Phấn đấu có nhiều tài năng lớn

Như các bài trước đã đề cập, chưa bao giờ đất nước ta có lực lượng NNT đông đảo như hiện nay. Đơn cử trong lĩnh vực văn học, hiện cả nước có hơn 1.000 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó là một lực lượng sáng tác đông đảo thuộc hội văn học-nghệ thuật các địa phương và một số lượng lớn người sáng tác tự do. Trong số đó có nhiều cây bút nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến đông đảo công chúng. Hằng năm, số đầu sách về lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, văn học xuất bản ra thị trường lên đến con số hàng nghìn. Số lượng tác giả, tác phẩm rất nhiều, nhưng lại hiếm tác phẩm đỉnh cao. Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đã đánh giá: “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người…”.

Chúng ta đều biết, việc đánh giá tài năng, công trạng của tác giả phải thông qua tác phẩm, công trình sáng tạo. Thiếu vắng những tác phẩm tầm cỡ thời đại, đồng nghĩa chúng ta đang thiếu những tài năng lớn. Đó có thể là những nhân tố chưa xuất hiện, có thể là những tiềm năng chưa được khai mở, phát huy. Để có tác phẩm lớn, phải bắt nguồn từ chăm lo xây dựng, bồi dưỡng để đất nước xuất hiện những tài năng lớn. Với phương châm lấy xây để chống, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi phải có những tác phẩm đỉnh cao trong môi trường văn hóa, văn học, nghệ thuật để thực hiện sứ mệnh định hướng tư tưởng, định hướng thẩm mỹ, bồi đắp lý tưởng của Đảng cho công chúng.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh:TTXVN.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của tác giả, tác phẩm mang tầm thời đại, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của Đảng đặt mục tiêu, giải pháp rất cụ thể: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”… “Phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay…”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh giải pháp: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.

Như vậy, để có nhiều tài năng lớn, không thể trông chờ vào quy luật vận động của thị trường, mà phải có chiến lược ươm mầm, đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, khoa học. Tài năng lớn chỉ có thể xuất hiện ở một nhân cách lớn, đó là người được giáo dục chu đáo về đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo, là người sở hữu nguồn năng lượng nội sinh được chưng cất, thăng hoa từ tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống của tiên tổ, ông cha. Tài năng lớn là sứ giả của văn hóa dân tộc, giữ sứ mệnh tiên phong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ NNT và đời sống xã hội; củng cố, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới…

Xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng và nhân dân

Chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế đã sản sinh ra những tài năng lớn trên lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Sự góp mặt của những doanh nhân, nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng góp phần giúp nền kinh tế đất nước khởi sắc, đóng góp to lớn cho an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.

Quan điểm của Đảng ta rất rõ ràng, đó là đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước hùng cường. Vì vậy, để lĩnh vực văn hóa, tư tưởng có nhiều tài năng lớn, giữ vai trò tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài của Đảng trong lĩnh vực này cần được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống ngay từ cơ sở.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta thấy trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng và Bác Hồ đều rất quan tâm, chăm lo thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhờ đó, trong những giai đoạn khó khăn nhất, đất nước vẫn có một đội ngũ tài năng lớn. Sự đóng góp của họ đã tạo sức mạnh đột biến, đột phá, góp phần giúp chúng ta giành chiến thắng trên các chiến trường, trên các mặt trận, trong đó mặt trận tư tưởng chính trị, văn hóa giữ vai trò là nền tảng.

Những tài năng lớn được sử sách lưu danh, dân tộc tôn vinh như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Văn Cao, Thanh Tịnh… không chỉ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng mà tác phẩm của họ còn mang thông điệp, tư tưởng thời đại, có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan, ý thức hệ của các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý là, trong số nhiều tài năng lớn, có những người từng dao động, ngả nghiêng về tư tưởng, nhưng khi thay đổi ý thức hệ, họ đã một lòng một dạ đi theo Đảng phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Năm 1947, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, để giúp đất nước và lực lượng kháng chiến có được những tài năng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”. Người nghiêm khắc chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức lệch lạc, cực đoan trong thu hút, trọng dụng nhân tài. Người viết: “Rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện”. Học tập, vận dụng phong cách “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là từ những nhiệm kỳ đại hội gần đây, với chủ trương hòa hợp dân tộc, Đảng ta ngày càng coi trọng thu hút nhân tài trong cộng đồng kiều bào. Chỉ tính riêng trong nghệ thuật điện ảnh, nhiều nghệ sĩ Việt kiều trở về nước hoạt động sáng tạo góp phần giúp nghệ thuật thứ bảy khởi sắc, có một số tác phẩm điện ảnh vươn tầm quốc tế. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Tài năng trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật của người Việt Nam không thiếu. Nhưng để có những tài năng lớn, từ đó cho ra đời những tác phẩm mang tầm thời đại, phản ánh sinh động, xứng tầm vóc công cuộc đổi mới vĩ đại của đất nước trong hơn 35 năm qua, đòi hỏi những tài năng ấy phải có một tầm văn hóa, tầm tư tưởng, tầm nhân cách lớn.

Muốn có điều đó, phải bắt đầu từ công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo, trang bị lý luận chính trị vững chắc, bồi dưỡng truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần yêu nước cho đội ngũ NNT là một trong những vấn đề ưu tiên cần làm hiện nay. Đảng ta xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong toàn dân, thì tinh thần ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy cần được thổi bùng lên thành nhu cầu tự thân và khát vọng của những NNT. Tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chủ quản; các tổ chức hội, đoàn, hiệp hội… các cấp với vai trò quản lý, “bà đỡ” của NNT, cần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, xác định rõ phương hướng, kế hoạch, chương trình hành động sát thực, phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng tài năng, đón đợi sự xuất hiện của nhiều tài năng lớn.

Với tinh thần lấy xây để chống, khi NNT ý thức rõ trách nhiệm xã hội, khi tài năng lớn là ngọn cờ tiên phong, chúng ta sẽ củng cố vững chắc ý thức hệ của Đảng trong đội ngũ NNT, tạo bức tường thành tư tưởng chính trị vững chắc, ngăn chặn suy thoái, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

>> Bài 1: Nổi tiếng, tai tiếng và vết trượt suy thoái
>> Bài 2: Người nổi tiếng không thể “nhắm mắt mà đi”
>> Bài 3: Chiến sĩ trên mặt trận mới