Chống tham nhũng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Bài viết “Cuộc thập tự chinh đơn độc của Nguyễn Phú Trọng” của David Brown, do Hồ Động Đình dịch đăng trên trang Báo Tiếng Dân, Quyenduocbiet.com ngày 12/3/2023 là những nhận định không đúng về bản chất công cuộc phòng và đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam nói chung, về sự đồng lòng, ủng hộ của toàn Đảng,  toàn dân, toàn quân đối với cuộc đấu tranh đầy gian nan, thử thách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng.

Cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

Một là, những nhận định như “Tổng bí thư Việt Nam chấp nhận hy sinh năng lực để đổi lấy sự trung thành” hay “càng bỏ tù các quan chức sai phạm bao nhiêu thì mọi thứ càng không thay đổi bấy nhiêu” chỉ mang tính suy diễn cá nhân, không đúng sự thật. Cần phải khẳng định rằng công tác cán bộ của Đảng có yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể về mọi mặt đối với từng cấp cán bộ từ 4 chức danh chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết… cho đến cấp tỉnh/thành ủy viên, chi ủy, đảng viên…

Nhắc lại như vậy để thấy rằng, đã là cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì tất yếu phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng; đều phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý…để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dù đó là một cán bộ cấp phòng/ban trong hệ thống chính trị hay là lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không chỉ là lý tưởng, là sự lựa chọn mà còn là bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói riêng. Cho nên, việc đồng chí Võ Văn Thưởng trúng cử chức danh Chủ tịch nước với số phiếu rất cao là bởi chính uy tín về đạo đức và trí tuệ của đồng chí, là đồng chí đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chuẩn về đức và tài, chứ không phải là Việt Nam đang “diễn lại một kịch bản thường thấy trong các chế độ Cộng sản”; đồng thời cũng không phải rằng “mục tiêu của Trọng là trao đảng vào tay những người vững về học thuyết, những tín đồ thật sự ‘đỏ’, những người có thể tin tưởng, để dập tắt những sai lệch của các ‘chuyên gia’ cơ hội” như suy diễn, xuyên tạc.

Hai là, số liệu về những vụ án tham nhũng đã và đang được đưa ra xét xử cùng những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị khai trừ khỏi Đảng, phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của luật pháp như “gần 17.000 vụ án tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã bị truy tố, 175.000 đảng viên Đảng CSVN bị kỷ luật hoặc bị trừng phạt” đã cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những con số này dù “không vui”, song đó là kết quả của một chủ trương đúng, những biện pháp phù hợp để đưa những con sâu mọt đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ra khỏi Đảng/khỏi những vị trí quyền lực mà họ được giao phó nhưng đã lạm dụng/lợi dụng để mưu lợi ích cá nhân cho mình và nhóm lợi ích…

Là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ là “người bỏ cuộc” trên hành trình “nỗ lực làm trong sạch Đảng Cộng sản Việt Nam” khi kiên quyết tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Quyết tâm của Đảng, của Tổng Bí thư không chỉ nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà còn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Thực tế, Tổng Bí thư từng nhiều lần nhấn mạnh rằng phòng và đấu tranh chống tham nhũng bao gồm cả tham nhũng “to” (tham nhũng chính sách…) lẫn tham nhũng vặt (phong bì bôi trơn…) phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, với yêu cầu là cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nói chung, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Làm sai, làm trái, vi phạm Hiến pháp, pháp luật thì là ai, tổ chức nào cũng đều bị xử lý nghiêm khắc. Đó chính là thượng tôn pháp luật, chứ không phải là việc xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là “các vụ bê bối liên quan đến Covid-19 nổ ra ở Việt Nam vào cuối năm 2021” đã tạo cho Tổng Bí thư “một cái cớ để thắt chặt kỷ luật đảng đối với một chính phủ rộng lớn, do các quan chức thường chỉ quan tâm về mặt hình thức đối với hệ tư tưởng”. Việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Đảng và Chính phủ đã được truyền thông Nhà nước đưa tin, cho nên chắc chắn sự miễn nhiệm đó không phải là “bị thanh trừng”, lại càng không phải “là bằng chứng cho thấy Hà Nội đang bám sát Trung Quốc của Tập Cận Bình” như sự ngộ nhận trong nhận định của người viết.

Chắc chắn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Vì rằng, quyết tâm, chủ trương, biện pháp và những định hướng có tính gợi mở về phòng và đấu tranh chống tham nhũng cũng đã được Tổng Bí thư thể hiện sâu sắc trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” xuất bản năm 2023.

Ba là, đồng chí Võ Văn Thưởng trúng cử chức danh Chủ tịch nước là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của toàn Đảng, toàn tân, toàn quân, đồng thời nhận được sự chúc mừng của nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia. Việc “kính nhi viễn chi” để suy diễn, quy chụp việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và bầu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thành công khi cho rằng “có lẽ Trọng sợ rằng, khi Đại hội tiếp theo đến gần, các thành viên trong “phe chính phủ” của Ủy ban Trung ương Đảng CSVN có thể tập hợp xung quanh Phúc” vừa không đúng bản chất vấn đề, vừa là chiêu trò “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất trong tư tưởng và hành động luôn được thấu triệt, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng ở Trung ương và địa phương là không thể phủ nhận, nên luận điệu “tập hợp quanh Phúc” hay “Thưởng là phụ tá thân cận nhất của Trọng, và có lẽ là lựa chọn thích hợp nhất của ông ta với tư cách là người kế vị” và “việc giám sát bộ máy chính phủ được đặt vào tay những người đỏ hơn là giỏi, như Tổng Bí thư Trọng và các cộng sự của ông” khi đồng chí Võ Văn Thưởng đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước cũng chỉ là chiêu trò “tâm lý chiến” của người viết để đám kền kền cơ hội, phản động bám theo, hùa theo.

Hơn nữa, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là kiên định với sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam từ hơn 93 năm trước; là đáp ứng yêu cầu khách quan của tiến trình phát triển nhân loại chứ không phải trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư “sẵn sàng hy sinh một hoặc hai điểm tăng trưởng kinh tế nếu đó là điều cần thiết để bảo đảm rằng, khi Đại hội 14 sẽ được triệu tập chưa đầy ba năm tới, đường lối của Việt Nam được thiết lập bởi một đảng không bị thụt lùi về ý thức hệ”.

Cuối cùng, phải khẳng định rằng: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hay công tác cán bộ đều là những nhiệm vụ quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ đơn độc trong suy nghĩ và hành động để nhằm xây dựng Đảng xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của nhân dân; để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị xứng đáng với vị thế vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Cho nên, những nhận định suy diễn, xuyên tạc và quy chụp trong bài viết này, nhất là việc cho rằng “không có gì chắc chắn rằng, trong cuộc bỏ phiếu kín, họ sẽ bỏ phiếu cho một người hứa hẹn lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng” khi “Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập nhiều phiên họp vào năm 2025 để viết kịch bản cho Đại hội 14” đều là sai sự thật, không phản ánh đúng bản chất vấn đề, nên cần phải nhận diện đúng và bác bỏ. Dù các thế lực thù địch có xuyên tạc như thế nào đi chăng nữa, chắc chắn đất nước Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam (không chỉ riêng mình ai) vẫn sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực nói chung, con người và hành vi tham nhũng nói riêng ra khỏi đời sống xã hội!

Trần Phạm Diệu Tín