Đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay

Khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Đây cũng là vùng có quan hệ dân tộc phức tạp, nhạy cảm mà các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam.

ÂM MƯU, THỦ ĐOÀN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) với tổng diện tích 54.472km2, dân số hơn 5,8 triệu người, là một trong 4 vùng dân tộc – tôn giáo đặc thù của cả nước. Tây Nguyên hiện có 54 dân tộc cùng sinh sống, gồm các tộc người tại chỗ và các tộc người từ nơi khác di cư đến, với tổng hơn 2,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 37,6% dân số toàn vùng(1). Quá trình cộng cư đa dạng của các DTTS vừa tạo nên những nét đẹp phong phú cho nền văn hóa, vừa mang lại nhiều giá trị đặc trưng cho khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong sự giao lưu văn hóa đó, khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất ổn cho vùng Tây Nguyên(2). Những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch được biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tìm cách thành lập các tổ chức bất hợp pháp mới để quy tụ lực lượng và kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, ly khai trong vùng đồng bào DTTS.

Đây chính là sự tiếp nối các âm mưu, thủ đoạn đã thất bại ở các năm 2001, 2004, 2008 trong việc thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập”, “Nhà nước tự trị” hay “Tin lành Đề-ga”, những năm gần đây, các thế lực thù địch tiến hành thành lập những tổ chức phản động mới, đặc biệt là Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam và Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên:

Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam được Y-Hin Ni-ê(3) nhen nhóm thành lập từ tháng 5/2017. Để hỗ trợ cho các hoạt động ở trong nước, một “Ban điều hành” đã được dựng lên gồm Hội trưởng là Y-Jôl B-krông, con trai Y-Hin Ni-ê và các thành viên A-Đảo, A-Ga, A H-lum, A H-mưk, A-Trung, A-Xã, A Vi-ei, Y-Huy, A-Đoàn, A H-luih, A-Chang, Y-Bét,… Sau khi bị lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên phát hiện, xử lý (đầu năm 2018), các thành viên đã sử dụng nhiều chiêu trò mới để vực dậy tổ chức này. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Y-jôl B-krông (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), các thành viên của Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam dựa vào các hệ phái Tin lành Việt Nam đã được Nhà nước công nhận để công khai các hoạt động. Y-jôl B-krông cùng các thành viên tích cực thu thập thông tin về dân tộc, tôn giáo trong nước, sau đó gửi ra nước ngoài với nội dung xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Kể từ tháng 5/2017 đến cuối năm 2018, tổ chức bất hợp pháp này đã gây dựng 27 điểm nhóm tại 5 tỉnh (Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, Lâm Đồng, Trà Vinh) với gần 700 tín đồ(4).

Tháng 9/2019, A-Ga, một thành viên trụ cột của Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam vận động thêm các thành viên lập nên một tổ chức bất hợp pháp mới. Đến tháng 9-2020, tổ chức này xuất hiện với tên gọi Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên do A-Ga tự phong là người đại diện, đồng thời chỉ định “Ban đại diện lâm thời” gồm 5 thành viên do A Đảo là “Giáo hội trưởng”. Chủ đích của tổ chức này tương tự như “Tin lành Đề-ga” là kích động tư tưởng ly khai, tự trị để thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người DTTS. A-Ga và A-Đảo tích cực quy tụ tín đồ là đồng bào các DTTS tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo có vẻ thuần túy như hát thánh ca, cầu nguyện, chia sẻ kinh thánh;… đồng thời, liên kết với các phần tử phản động trong và ngoài nước để huy động nguồn lực phục vụ cho các hoạt động chống phá. Từ tháng 9/2020 đến nay, Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên đã phát triển được một số tín đồ tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Phú Yên(5).

Thứ hai, lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tăng cường các hoạt động chống phá trong vùng đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên.

