Sáng ngày 31/12, đoàn công tác của Tỉnh đoàn do đồng chí Hoàng Văn Hải – Bí thư Tỉnh đoàn làm trưởng đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất và chế biến quế, hồi; mô hình chăn nuôi gà bản và mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của thanh niên huyện Đầm Hà.
Với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, nhiều thanh niên trẻ của huyện Đầm Hà đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, đầu tư công sức, trí tuệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, họ đã thành công và khẳng định được mình trên mảnh đất quê hương.
Công ty Quế Hồi Quảng Ninh (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) do anh Lỷ A Tài (dân tộc Dao) làm chủ. Tận dụng lợi thế về đất đai và tập quán canh tác của địa phương và hiểu rõ về giá trị của các sản phẩm từ quế, hồi, anh đã vận động, liên kết với bà con nông dân trồng và chế biến quế vỏ.
Vừa qua, sản phẩm của Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh là quế thanh và bột quế đạt 4 sao cấp huyện trong cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và tiếp tục được lựa chọn để tham gia cấp tỉnh. Mô hình kinh tế này đã góp phần thúc đẩy người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Trương Thế Đô (sinh năm 1986, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) cũng là một trong các mô hình kinh tế do thanh niên thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Nhận thấy thị trường đang ưa chộng các sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Đô đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư xây dựng khu trồng dưa lưới công nghệ cao. Năm 2019, anh đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000 m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng là dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5 kg.
Sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Đô được các nhà hàng, siêu thị đặt mua, do vậy đầu ra của sản phẩm luôn ổn đinh, tạo thu nhập để anh có điều kiện tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô mô hình kinh tế của gia đình.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà” của HTX Tuyền Hiền do vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Tuyền và Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ. Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2013, trải qua không ít lần thất bại, đến nay, mô hình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng chuồng lạnh và liên kết theo chuỗi trong nuôi gà bản Đầm Hà của vợ chồng chị Hiền có diện tích trên 1.000 m2, quy mô 3.000 con gà sinh sản, liên kết sản xuất theo chuỗi với 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà và các vùng lân cận. Mỗi năm, Hợp tác xã Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 160.000 con giống, 120 tấn gà thương phẩm, đạt doanh thu 12,3 tỷ đồng, lợi nhuận 1-1,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ.
Mô hình không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển gà giống bản địa, khai thác tiềm năng lợi thế địa phương mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Với thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 2020, chị Hiền được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của và là một trong 10 gương mặt thanh niên nông thôn xuất sắc nhất, vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trong chương trình tham quan thực tế, Đoàn công tác được nghe các thanh niên chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng chí Hoàng Văn Hải, Bí thư Tỉnh đoàn đã đánh giá cao về hiệu quả kinh tế của các mô hình và mong muốn thanh niên cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, chủ động trong phát triển kinh tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định, trước đây và ngay cả bây giờ, tổ chức Đoàn các cấp vẫn luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, hỗ trợ tạo dựng công ăn việc làm ổn định cuộc sống, hỗ trợ các nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng CSXH cho vay giải quyết việc làm khởi nghiệp. Các cấp bộ đoàn Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp. Đây chính là động lực quan trọng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng của thanh niên trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Hạnh