Bác bỏ những luận điệu phản động về Tây Nguyên và người Thượng

Những suy diễn, nhận định không khách quan, không đúng bản chất vấn đề về Tây Nguyên và người Thượng của các thế lực thù địch là nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai.

Nhân sự kiện 2 nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023, mạng xã hội xuất hiện không ít những bài viết nhân danh tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Tây Nguyên là “bị ngăn cách với thế giới”, “bị cô lập”, bị “chính quyền áp đặt văn hóa và mị dân”. Đồng thời, bôi đen sự thật khi cho rằng người Thượng bị “o ép”, bị “ngăn cản” cấm không được ra nước ngoài, bị “cấm không được theo đạo Tin Lành”, bị “người Kinh cướp đất” nên bức xúc “tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ”’… Song sự thật thì “đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung” như đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên, tổ chức ngày 7/7/2023 vừa qua.

 TÂY NGUYÊN KHÔNG BAO GIỜ BỊ CÔ LẬP MÀ NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là một vùng lãnh thổ đặc thù của Tổ quốc – nơi bên chân dãy Trường Sơn đại ngàn, đồng bào các dân tộc thiểu số anh em đã tạo dựng lên vùng đất Tây Nguyên kiêu hãnh, hào hùng. Trong hàng ngàn năm kiến tạo, người dân Tây Nguyên bao đời phải chống chọi với gian nan, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn bạo, coi thường của kẻ thù. Không cam chịu đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu, trong cảnh bị đối xử kỳ thị, bất công của chính sách ngu dân, chia để trị nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, đồng bào Tây Nguyên nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đất nước đứng lên, kề vai sát cánh chiến đấu chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước.

Vì thế, Tây Nguyên không bao giờ bị “ngăn cách với thế giới”. Bởi, trước năm 1975, dân số Tây Nguyên chưa đến 1 triệu người, nhưng hiện nay do nhiều đợt di dân, nên đã có hơn 5 triệu người (tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua). Theo Tổng cục Thống kê, địa bàn Tây Nguyên hiện có đủ 54 dân tộc anh em cùng sinh sống và là vùng có đông thành phần dân tộc nhất Việt Nam/nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ – dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống (đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ còn chiếm 26,58%, đồng bào Kinh chiếm 64,69%, các dân tộc nơi khác đến chiếm 8,73%). Thực tế cho thấy, những dòng người di cư từ khắp nơi đã không chỉ mang đến Tây Nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, mà còn mang đến vùng đất này những lối sống, những bản sắc văn hóa vùng miền khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng, sinh động về lối sống, văn hóa, tôn giáo…; trong đó, đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50. 000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên (đa số người Hmông di cư là tín đồ theo Đạo Tin lành).

Một Tây Nguyên suốt chiều dài lịch sử luôn là một phần “máu thịt” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; từng đồng cam cộng khổ và kiên cường đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của triều đình nhà Nguyễn, chống lại sự thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để được giải phóng, để thống nhất trong lòng Tổ quốc chắc chắn không bao giờ bị “ngăn cách với thế giới” như các thế lực thù địch bịa đặt. Một Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, giữ một vị trí trong yếu trong quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia luôn là “miền đất hứa” mà các thế lực muốn xâm chiếm Đông Dương, đe dọa sự tồn vong của Việt Nam, Lào, Campuchia và châu Á nhòm ngó. Và thực tế là, mặc dù các thế lực thù địch liên tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kỳ thị sắc tộc để gây ra cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng  2/2001, tháng 4/2004 và gần đây là cuộc tấn công trụ sở công an xã trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023), hòng làm cho Tây Nguyên bất ổn, để từ đó xuyên tạc sự thật tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng đất này; nhất là bôi đen vấn đề thực thi nhân quyền và tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, song có thể khẳng định rằng: Tây Nguyên không chỉ ổn định mà còn tiếp tục phát triển.

Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên”, hệ thống chính trị các cấp ở Tây Nguyên đã không chỉ tập trung giải quyết những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách, mang tính đột phá như đất đai, nhà ở, việc làm, nước sinh hoạt, xóa đói nghèo, y tế… cho bà con các dân tộc thiểu số, mà còn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em. Cùng với đó, việc huy động mọi nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông như hệ đường bộ toàn vùng kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Hệ thống giao thông liên cửa khẩu nối liền Tây Nguyên với Campuchia và Lào, qua các cửa khẩu quốc tế ĐĐắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Đường hàng không phát triển với ba sân bay Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku; đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua các tỉnh vùng Tây Nguyên… đã không chỉ tạo điều kiện để các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được thông thương thuận tiện, mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân vùng Tây Nguyên.

Thực tế, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên đều tăng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Cụ thể, “giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng bình quân của vùng Tây Nguyên đạt 6,55%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng/người, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, thuế trợ cấp sản phẩm năm 2020 tương ứng là 33,51%; 21%, 40,83% và 14,66%”(1). Vì thế mà, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã ngày càng chuyển biến tích cực, khởi sắc; cuộc sống du canh, du cư, ốm đau bệnh tật được khắc phục dần; đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng… Cũng vì thế, Tây Nguyên không phải “là vùng đất gần như đóng cửa với thế giới” mà là kết nối để phát triển bền vững. Bởi, đánh giá đúng vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm lãnh đạo, chăm lo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên sau hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) đã để lại hậu quả nặng nề, mà còn đặc biệt quan tâm phát triển vùng đất này trên tinh thần làm tốt kinh tế, xã hội sẽ góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội; và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế-xã hội như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 23).