Nhằm hỗ trợ cho việc tiếp cận các vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên từ bên ngoài, các thế lực thù địch lợi dụng sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội, như tiktok, facebook, instagram, twitter, wechat, youtube,… để lập ra nhiều “diễn đàn” khác nhau đa dạng về mặt hình thức, có diễn đàn công khai đối lập với đường lối của Đảng và Nhà nước; có diễn đàn lại ẩn dưới danh nghĩa bảo vệ quyền “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” cho đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên; có diễn đàn chuyên đăng tải các thông tin sai lệch ở Tây Nguyên để chống phá chính quyền. Tinh vi hơn, các thế lực thù địch còn lập nên một số diễn đàn ngầm chống đối chính quyền, ngoài các tin tức chung về giáo lý, sinh hoạt đức tin, còn có chuyên mục “tự do tôn giáo” chuyên cung cấp các video, hình ảnh xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên để vu cáo chính quyền.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn theo sát từng biến động nhỏ nhất ở khu vực Tây Nguyên. Các tin tức “nóng” trong xã hội, nhất là những hiện tượng tiêu cực được khai thác theo hướng phục vụ cho các toan tính của chúng. Đặc biệt, đối với những sự kiện tâm điểm gây được sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế thì các thế lực thù địch thường lập hẳn chuyên mục riêng chuyên về tôn giáo, tín ngưỡng, DTTS ở Tây Nguyên,… Mới đây, các thế lực thù địch còn lập thêm chuyên mục nhằm đăng tải các thông tin dưới dạng “đơn thư”, “tâm thư” kiến nghị, ý kiến “đóng góp” của các đối tượng – thực chất là chuyển tải “ý kiến” của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị kích động khiếu kiện của đồng bào các DTTS để kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp.

Các thế lực thù địch ở Tây Nguyên còn lợi dụng không gian mạng hòng củng cố, tăng cường mối liên hệ giữa các tổ chức trái phép, cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên cho các đối tượng chống đối bên ngoài. Những năm gần đây, các đối tượng còn sử dụng hình thức “trực tuyến” để tổ chức các cuộc họp, đào tạo nhân sự, lôi kéo đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên tham gia vào các hoạt động chống phá. Điển hình như “Tin lành đấng Cờ-rít” thông qua các trang mạng xã hội đã quy tụ được 400 tín đồ sinh hoạt tại 15 điểm nhóm (Đắk Lắk, Trà Vinh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum).

Thứ ba, tăng cường tạo dựng “niềm tin” trong vùng đồng bào DTTS.

Thủ đoạn này của các thế lực thù địch hướng tới hai mục tiêu cơ bản: 1) Xác lập chỗ đứng, quy tụ lực lượng tham gia; 2) Tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào để che chắn và phát triển các hoạt động chống phá. Thời gian qua, chúng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để gây được sự chú ý và “tin tưởng” từ phía đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Ngoài các chiêu trò gây ảnh hưởng của đức tin tôn giáo, các đối tượng còn mưu toan khoét sâu, thổi phồng những khó khăn trong đời sống thường nhật của đồng bào, cố gắng xúc tiến các hoạt động như đẩy mạnh nhiều chương trình “thiện nguyện”, “ủng hộ” tài chính, vật nuôi, cây trồng hoặc cắt cử người vào trong các buôn làng để “giúp đỡ” đồng bào. Mặt khác, chúng tích cực quảng bá vai trò của các tổ chức, thế lực cầm đầu trong việc “giúp đỡ” đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế,… Sau khi gây dựng được “hình ảnh”, các thế lực thù địch tiến tới xây dựng cơ sở, phát tán tài liệu, truyền bá các tư tưởng chống phá. Từ việc lừa bịp, lôi kéo được một số đồng bào DTTS ở Đắk Lắk, từ năm 2017 đến 2021, chúng mở rộng phạm vi hoạt động đến hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí lan xuống các tỉnh như Phú Yên, Trà Vinh. Cũng thông qua các chương trình “tài trợ”, các thế lực thù địch đã tuyên truyền “hình ảnh đẹp” của những miền đất hứa. Từ đó, chúng kêu gọi đồng bào các DTTS vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan, thậm chí làm đơn xin tị nạn đến các quốc gia phương Tây, gây nên tình trạng vượt biên trái phép của đồng bào các DTTS, đặc biệt là các khu vực giáp ranh biên giới ở Kon Tum, Đắk Lắk.

Thứ tư, tăng cường âm mưu hoạt động ly gián, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc xuyên tạc, bóp méo thông tin.

Trước tiên, các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bóp méo các vấn đề lịch sử liên quan đến quá trình tụ cư, văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào các DTTS. Từ trong lịch sử, hình thức tụ cư truyền thống của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên chủ yếu là các buôn, làng và một số ít vùng liên làng của người Ê-Đê, Ja-rai và Xơ-Đăng. Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này để phục dựng lại hình tượng “vua nước”, “vua lửa”, “vương quốc của người Xơ-Đăng” xưa kia. Chức năng, vai trò của các vị “vua” không giống như trước, mà đã được các đối tượng chuyển từ “thần quyền” sang thế quyền. Bên cạnh đó, chúng tăng cường đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” để kích động đồng bào các DTTS đấu tranh đòi lại cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ”. Để hậu thuẫn cho âm mưu thâm độc này, các thế lực thù địch đã lợi dụng một số điều khoản trong bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 13/9/2007.

