Đàn khỉ được bà lão nuôi như con rời đảo về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Đàn khỉ quý hiếm trên đảo Hòn Trà mà bà Út Chất nuôi như con nay được đưa về vườn quốc gia, làm bà buồn khi phải chia tay “những đứa con”.

Bà Út Chất nuôi và chăm sóc đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo Hòn Trà trong nhiều năm liền. Từ nay đàn khỉ vàng sẽ sống ở nhà mới phù hợp với chúng. Bà lão vui cho chúng và buồn cho mình khi chẳng còn gặp lại đàn khỉ nữa - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Út Chất nuôi và chăm sóc đàn khỉ vàng quý hiếm trên đảo Hòn Trà trong nhiều năm liền. Từ nay đàn khỉ vàng sẽ sống ở nhà mới phù hợp với chúng. Bà lão vui cho chúng và buồn cho mình khi chẳng còn gặp lại đàn khỉ nữa – Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 1-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết các chuyên gia linh trưởng đã hỗ trợ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đưa đàn khỉ quý hiếm cư trú ở đảo Hòn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) mà bà Út Chất nuôi như con trong nhiều năm về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai).

Bà lão nuôi đàn khỉ như con

Nhiều người dân địa phương cho biết do việc phát triển công nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất, một đàn khỉ di cư về đảo Hòn Trà (cuối sông Trà Bồng, giáp biển Dung Quất) sinh sống. Hòn đảo rất nhỏ, thức ăn không có nhiều, đàn khỉ liên tục kêu la vì đói.

Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Chất (80 tuổi, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) đi xin trái cây ở chợ mang ra đảo cho đàn khỉ ăn. Qua nhiều năm, đàn khỉ trở nên thân thuộc với bà lão. Chỉ cần nghe giọng bà gọi, chúng từ rừng lập tức xuống mép nước ăn.

Đầu năm 2022, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Bà lão và đàn khỉ hoang” kể chuyện bà Út nuôi, chăm sóc đàn khỉ, xem chúng như con. Sau đó Chi cục Kiểm lâm vào cuộc tìm hiểu và phát hiện đây là đàn khỉ vàng (Macaca Mulatta), thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB).

Dù đàn khỉ sinh sống tốt dưới sự chăm sóc của bà Út, nhưng để lâu dài trên đảo Hòn Trà sẽ không ổn định. Nhất là vào mùa mưa, sóng gió lớn, bà Út không thể chèo thúng ra cho đàn khỉ ăn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch di dời đàn khỉ vàng (Macaca Mulatta) về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh sinh sống và bảo tồn.

Để di chuyển đàn khỉ, các chuyên gia linh trưởng vào cuộc hỗ trợ tập huấn, triển khai kế hoạch bẫy, bắt. Sở cũng thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ di dời đàn khỉ.

Bà Út Chất và đàn khỉ là hình ảnh rất đẹp về tình yêu thương của con người với động vật - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Út Chất và đàn khỉ là hình ảnh rất đẹp về tình yêu thương của con người với động vật – Ảnh: TRẦN MAI

Tiến hành bẫy lồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã bắt được 8 con khỉ đều khỏe mạnh. Sau khi được thả về rừng tự nhiên Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, đàn khỉ đã hòa nhập với môi trường sống, phù hợp với tập tính loài.

Việc đàn khỉ vàng hòa nhập với môi trường mới khiến chính quyền và người dân địa phương rất vui. Đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha, nằm tách biệt giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra biển Sa Cần, cách khu dân cư khoảng 200m. Trên đất là rừng trồng (bạch đàn và keo lai) xen lẫn với các tảng đá được bao phủ bởi dây leo, cây bụi.

Bà Út mừng cho đàn khỉ, buồn cho mình

Bà Út Chất bảo đàn khỉ chuyển đi khiến bà vui bởi từ nay “những đứa con” sẽ có nhà mới rộng lớn để sống lâu dài. Nhưng bà cũng buồn bởi nhiều năm qua, ngày nào bà cũng ra đảo với đàn khỉ. Giờ nhìn ra đảo, bà không còn nghe giọng đàn khỉ.

Người dân địa phương và các tiểu thương ở chợ Bình Đông biết nỗi lòng, thường xuyên động viên bà Út.

Các chuyên gia linh trưởng cho biết theo quy luật tự nhiên, đàn khỉ vàng quý hiếm này sẽ tiếp tục gia tăng số lượng. Đảo Hòn Trà quá nhỏ, thức ăn tự nhiên rất hiếm và chúng sống dựa vào tình yêu thương của bà Út Chất.

Đảo Hòn Trà chỉ rộng 1,5ha, về lâu dài sẽ không tốt cho đàn khỉ. Vì vậy việc di dời chúng về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là phù hợp - Ảnh: TRẦN MAI

Đảo Hòn Trà chỉ rộng 1,5ha, về lâu dài sẽ không tốt cho đàn khỉ. Vì vậy việc di dời chúng về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là phù hợp – Ảnh: TRẦN MAI

Về lâu dài, nguy cơ xung đột thức ăn giữa đàn khỉ và con người sẽ xảy ra. Đó là chưa kể nguy cơ bị săn bắt. Rất may thời gian đàn khỉ sống trên đảo Hòn Trà được người dân yêu thương, bảo vệ nên việc bẫy, bắt trái phép đã không xảy ra.

“Do vậy việc di dời đàn khỉ thả về tự nhiên là hết sức cần thiết, góp phần hạn chế nguy cơ xung đột giữa đàn khỉ và người dân sống quanh đảo; giảm nguy cơ giao phối cận huyết làm mất nguồn gene quý; đảm bảo thực hiện đúng Công ước CITES của Việt Nam”, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi nói.