“Mỗi quốc gia trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một quốc gia là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của hàng triệu con người. Thế nên, một vài tiếng nói lạc lõng, cố ý xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch nhất định sẽ bị bác bỏ.
Bởi vì, di sản Hồ Chí Minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng của “nền văn hóa tương lai”, được nhân loại tiến bộ trân trọng, tôn vinh”. Đó là nhận định của ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
“Hào kiệt cả Á Âu không đâu có”
Phóng viên (PV): Trong bối cảnh thế giới giữa thập niên 1980 có những diễn biến bất lợi đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phong trào cộng sản quốc tế, việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa chính trị, thưa ông?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tháng 11-1987, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 24, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm (vào năm 1990) Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Với Nghị quyết này, UNESCO đã ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại, đồng thời tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những “nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại”.
Tôi xin nói thêm, vào thời điểm đó, một số nước phương Tây vẫn còn bao vây, cấm vận Việt Nam, các nhóm phản động lưu vong ở hải ngoại thường xuyên tạc về ý nghĩa sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, việc UNESCO thông qua Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh với 100% số phiếu đồng thuận là một sự kiện hiếm có trong đời sống chính trị quốc tế. Điều đó đã khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân loại trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Ý nghĩa hơn, sự kiện này cũng đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc và là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam.
PV: Qua tìm hiểu, giao lưu với nhiều chính khách, nhiều nền văn hóa trên thế giới, ông nhận thấy bạn bè quốc tế đã dành tình cảm, nhìn nhận, đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ những điểm nổi bật gì?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Có thể nói rằng, bạn bè khắp năm châu và nhiều chính khách, học giả trên thế giới luôn dành tình cảm quý trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.
Cách đây 40 năm, sau khi tập hợp ý kiến của 300 nhà khoa học trên thế giới, cuốn từ điển tiểu sử mang tên “Văn hóa thế kỷ XX” (XXth century culture) được Nhà xuất bản Harper and Row (Mỹ) xuất bản năm 1983, trong đó có tiểu sử Hồ Chí Minh. Cuốn từ điển này nhận định: “Hồ Chí Minh là người khởi xướng, giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đường chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á và của thế giới thứ ba”.
Khi nhận tin Bác Hồ từ trần (9-1969), Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã bày tỏ xúc động về Người bằng đôi câu đối: “Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất/ Minh tinh quang nhật nguyệt, Á Âu hào kiệt thị vô song” (Nghĩa là: “Chí khí trải khắp cả non sông; anh hùng xưa đến nay chỉ có một/ Vì sao sáng hơn mặt trời, mặt trăng; hào kiệt cả Á Âu không đâu có”).
Gần đây, trong dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2021), chính trị gia người Chile Pablo Rebolledo, thành viên Diễn đàn Mỹ Latin về nhân quyền (FOLADH) chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh của các dân tộc yêu hòa bình trên thế giới. Người đã đấu tranh vì hòa bình cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu trong lòng người dân Chile”.
Nhiều bạn bè quốc tế có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cảm nhận rõ ở bậc vĩ nhân là một nhà tư tưởng lớn toát lên sự nho nhã, giản dị, tinh tế, nhân hậu của một nhà giáo, nhà thơ, nhà văn hóa lớn, người thấu hiểu sâu sắc và đặt niềm tin vào giá trị chân-thiện-mỹ và bản chất tốt đẹp của con người.
PV: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao văn hóa là tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới. Hồ Chí Minh là biểu tượng rực rỡ nhất của văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Vậy những năm qua, Bộ Ngoại giao đã làm gì để đưa văn hóa Hồ Chí Minh ra với thế giới?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Thời gian qua, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những điểm nhấn quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao nói riêng và của nước ta nói chung. Được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân và chính quyền sở tại, các hoạt động tôn vinh Bác Hồ tại nước ngoài đã được triển khai ở tất cả các châu lục tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nước kiêm nhiệm với nhiều hình thức, quy mô đa dạng, phong phú.
Các hoạt động quan trọng nhằm tôn vinh Hồ Chí Minh có thể kể đến là: 1) Tổ chức mít tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo nhân kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2-9) và các sự kiện quan trọng khác của đất nước; 2) Tôn tạo và xây dựng mới tượng/tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; 3) Xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng tại những nơi Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động; 4) Đặt bia, gắn biển đồng tại những địa danh nơi Bác đã sống, học tập, làm việc và từng đi qua; 5) Đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Hồ Chí Minh; 6) Xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh; 7) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh; 8) Các tác phẩm mang tính sáng tạo văn học nghệ thuật về hình tượng Hồ Chí Minh.