Các đối tượng cũng bỏ kinh phí để tổ chức các cuộc “tọa đàm”, “hội thảo quốc tế” về nguồn gốc tộc người. Các thế lực thù địch đã đặt hàng cho các nhà nghiên cứu những vấn đề có thể lợi dụng, nhất là về tâm lý tộc người, vấn đề quyền năng của “Vua nước”, “Vua lửa” và “Vương quốc Xơ-Đăng” ở Tây Nguyên,… Thông qua các “hoạt động khoa học” này, các thế lực thù địch tăng cường thu thập thông tin, tìm kiếm chứng cứ để khơi gợi, kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ly khai tự trị ở một số tộc người(6).

Tiếp đến, chúng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm gây nên tâm lý bất mãn trong đồng bào các DTTS. Một số luận điệu khá phổ biến được các thế lực thù địch sử dụng ở khu vực Tây Nguyên là: “Chính quyền cưỡng chế đất đai canh tác, khống chế kinh tế, giáo dục thiếu tính bình đẳng giữa miền xuôi và miền núi; Nhà nước hạn chế vấn đề bảo tồn, truyền bá văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào các DTTS”(!?),… Đặc biệt, chúng còn vu cáo chính quyền đàn áp “Người Thượng”, rêu rao nhiều DTTS “đang bị tước đoạt quyền làm người” hòng kích động tinh thần “đấu tranh”, “phản kháng” của đồng bào chống lại chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn tung ra các luận điệu nhằm tạo nên tâm lý thù hằn, mâu thuẫn giữa các DTTS, giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Thậm chí, chúng còn dùng tiền để mua chuộc một số cán bộ thoái hóa, biến chất, thổi phồng một số khuyết điểm, yếu kém trong hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm làm suy giảm niềm tin, gây sự nghi ngờ trong đồng bào, đẩy tới các hoạt động khiếu kiện, chống đối…

Thứ năm, thổi phồng các vấn đề DTTS nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các thế lực bên ngoài.

Các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước luôn triệt để lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hóa, quốc tế hóa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền nhằm gây mất ổn định xã hội, tạo sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo; vu cáo chính quyền “ức hiếp”, “xua đuổi” người dân tộc thiểu số khi họ vượt biên trái phép. Đặc biệt, trong những năm gần đây chúng còn tổ chức nhiều phiên điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố xuyên tạc tình hình thực tế, vu khống chính quyền Việt Nam bắt giam, ngược đãi những người “bất đồng chính kiến”, các “chức sắc” và “tín đồ tôn giáo”, ngăn cấm “quyền tự do ngôn luận”, “trao đổi thông tin”,…

Để tranh thủ sự ủng hộ của một số chính khách trong chính quyền một số nước phương Tây, Y-Hin Ni-ê xuyên tạc chính quyền Việt Nam đang bắt giữ 50 mục sư, trên 400 tín đồ và điều này đã làm cho hàng nghìn trẻ em rơi vào tình trạng thiếu cha cùng khoảng một nghìn người vợ mất tích chồng (!?); rêu rao luận điệu do theo đạo Công giáo nên học sinh đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp bị từ chối việc làm (!?),… Tương tự, với sự giúp sức của các phần tử phản động lưu vong, mục sư Nguyễn Công Chính cùng tổ chức “Hội đồng Dân tộc bản xứ tại Việt Nam ngày nay”, đã liên kết với Nghị sĩ Ha-lây và Tét-Bút để gửi lên Hạ viện Mỹ bản Nghị quyết H. Res 435. Nội dung chính là ghi nhận những đóng góp của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền, tôn giáo, vi phạm dân chủ. Các nhân vật này đã kêu gọi các nghị sĩ Mỹ ủng hộ để nghị quyết sớm thông qua. Đồng thời, cũng kêu gọi Nhà Trắng bảo lãnh cho một số “tù nhân chính trị” (?!) được sang định cư ở Mỹ…

Ngoài những vấn đề trên, các thế lực thù địch còn sử dụng nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc khác, như tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong vùng đồng bào các DTTS; cài cắm người vào hệ thống chính trị các cấp để chống phá; thông qua các tổ chức bất hợp pháp phát huy các hình thức dân chủ giả hiệu để đánh lừa dư luận,…

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

Để phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn để hỗ trợ cho quá trình đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên.

