Bài 1: Thủ đoạn mới của các thế lực thù địch xuyên tạc “Bộ đội Cụ Hồ”

“Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý, chứa đựng sự trân trọng, quý mến, tin yêu của Nhân dân dành cho Quân đội ta. Gần 80 năm qua, được sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, “Bộ đội Cụ Hồ” đã tỏa sáng trên khắp mọi miền của Tổ quốc và vượt qua biên giới lãnh thổ khi làm nhiệm vụ quốc tế.

Thế nhưng các thế lực thù địch lại hằn học trước những chiến công ấy. Gần đây, chúng liên tục tung ra các chiêu trò mới xuyên tạc về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay.

Không phải bây giờ các thế lực thù địch mới xuyên tạc, bôi đen hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” mà âm mưu thâm độc này của chúng đã có từ lâu, ngay từ khi Quân đội ta mới ra đời. Vài năm trở lại đây, lợi dụng sự phát triển của khoa học- công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng internet, các thế lực thù địch tập trung phát tán các tài liệu rồi kích động trên mạng xã hội, báo chí phản động ở nước ngoài nhằm làm giảm uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội với Nhân dân và lực lượng Công an. Mục tiêu lâu dài của chúng là “phi chính trị hóa quân đội”, “thoát ly sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội”,  “thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng vũ trang”…

Loạt bài viết này sẽ phân tích, vạch trần những  luận điệu xuyên tạc đó và đề xuất các giải pháp để đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Từ chuyện “bé xé ra to”…

Đêm 11/1/2023, trên mạng xã hội xuất hiện clip và thông tin (sau này được kết luận là thông tin thất thiệt) về việc nữ sinh viên HUFLIT đang học chương trình Giáo dục quốc phòng – an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 bị “hiếp dâm” và “nhảy lầu tự tử”. Clip và thông tin thất thiệt này nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà trường, môi trường sư phạm – quân sự và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu 1) diễn tập tình huống đánh máy bay địch xâm phạm vùng trời. (Ảnh: KHƯƠNG DOÃN)

Sự thật ngay sau đó đã được làm rõ. Nguyên nhân xuất phát từ việc một nữ sinh kêu mất tiền, nghi ngờ một bạn cùng phòng lấy. Do có nhiều bạn cùng gặng hỏi nên nữ sinh bị nghi lấy tiền của bạn đã bức xúc, không làm chủ được cảm xúc bản thân, đã la hét, khóc lóc, bộc lộ tâm lý hoảng loạn…

Thời điểm xảy ra mâu thuẫn giữa hai nữ sinh nêu trên, ở phía tòa nhà đối diện, một nữ sinh viên đang làm nhiệm vụ gác, nghe tiếng la hét, đã lấy điện thoại ra quay clip rồi gửi cho nhiều người. Clip bị rơi vào kẻ xấu rồi chuyển tới các đối tượng thù địch. Các đối tượng này đã cắt ghép, tạo dựng thông tin, hình ảnh giả mạo, tung lên mạng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, hạ thấp uy tín của Trường Quân sự Quân khu 7 và Quân đội nhân dân Việt Nam. Một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội ở nước ngoài tiếp tục bóp méo thông tin kèm theo bình luận sai trái, gửi về Việt Nam qua mạng xã hội kích động người dân phản đối môn học Giáo dục quốc phòng an ninh, lên án Quân đội… Chỉ đến khi cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 căn cứ Điều 36, Điều 143, Điều 153, Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính” xảy ra tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7 kèm theo việc nữ sinh quay clip lên tiếng đính chính thông tin trên tài khoản cá nhân, vụ việc rõ ràng trắng đen, những clip nói trên mới dừng chia sẻ.

Như vậy, từ chuyện rất bình thường là một nữ sinh la hét, các thế lực thù địch đã “bổ sung” thêm các tình tiết thành chuyện động trời “nữ sinh bị hiếp dâm nhảy lầu tự tử”.

Thực tế thời gian qua đã có không ít “chuyện bé xé ra to” như vụ nữ sinh đang hoc tại Trường Quân sự Quân khu 7.

… Đến chuyện “biến không, thành có”

Tháng 6/2021, mạng xã hội xôn xao trước vụ việc quân nhân Trần Đức Đô (sinh năm 2002, quê quán: Bắc Ninh) tử vong tại Trường Quân sự Quân khu 1. Khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân tử vong, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đã lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để livestream, đăng tải các bài viết, hình ảnh về khám nghiệm tử thi, cảnh tang thương của gia đình quân nhân Trần Đức Đô, kèm theo những bình luận phê phán về mối đoàn kết, bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã “biến không thành có” như bịa đặt thông tin cho rằng “chỉ huy đơn vị đã thông tin sai lệch cái chết của quân nhân Đô “do xung đột, đánh nhau với đồng đội”, “thực chất Đô chết do bị đại đội trưởng và đồng đội đánh đập dã man…”, “Quân đội đã bao che cho cấp dưới”; “Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo bịt truyền thông, ngăn cản người dân tố giác tội ác của Quân đội lên mạng xã hội” … từ đó chúng quy chụp “Quân đội không có tình người, đánh đập, giết hại tàn nhẫn nhau”, “ma cũ bắt nạt ma mới”… Các thế lực thù địch còn kích động người dân không tin, không theo Đảng, Quân đội, không cho con em mình gia nhập Quân đội.

