Con người là chủ thể tham gia, thụ hưởng thành quả của sự phát triển

Từ năm 1986 với việc thông qua Tuyên ngôn về quyền phát triển, Liên hiệp quốc (LHQ) đã chính thức thừa nhận quyền phát triển vừa là quyền của cá nhân, vừa là quyền tập thể (quyền của nhóm, quốc gia, dân tộc).

Và hiện nay, LHQ đang dự thảo Công ước quốc tế về quyền phát triển, hướng tới hiệu lực pháp lý quốc tế bắt buộc đối với các quốc gia thành viên khẳng định quyền phát triển là quyền con người (QCN), trong đó, bao gồm cả quyền của cá nhân và quyền của tập thể. Với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới đang đặt ra yêu cầu cần phải phát huy cao nhất nguồn lực con người, cũng như để con người xã hội chủ nghĩa được thừa hưởng tốt nhất thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển.

Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 ngày 11-10-2022 tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở Niu Óoc, Mỹ. (Ảnh: UN)

Quyền tham gia và quyền thụ hưởng thành quả của phát triển

Lời mở đầu Tuyên bố của LHQ về quyền phát triển năm 1986 thừa nhận rằng, “con người là trung tâm của quá trình phát triển và do đó chính sách phát triển cần phải đưa con người tham gia chính và được thụ hưởng thành quả của sự phát triển”. Trong Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên (năm 1993) tái khẳng định, “bởi con người là chủ thể trung tâm của các quyền và tự do cơ bản nên con người phải là đối tượng được thụ hưởng chính, cũng như phải tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do của mình”.

Thứ nhất, bàn về sự tham gia của con người vào quá trình phát triển. Tuyên ngôn về quyền phát triển năm 1986, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên năm 1993 nhấn mạnh, các chính sách phát triển cần phải đưa con người trở thành người tham gia chính và tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do của con người.

Đó là các chính sách phát triển của quốc gia phải đưa con người trở thành người tham gia chính, có mối liên hệ với cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, chủ thể của các chương trình, chiến lược phát triển, tức phát triển vì con người. Ở khía cạnh này, con người là mục tiêu hướng tới, mục tiêu cần đạt được trong hoạch định các chương trình, chính sách phát triển. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển vì con người, con người không thể thụ động, chờ đợi mà phải tham tích cực vào quá trình phát triển.

Theo chuẩn mực quốc tế, trách nhiệm đầu tiên trong việc thực hiện các QCN trước hết thuộc về nhà nước với 3 cấp độ nghĩa vụ (tôn trọng, bảo vệ và thực hiện), Nhà nước phải có cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện các QCN, để mỗi cá nhân con người đều ý thức được quyền, tích cực, chủ động thực hiện quyền và tự do của mình. Và như vậy, sự tham gia của con người, chính là quyền tham gia mà nội hàm khái niệm quyền tham gia chính là thực hiện các QCN về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đây không chỉ nhằm đạt được mục tiêu lấy con người là trung tâm, là chủ thể mà còn hướng tới sự phát triển toàn diện con người.

Thứ hai, khía cạnh con người là đối tượng thụ hưởng chính thành quả của phát triển. Phát triển đối với cá nhân là sự toàn diện về thể chất, về tinh thần theo các tiêu chí phát triển con người; phát triển đối với quốc gia, dân tộc là một tiến trình toàn diện, với sự hưng thịnh về dân sự, văn hóa, kinh tế, môi trường, chính trị và xã hội mà mục đích hướng tới là cải thiện không ngừng phúc lợi của toàn thể dân chúng và của tất cả các dân tộc cùng sinh sống trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các cá nhân trên cơ sở sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của họ vào phát triển và sự phân bổ công bằng các lợi ích thu được.

Khi con người tham gia tích cực vào quá trình phát triển, vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tổ chức thực hiện hiệu quả, lẽ dĩ nhiên, không ai khác, chính họ phải là người đầu tiên được thụ hưởng thành quả phát triển. Đây là QCN cơ bản – quyền được thụ hưởng thành quả phát triển. Và để bảo đảm thực hiện quyền này, đòi hỏi sự phân phối lợi ích một cách công khai, công bằng dựa trên nguyên tắc xuyên suốt của luật nhân quyền quốc tế, đó là bình đẳng và không phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau.