Hiện nay, hệ thống cơ sở lý luận, thực tiễn hỗ trợ cho quá trình đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc đã được định hình ở nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng đa dạng, tinh vi với nhiều chiêu trò mới. Do đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm xây dựng, trang bị hệ thống cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để hỗ trợ cho quá trình đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung.

Về lý luận, cần tập trung nghiên cứu và làm rõ hơn nữa các vấn đề: 1) Nguồn gốc, quá trình hình thành, đặc điểm, địa vực cư trú của các tộc người ở Tây Nguyên; 2) Tâm lý tộc người, ý thức dân tộc trong mối quan hệ với an ninh, chủ quyền quốc gia; 3) Các biểu hiện của chủ nghĩa ly khai, tự trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột dân tộc; 4) Vấn đề “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong mối tương quan với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay.

 

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 giúp đồng bào bản Plei Heg (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chuyển nhà. (Ảnh: Tư liệu)

Về thực tiễn, cần tiến hành các chủ trương sau: 1) Làm rõ giá trị thực tiễn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào các DTTS; tính ưu việt trong quan điểm, chủ trương và  chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước so với các quốc gia trên thế giới; những vấn đề đặt ra trong xây dựng cộng đồng quốc gia, dân tộc Việt Nam thống nhất; 2) Những thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng – an ninh của đồng bào các DTTS trong tiến trình lịch sử; tầm quan trọng của các nguồn lực trong vùng đồng bào các DTTS đối với quá trình đổi mới đất nước; 3) Luật tục, thiết chế buôn làng truyền thống của các DTTS và những vấn đề đặt ra trong xây dựng, thực thi pháp luật Việt Nam hiện nay; 4) Vấn đề định canh, định cư, xây dựng cộng đồng buôn làng trong vùng đồng bào các DTTS hiện nay; 5) Tệ nạn xã hội, di cư tự do, vượt biên trái phép và những tác động đến phát triển bền vững các tộc người; 6) Không gian sinh tồn, sinh kế tộc người trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế… Mặt khác, cũng phải làm rõ những vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá hiện nay ở Tây Nguyên, như: Lịch sử, nguồn gốc tộc người, quan hệ giữa các dân tộc, giữa dân tộc và tôn giáo; quá trình hoạch định, thực thi chính sách dân tộc gắn với những hạn chế, bất cập của hệ thống chính trị. Đồng thời, nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm, cách thức hoạt động của các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước,…

Việc làm rõ các vấn đề nêu trên, một mặt, sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan chức năng trong việc khẳng định với dư luận trong nước và quốc tế về tính đúng đắn, hợp pháp, hợp hiến khi thực thi các chính sách dân tộc ở Tây Nguyên; mặt khác, tạo cơ sở vững chắc để tấn công trực diện vào các âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ở khu vực Tây Nguyên hiện nay.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên.

Tính đến cuối năm 2020, có 118 chính sách đang được triển khai ở vùng đồng bào DTTS, trong đó, 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng DTTS, còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này(7). Có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tích cực cho đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Do đó, vấn đề không chỉ nằm ở việc Đảng, Nhà nước quan tâm đến đời sống đồng bào, mà còn ở việc phát huy khả năng, giá trị thực tế của các chính sách vào trong vùng DTTS. Đây chính là cơ sở quan trọng để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quá trình thực thi chính sách dân tộc, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần chú trọng những điểm cơ bản sau: 1) Cần bám sát trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc để áp dụng các chính sách phù hợp; 2) Nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, chuẩn bị của mỗi dân tộc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho đồng bào trong thực thi, vận hành chính sách; 3) Cần phân loại cụ thể các chính sách để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách; 4) Xây dựng lộ trình, kế hoạch và các yêu cầu cụ thể đối với từng chính sách để tiện theo dõi, đánh giá hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương; 5) Phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vai trò là người hướng dẫn đồng bào thực thi, áp dụng các chính sách vào trong đời sống; 6) Trong quá trình thực thi chính sách dân tộc, cần bảo đảm tính bình đẳng về quyền thụ hưởng giữa các dân tộc, giữa các địa phương; tránh việc tuyệt đối hóa tính đặc thù của một khu vực, một đối tượng nhất định; đồng thời, tránh áp dụng chính sách chung chung, thiếu cụ thể.

