Thành tựu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian vừa qua đã khẳng định sự đúng đắn, nhất quán trong chủ trương, quan điểm của Đảng, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Tiếp tục kiên định, kiên trì nguyên tắc tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Có thể thấy thời gian qua, với việc tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII, nội dung Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm” (1). Đại bộ phận các cấp ủy, đảng viên đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình. “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý, coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình” (2). Nhờ đó, đã góp phần khắc phục các khuyết điểm tồn lại kéo dài, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện còn những hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc hoặc thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao” (3). Việc thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thật sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa nhìn nhận đúng khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Có tình trạng, tổ chức đảng, người có nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng; trái lại, người có khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch… Những điểm này ít nhiều đã làm hạn chế chất lượng, hiệu quả thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang đòi hỏi từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây cũng là cơ sở để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần làm trong sạch Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ “để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ,…” (4).
Thấm nhuần bài học đắt giá của việc từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô gắn với yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng cần kiên định nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay, trước hết cần tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải đẩy mạnh giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; thường xuyên giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Mọi tổ chức đảng và đảng viên cần có thái độ đúng đắn, trách nhiệm trước khuyết điểm của mình và của người khác, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình để không dẫn đến vi phạm những khuyết điểm lớn hơn.
Đồng thời, các tổ chức đảng cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Theo đó, cần “thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm” (5); “cấp ủy chủ động gợi ý nội dung để đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ trung ương đến cơ sở” (6). Tổ chức đảng, mọi đảng viên cần thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thực chất; các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình. Qua đó, ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong từng cán bộ, đảng viên hiện nay.
Bên cạnh đó, để phòng, chống các biểu hiện lệch lạc trong sinh hoạt Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa và nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, từng cấp ủy viên phải coi trọng kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình; khuyến khích đấu tranh với những quan điểm và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện thoái hóa, biến chất.
Đặc biệt, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình; phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Qua đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay./.
Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5), (6). Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG – ST, H, 2021, tr.175, 175-176, 179, 236, 241, 236.
Theo ĐCS