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn kêu gọi người dân “biểu tình minh oan cho Trần Đức Đô”. Tối 28/6/2021, đã có hơn 50 người không phải người thân của gia đình quân nhân Trần Đức Đô đến gia đình em Đô kích động người thân của Đô đưa thi thể em về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh để khám nghiệm tử thi, tìm nguyên nhân tử vong. Một số đối tượng còn tụ tập bên ngoài phát livestream cho rằng “Quân nhân Đô bị đồng đội đánh chết, đơn vị bao che”, kêu gọi người dân “giúp gia đình minh oan, đòi lại công bằng”. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, khi thi thể quân nhân Đô được đưa về gia đình làm lễ mai táng thì có hơn 200 người lạ, tiếp tục tụ tập về nhà quân nhân Đô, tổ chức livestream chửi bới, nhục mạ Quân đội, yêu cầu chính quyền điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của Đô, không cho đơn vị làm lễ mai táng cho Đô,…

Trước sự minh bạch của pháp luật, sự quan tâm, chia sẻ, động viên tích cực, kịp thời từ Quân khu 1 và địa phương, gia đình quân nhân Trần Đức Đô đã tin tưởng vào pháp luật, tổ chức mai táng cho Đô tại nghĩa trang quê nhà. Tuy nhiên, đối lập với sự đồng thuận của gia đình và địa phương thì “nhóm người lạ” với hơn 400 người đã đến quấy phá, ngăn cản đơn vị, gia đình, địa phương mai táng quân nhân Trần Đức Đô.

Rõ ràng bản chất, diễn biến, kết quả của vụ việc đã bị các phần tử cơ hội, phản động bóp méo, bịa đặt, suy diễn cảm tính, thiếu căn cứ để đánh lừa dư luận, kích động sự phẫn nộ trong quần chúng Nhân dân, lái dư luận có cái nhìn ác cảm về  môi trường Quân đội.

Những âm mưu đằng sau thủ đoạn xuyên tạc

Vụ việc xảy ra ở trường Quân sự Quân khu 7 và vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong cùng với một số vụ việc đã được các thế lực thù địch “quan tâm”, xuyên tạc “biến không thành có”, “biến nhỏ thành to” với mưu đồ thâm độc là bôi đen bản chất của quân đội. Mục đích cuối cùng cua chúng là gây chia rẽ Quân đội với Nhân dân, làm người dân không muốn cho con, em mình gia nhập Quân đội, không muốn học môn Giáo dục quốc phòng – an ninh và nếu không ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khi các đối tượng phản động kích động người dân biểu tình, chống phá tại các doanh trại Quân đội.

Ngay từ khi mới ra đời, quân đội ta đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc về bản chất, chức năng, nhiệm vụ.  Gần đây, mưu đồ này được chúng thực hiện bằng những thủ đoạn mới, thâm độc, xảo quyệt hơn trước thông qua mạng xã hội với rất “kỹ xảo” biến không thành có. Trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook… xuất hiện một số hình ảnh, lời nói chứa đựng thông tin xuyên tạc, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân trong quân đội. Chúng dựng chuyện như thật về “bão”, về “đấu đá nội bộ” trong Bộ Quốc phòng. Vẫn sử dụng chiến thuật “gắp lửa bỏ tay người”, nhưng chúng lại “diễn thuyết” qua giọng điệu như moi tin của “người trong cuộc” rồi “cắt dán” “đổi trắng thay đen”… Mục đích chúng hướng tới là làm mất uy tín đội ngũ cán bộ, gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết đồng chí, đồng đội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Bộ đội Cụ Hồ. Điều đáng nói là chúng đã sử dụng phần mềm, chỉnh sửa, cắt cúp, gán ghép hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao và nguyên lãnh đạo cấp cao của quân đội làm hình ảnh nền, sắp xếp, trình bày theo ý đồ rồi đọc những lời bình xuyên tạc. Chiêu bài này thực chất là kiểu ngụy tạo chứng cứ để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Những cái mà chúng gọi là “tin mật”, “nguồn tin riêng”, “nguồn tin đáng tin cậy”, “tin từ nội bộ”… mà các thế lực thù địch, phần tử phản động rêu rao, thực chất là mớ thông tin ngụy tạo, nhảm nhí, không đúng sự thật nhằm mục đích giật gân, câu view… Số lượng các sản phẩm truyền thông độc hại này xuất hiện với tần suất lớn, lan truyền trên mạng xã hội khá nhanh gây bức xúc dư luận. Nhiều người dùng mạng xã hội, nhất là cán bộ trong quân đội, cựu chiến binh, học sinh sinh viên, cán bộ trong các cơ quan Nhà nước… đã lên tiếng đấu tranh, bác bỏ các luận điệu sai trái này ngay trong phần bình luận của các bài viết, hoặc trực diện đấu tranh trên các diễn đàn của mạng xã hội do phát hiện được sự xuyên tạc, những vô lý khi trích dẫn thông tin, ví dụ như gọi sai họ, tên, chức vụ của cán bộ; những chuyện bịa đặt…

Thời gian qua, một số cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao của quân đội đã vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật bị xử lý, truy tố. Việc xử lý cán bộ vi phạm nói như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là để cho Đảng ta mạnh thêm, trong sạch thêm. Các cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam, trong đó có những cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng đã thông tin công khai, minh bạch vấn đề này và toàn quân đã nghiêm túc rút kinh nghiệm. Lợi dụng vấn đề đó, một số đối tượng thù địch lại xuyên tạc, bôi đen tình hình nội bộ quân đội, công kích, phá hoại mối quan hệ đoàn kết đồng chí, đồng đội, bóp méo truyền thống văn hóa Bộ đội Cụ Hồ; hạ thấp uy tín của quân đội trong tình hình mới.

Toàn quân đã duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng. Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến; phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh trật tự trên phạm vi cả nước. Tổ chức chặt chẽ, hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ – Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

(Còn nữa)

Theo báo ĐCS