Thứ ba, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm giúp đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Dựa trên nền tảng phát triển của các phương tiện truyền thông, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần cung cấp đầy đủ, kịp thời cho đồng bào DTTS hiểu biết về các âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá, kích động của các thế lực thù địch; tăng thời lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, các nhân sĩ, trí thức là người DTTS và các chức sắc, chức việc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chủ động phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các phần tử phản động thành lập các tổ chức trái phép hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp đồng bào DTTS phục vụ cho mục đích chính trị, làm phương hại đến an ninh con người và an ninh quốc gia, nhất là đấu tranh ngăn chặn việc các hoạt động bất hợp pháp lợi dụng tôn giáo, từng bước xóa bỏ “Tin lành Đề-ga”. Kiên quyết xử lý những đối tượng cầm đầu, có biện pháp theo dõi, khống chế những đối tượng ngoan cố; tạo điều kiện hoạt động cho những cơ sở tín ngưỡng phù hợp với nguyện vọng tâm linh, truyền thống, bản sắc của đồng bào và đúng với quy định xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục ở cơ sở, địa bàn; lưu giữ chứng cứ pháp lý để đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, vu cáo rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”. Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; không làm trái, làm sai gây dư luận bất bình trong nhân dân để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại.

Thứ tư, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần vừa bảo đảm các quyền lợi, lợi ích chính đáng cho đồng bào, vừa bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Trước mắt, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề đất đai, nhà ở, đẩy nhanh tiến độ giao đất, khoán rừng, tổ chức lại sản xuất cho đồng bào các DTTS, tạo việc làm ổn định, giúp đồng bào an cư lạc nghiệp. Tận dụng tối đa mọi nguồn lực, phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có để phát triển nền kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc. Khi có xung đột về lợi ích giữa các dân tộc, giữa các bộ phận trong cộng đồng các dân tộc, cần giải quyết theo tinh thần hòa giải; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Cùng với đó, cần phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của đồng bào các DTTS; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, đồng tâm hiệp lực của đồng bào trong cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn.

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)

 

Thứ năm, phát huy vai trò tiên phong của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá, lợi dụng vấn đề DTTS của các thế lực thù địch.

Hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp quản lý gần gũi nhất với đời sống thường nhật của đồng bào các DTTS. Cấp quản lý này sẽ dễ theo sát những di biến động cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi muốn xâm nhập vào vùng đồng bào DTTS. Do đó, việc phát huy vai trò tiên phong của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa ngăn chặn được từ xa, từ sớm âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, vừa hạn chế tối đa những hậu quả khó lường do các thế lực thù địch gây nên. Để phát huy vai trò, khả năng đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào các DTTS; thường xuyên theo sát cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào trong thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở ở vùng đồng bào DTTS, nhất là ở những địa bàn trọng điểm,… Cán bộ công tác ở vùng DTTS phải biết ngôn ngữ địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Tích cực đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS theo phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” phù hợp với đặc thù từng dân tộc(8)./.

PGS. TS. ĐOÀN TRIỆU LONG
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III

__________________________

(1) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở tại thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, Nxb. Thống kê, H, 2019, tr.54.

(2) Hội đồng Lý luận Trung ương: Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.26.

(3) Y-Hin Ni-ê là Mục sư Tin lành, người dân tộc Ê-đê, nguyên là “Đại tá, Bộ trưởng Ngoại giao Phun-rô III”, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ.

(4) Thanh Liêm: Xuất hiện tổ chức phản động đội lốt tôn giáo ở Tây Nguyên, https://vtc.vn/, ngày  22/9/2021.

(5) Sông Thương: Lật tẩy bộ mặt của tổ chức phản động “Tin lành đấng Christ”, Báo Công an nhân dân online, ngày 24/9/2021.

(6) Nguyễn Văn Minh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nước ta và bước đầu xây dựng hệ thống thông tin phản bác, Trang Thông tin điện tử Viện Hàn lâm KHXH Việt Namngày 16/6/2022.

(7) Nguyễn Thị Thu Thanh: Chính sách dân tộc của Việt Nam qua 35 năm đổi mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 3/4/2021.

(8) Trần Quang Phương: Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây bạo loạn, ly khai ở Tây Nguyên, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 8/7/2019.