Trong một lần đi xe buýt, Nguyễn Văn Thanh tình cờ thấy các bạn tình nguyện viên đi tuyền truyền về hiến máu. Lúc đó, vì tò mò nên anh cũng đăng ký đi hiến máu.
Với tâm niệm “nếu không làm được điều gì to lớn thì hãy bắt đầu bằng việc nhỏ bé để giúp đỡ những người xung quanh,” trong 8 năm tham gia hiến máu tình nguyện, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã có 100 lần hiến máu. Con số khiến không ít người ngưỡng mộ.
Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần hiến máu toàn phần liên tiếp là gần 3 tháng còn hiến tiểu cầu thì sau 21 ngày là có thể hiến tiếp nên chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1996 tham gia cả hai hình thức.
Sau mỗi lần hiến máu, anh được cấp giấy chứng nhận để khi cần truyền máu thì sẽ nhận lại lượng máu miễn phí bằng số lượng máu đã hiến. Mỗi năm anh hiến tiểu cầu khoảng 14-15 lần.
Trước khi đi hiến máu, anh cân đối chế độ ăn như không ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, hạn chế rượu bia, càphê… Anh chủ động sắp xếp công việc cá nhân và đặc biệt luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của vợ.
Thanh chia sẻ, trước đây khi vợ Nguyễn Văn Thanh chưa hiểu về hiến tiểu cầu lại thấy chồng tháng nào cũng đều đặn đi hiến thì rất lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chồng nên cũng có ý phản đối.
Thấy vậy, Thanh giành thời gian giải thích để vợ hiểu và biết thêm về những lợi ích của hiến máu tình nguyện. Thanh cũng kể cho vợ nghe những câu chuyện, hình ảnh xúc động mà anh được nghe và thấy mỗi khi tới hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Từ đó, vợ Thanh thêm hiểu và ủng hộ chồng tham gia hiến máu.
Nếu mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe duy trì hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, thì hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, theo nhóm máu và người bệnh luôn có đủ máu để điều trị, duy trì cuộc sống./.