người thầy vẫn đau đáu trong lòng nhiều nỗi lo về sự nghiệp dạy và học ở vùng cao này. Năm 2006, anh tự nguyện xin quay lại vùng đất mà anh đã gắn bó hơn chục năm trời để tiếp tục công việc “ươm tạo những mầm xanh tương lai”. Triển khai Đề án 25 của ngành Giáo dục ở Đồng Sơn, thầy Hải đã cùng các cán bộ, giáo viên nhà trường làm tốt công tác dân vận, vận động phụ huynh và học sinh để tạo sự đồng thuận, nhất trí dồn ghép các lớp, điểm trường về trung tâm để học.

Sau hơn 20 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, có lẽ nhiều người tìm cách để xin về gần hơn với gia đình, song thầy Hải vẫn miệt mài “gieo” từng con chữ ở vùng cao còn nhiều khó khăn này. Thầy bảo: “Về gần nhà thì ai cũng muốn. Thế nhưng, nơi đây giờ đã gần gũi như nhà tôi vậy, bà con, học sinh Đồng Sơn thương tôi lắm. Trước mắt, tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nơi này, làm được chút gì cho tương lai các em thì tôi sẽ làm…”.

Hoàng Giang