Chủ động phản bác, siết chặt đội ngũ

 Tin giả trên mạng xã hội đã và đang để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho xã hội. Để có “biệt dược” cho “căn bệnh” này, ngoài những giải pháp mang tính pháp lý và kỹ thuật, việc chủ động thông tin trước các vấn đề dư luận quan tâm, chủ động phản bác thông tin sai lệch; việc siết chặt đội ngũ, đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần được coi là nhiệm vụ then chốt và ưu tiên cao nhất.
Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận là giải pháp quan trọng xử lý tin giả.
Sau khoảng một thập kỷ phát triển, ở góc độ nào đó, mạng xã hội cũng có dấu hiệu đã qua “cơn sốt” và đang tự đánh mất dần vị thế, do chính thông tin giả, không được kiểm chứng gây ra. Cộng đồng lại thèm khát những thông tin “chính thống nhưng phải nhanh” chứ không phải là những “thông tin giải thích tin đồn trên mạng xã hội” từ các cơ quan báo chí.

Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội” được đăng tải gần đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông xã hội rất đáng lưu ý. Đó là phải xác định rõ, truyền thông xã hội là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái…

Do đó, đối với nước ta, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội, thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Cùng với đó, phải xác định dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm…

Gắn quan điểm trên với thực tiễn, chúng ta hẳn sẽ có nhiều trăn trở khi cách đây ít năm, một cuộc khảo sát ý kiến của 279 nhà báo, phóng viên tại 19 tỉnh, thành phố về mức độ phản hồi của cơ quan chức năng với báo chí cho kết quả: 75% không nhận được phản hồi hoặc phản hồi quá chậm theo luật định (30 ngày); trong số phản hồi đúng hạn (25%) thì có đến 78% trả lời chung chung, thiếu cụ thể… Sự chậm trễ, thiếu chủ động trong cung cấp thông tin có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường, gây nghi ngờ trong dư luận, tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Vì thế, hướng đẩy lùi tin giả trên môi trường mạng internet nói chung và trên mạng xã hội nói riêng phải bắt đầu từ việc thật sự coi trọng và quan tâm, hỗ trợ thực chất để các cơ quan báo chí phát huy hết khả năng, vai trò. Cơ quan công quyền các cấp cũng cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Sự “chủ động cung cấp thông tin” cần được hiểu theo hai nghĩa. Trước hết là ở mỗi cơ quan, đơn vị phải có một người phát ngôn đủ kỹ năng, trình độ và tầm trách nhiệm để trả lời mỗi khi nhận được câu hỏi của giới truyền thông về vấn đề dư luận quan tâm; có “kịch bản khung” khi xảy ra khủng hoảng truyền thông. Thứ hai, sự chủ động cung cấp thông tin từ phía Nhà nước trước những vấn đề lớn của đất nước, địa phương, ngành cũng cần làm tốt hơn, thông qua những cuộc họp báo thường kỳ, theo vụ việc. Cùng với đó, cần rà soát việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước… Tạo điều kiện cung cấp thông tin cho nhà báo, các cơ quan báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc nhưng đồng thời cũng cần phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ để phát tán tin giả nói riêng và thông tin sai sự thật nói chung.

Đồng thời, để ngăn chặn nạn tin giả, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên khi dùng mạng xã hội phải đề cao trách nhiệm nêu gương cá nhân trước cộng đồng thông qua việc nhận diện cho được tính hai mặt của nó. Cụ thể là ngoài tuân thủ đúng pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân, khi tiếp nhận những thông tin tiêu cực cần chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để kiểm chứng. Cán bộ, đảng viên cũng cần đi đầu tham gia xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng internet như: Không đăng ảnh trẻ em, hành vi bạo lực… khi không được phép; không chạy theo, chia sẻ (share) cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc; không tham gia bình luận (comment) với những chủ đề mình không hiểu biết hoặc nguồn tin phát trên mạng xã hội từ những tổ chức, cá nhân thiếu sự kiểm chứng.

Ngoài ra, để ngăn chặn, đẩy lùi tin giả trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc. Đây là một giải pháp cần phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để nhân dân, nhất là những người sử dụng internet có bản lĩnh vững vàng, nâng cao khả năng tự quản lý, tự “miễn dịch” trước mọi thông tin sai trái, độc hại phát tán trên mạng xã hội.

Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức nhận thức của nhân dân về vấn đề này, cần tiếp tục gắn chặt chẽ với tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TƯ ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tiếp đến là phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội. Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách thì không thể đạt được mục đích ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc. Vì vậy, phải huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, mà trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vai trò rất quan trọng. Cùng với đó, cần chú trọng việc tổ chức các đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… tạo thành phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa internet lành mạnh, sẵn sàng tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, lệch lạc về chính trị, suy đồi về đạo đức, lối sống ngay từ cơ sở.

Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội ở các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các lực lượng nòng cốt ở các ban, bộ, ngành và địa phương, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả việc ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh việc chủ động cung cấp thông tin chính thống, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh với những thông tin xấu độc, các cơ quan chức năng cần phải tập trung đầu tư và sử dụng biện pháp kỹ thuật, ngoại giao để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ bóc gỡ, vô hiệu hóa đối với các tài khoản phát tán tin giả.

                                                                                                                                     trích nguồn: hanoimoi.com