Vận dụng vào công cuộc phát triển đất nước hiện nay

Quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng thành quả phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, phát triển con người, phát triển kinh tế, xã hội, hướng mục tiêu vì con người, lấy con người là trung tâm, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Thứ nhất, về quan điểm lấy con người là trung tâm, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ QCN, gắn QCN với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Quan điểm này của Đảng hoàn toàn phù hợp cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế. Đồng thời từ cách tiếp cận và xác định con người là trung tâm trong hoạch định chính sách phát triển tại Đại hội XI của Đảng thì đến Đại hội XIII của Đảng, phát triển thêm một bước chủ thể hưởng quyền đó là Nhân dân, “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Thứ hai, về quan điểm con người là chủ thể trung tâm của QCN

Trong Hiến pháp năm 2013, trong tổng số 120 điều, có 36 điều Hiến pháp qui định QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân. Các QCN trong Hiến pháp 2013 cũng chủ yếu là QCN với tư cách là quyền của cá nhân, công dân. Và bên cạnh quyền của cá nhân, có quy định quyền có tính tập thể, quyền của nhóm, như quyền trẻ em, phụ nữ, thanh niên…

Hiện nay, trong dự thảo Công ước của LHQ về quyền phát triển, một trong những nguyên tắc được đưa ra là “Phát triển lấy cá nhân và các dân tộc làm trung tâm: cá nhân và các dân tộc là những chủ thể trung tâm của phát triển và cần phải là những chủ thể tham gia tích cực và thụ hưởng quyền phát triển”. Chính vì vậy, một trong những vấn đề cần làm rõ đó là khi Đảng đề cập con người là trung tâm, cần phải hiểu theo cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế, vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách tập thể/nhóm và tương tự, khi nói về “Nhân dân” cũng cần phải hiểu Nhân dân vừa với tư cách là cá nhân, vừa với tư cách tập thể và nhóm. Và như vậy, QCN là hàm ý quyền cá nhân và cả quyền của nhóm; quyền của Nhân dân, vừa hàm ý quyền của cá nhân và quyền của tập thể, nhưng xuyên suốt đó là quyền của cá nhân như quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Nhận thức rõ vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tiếp cận QCN trong hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, phát triển con người. Đặc biệt là sự vận dụng quan điểm lý luận của Đảng về lấy con người, lấy Nhân dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước.

Thứ ba, về con người tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển

Về quyền tham gia: Quyền tham gia là một trong những quyền dân chủ về chính trị được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyền tham gia của Nhân dân thể hiện trong nhiều Văn kiện của Đảng, với quan điểm là “Bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của Nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện” và thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, đề cao sự tham gia của người dân vào các công việc của Đảng, Nhà nước với quan điểm: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Quan điểm của Đảng về bảo đảm sự tham gia của người dân đã được hiến định và luật định. Điều 28, Hiến pháp năm 2013 quy định: (1) Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; (2) Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định cụ thể về những nội dung nhân dân bàn và quyết định (Chương 2, mục 2 Nhân dân bàn và quyết định; mục 3 Nhân dân tham gia ý kiến).

Về cơ bản, quan điểm của Đảng là phù hợp với cách tiếp cận chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, mới chỉ dừng ở bảo đảm sự tham gia với việc nhà nước tạo điều kiện để người dân tham gia và quy định các hình thức tham gia chủ yếu mới ở cấp cơ sở; chưa chú ý tiếp cận và có quy định về các biện pháp để nâng cao ý thức người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các quyền và tự do của con người, của công dân.

Về quyền thụ hưởng: Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặc dù chưa nêu rõ nội hàm dân thụ hưởng là gì, tuy nhiên quyền được thụ hưởng của người dân lần đầu tiên được qui định tại Điều 7, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 với nội hàm gồm: (i) được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; (ii) được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; (iii) được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển tế – xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc; (iv) được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng và các quy định của Hiến pháp, pháp luật, quyền tham gia và quyền thụ hưởng cần tiếp tục được nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, bảo đảm quyền tham gia thực chất, chủ động của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, chủ động, tích cực tham gia thực hiện các quyền và tự do của con người, của công dân đã được hiến pháp, pháp luật quy định và quyền được thụ hưởng công bằng thành quả của quá trình phát triển, thành quả của công cuộc đổi mới.

Khi con người tham gia tích cực vào quá trình phát triển, vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tổ chức thực hiện hiệu quả, lẽ dĩ nhiên, không ai khác, chính họ phải là người đầu tiên được thụ hưởng thành quả phát triển đó. Và để bảo đảm thực hiện quyền này, đòi hỏi sự phân phối lợi ích một cách công khai, công bằng dựa trên nguyên tắc xuyên suốt của luật nhân quyền quốc tế, đó là bình đẳng và không phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau.

PGS, TS. Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo XDĐ