PV: Việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Việc triển khai các hoạt động tôn vinh Bác Hồ ở nước ngoài giúp lan tỏa sâu rộng hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới người dân sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó giúp bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa và con người Việt Nam.
Sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi Người qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được nhân loại tiến bộ tôn vinh, ngợi ca. Đến nay đã có 37 tượng/tượng đài, 13 khu tưởng niệm, 6 trường lớp và 21 đại lộ, đường phố, công viên mang tên Hồ Chí Minh được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các công trình văn hóa này đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Hiện nay, nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã xây dựng các “Góc Việt Nam”, “Không gian Việt Nam-Hồ Chí Minh” ở nước ngoài, trong đó trưng bày, triển lãm thường xuyên và định kỳ nhằm giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.
Thiết thực triển khai “giải pháp tương lai cho nhân loại”
PV: Thưa ông, việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh cũng là một trong những phương thức làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ, công lý trên thế giới thêm hiểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Đúng vậy. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đối ngoại.
Những luận điểm cơ bản về chính sách đối ngoại trong tư tưởng Hồ Chí Minh như độc lập, tự chủ, tự cường trong quan hệ với các nước; hòa bình và hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã và đang là nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, khó lường hiện nay thì những giá trị về tư tưởng, nhân văn mang tính phổ quát, có tính thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hòa bình, giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội, con người; bình đẳng giữa các dân tộc; độc lập tự chủ gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; phát huy những điểm tương đồng, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế ngày càng có sức lôi cuốn và lan tỏa mãnh liệt trên thế giới. Tinh thần đối thoại vì hòa bình và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn hải đăng ngời sáng đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới và được hy vọng là một trong những “giải pháp cho tương lai nhân loại” như đại diện lãnh đạo UNESCO từng nhận định.
Tôi lấy một ví dụ thời sự gần đây. Trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 11-9-2023 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tặng ngài Tổng thống cuốn sách mang tên “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh-Thư gửi nước Mỹ”. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ, từ những học sinh, phụ nữ, người dân tới những nhà báo, sĩ quan, thượng nghị sĩ, ngoại trưởng và tổng thống. Lá thư đầu tiên được viết ngày 18-6-1919 từ Paris với tên Nguyễn Ái Quốc khi Người mới 29 tuổi, gửi ngoại trưởng Mỹ. Bức thư cuối cùng được viết ngày 25-8-1969 gửi Tổng thống Richard Nixon, 8 ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đó là những bức thư đầy tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tổng thống Joe Biden tỏ ra rất ấn tượng về thông điệp từ quà tặng của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng thời thêm một lần hiểu hơn về di sản văn hóa ngoại giao thân thiện, nhân văn, hòa bình của Việt Nam dành cho nước Mỹ từ những thập niên đầu của thế kỷ XX mà chính Hồ Chí Minh là người đặt nền móng.
PV: Để di sản của Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới, đồng thời cũng là để bác bỏ, phủ nhận những tiếng nói lạc lõng về Hồ Chí Minh từ một số thế lực, theo ông, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Để di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới, công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Bác với cộng đồng thế giới cần được triển khai thường xuyên, lâu dài và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của từng địa bàn, phù hợp với từng đối tượng, nhất là giới trẻ, tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông hiện đại để lan tỏa hình ảnh, di sản văn hóa Hồ Chí Minh tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Biểu tượng niềm tin kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, sự xác tín thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực vững chắc nhất để cộng đồng dân tộc ấy tồn tại, phát triển. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của hàng triệu con người. Thế nên, một vài tiếng nói lạc lõng, cố ý xuyên tạc của các thế lực thù địch về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định sẽ bị bác bỏ. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng cao đẹp của Việt Nam, là niềm tin của nhân dân ta mà những di sản Hồ Chí Minh ngày càng chiếm vị trí quan trọng của “nền văn hóa tương lai”, được nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ, trân trọng, tôn vinh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Tập trung giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu của công cuộc đổi mới, các giá trị, tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam… Tăng cường tuyên truyền, tôn vinh, giới thiệu giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các danh nhân Việt Nam được thế giới vinh danh”. (Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”) |
THIÊN VĂN (thực hiện)- hết