Quan điểm “phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước” và “xây dựng và phát triển Tây Nguyên kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại” đã, đang được triển khai. Đó chính là, phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới; phát triển hạ tầng y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Đó là thực hiện các chính sách để nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên gắn liền với việc duy trì, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu đặc trưng của vùng và di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số… với dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 là khoảng 7-8%.

Các con số “cơ cấu kinh tế năm 2025: nông nghiệp 29,6%; công nghiệp – xây dựng 25,4%; dịch vụ 40,4%; thuế sản phẩm 4,6%. GRDP bình quân/người đến năm 2025 khoảng 85 triệu đồng. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng đô thị, công nghệ thông tin; chú ý phát triển giao thông kết nối các cảng biển miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tập trung đầu tư phát triển các công trình thủy lợi lớn, kênh dẫn kết nối, các hồ chứa nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất; tăng cường phối hợp và liên kết vùng, xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả nhằm khai thác được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, của vùng”(2) … đã cho thấy: Mọi quyết sách liên quan đến Tây Nguyên là nhằm để chuyển khu vực Tây Nguyên từ trạng thái “ổn định để phát triển” sang “phát triển để ổn định” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 23 ngày 20/11/2022. Vì thế, luận điệu Tây Nguyên bị “cô lập”, bị “đóng cửa”, bị “ngăn cách” đều là không khách quan; là xuyên tạc sự thật.

NGƯỜI THƯỢNG VÀ ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC ĐỀU CÙNG CHUNG SỨC XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC

Người Thượng là danh từ gọi chung những nhóm sắc tộc bản địa sinh sống tại vùng Tây Nguyên, dãy Trường Sơn, vùng Đông Nam Bộ và một phần lãnh thổ của Campuchia và Lào. Người Thượng (Bahnar, Sedang, Hré, Mnong, Stieng thuộc ngữ hệ Môn Khmer/Nam Á và Djarai, Rhadé, Raglai thuộc ngữ hệ Malayo Polynésien/Nam Ðảo) cũng là con dân của dân tộc Việt Nam; từng chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như bảo vệ vùng đất mà họ cư trú. Tuy nhiên, vì vị thế địa chính trị đặc biệt của những vùng đất nơi sinh trú của người Thượng có tầm quan trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững của Việt Nam, Lào, Campuchia và khu vực, cho nên, người Thượng luôn là “đối tượng” mà các thế lực xâm lược, thù địch muốn lợi dụng, lôi kéo, kích động, thống trị, bóc lột… Thực tế, dưới thời Pháp thuộc, đồng bào Thượng ở Tây Nguyên cũng như các dân tộc anh em khác chỉ là những nô lệ, quanh năm suốt tháng làm thuê, làm mướn, sống cuộc đời tăm tối. Đến thời Mỹ – ngụy xâm chiếm thì cùng với việc thực hiện chính sách ngu dân, chia để trị, gây mâu thuẫn, nghi kỵ, chém giết giữa các dân tộc, người dân Tây Nguyên không chỉ bị đối xử bất bình đẳng mà các phong tục, tập quán bị kỳ thị và bản sắc văn hóa cũng bị xóa nhòa…

Chỉ đến khi có Đảng lãnh đạo, đi theo Đảng cùng đồng bào các dân tộc anh em đoàn kết tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì đồng bào Thượng ở Tây Nguyên mới thoát khỏi kiếp lầm than đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân biệt nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa”(3) và “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(4) …

Đặc biệt, khẳng định vị thế của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Thượng nói riêng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và nêu rõ trách nhiệm của đồng bào cả nước trước họa ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta”(5). Vì thế, tất cả dân tộc anh em phải đoàn kết chặt chẽ để “giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta” và “chúng ta phải yêu thương nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”(6).

Có thể khẳng định rằng, đánh giá đúng vị trí, vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Thượng/người Thượng nói riêng trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là động lực để đồng bào Thượng ở Tây Nguyên tin tưởng vào Đảng và Chính phủ cũng như thủy chung, son sắt đi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết với đồng bào cả nước để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc trường chinh đầy gian khổ, hy sinh dài 30 năm (1945-1975), đồng bào các dân tộc Tây Nguyên/đồng bào Thượng đã không chỉ phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất để kề vai, sát cánh cùng đồng bào Kinh xây dựng, bảo vệ căn cứ cách mạng, anh dũng chiến đấu chống kẻ thù chung, mà còn làm rạng rỡ mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với những tên tuổi của các anh hùng Đinh Núp, dân tộc Ba Na; Kpă Klơng, Kpă Ó, dân tộc JRai; Y Buông, A Tranh, dân tộc Xơ Đăng; A Mét, dân tộc Giẻ Triêng; N’Trang Lơng, dân tộc M’Nông; với những vị cách mạng tiêu biểu sau này như Y Ngông Niê Kđăm; Y Bih Alêô, dân tộc Ê Đê; Nay Đer, dân tộc JRai; Bi Năng Tắc, dân tộc Raglai; Điểu Ong, dân tộc Xtiêng…

Mấy thập niên phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của những người con núi rừng, cùng đồng bào cả nước kiên cường đấu tranh vì một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, “quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(7) và “đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch”(8) để xây dựng, bảo vệ vùng đất Tây Nguyên và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Suốt dòng lịch sử, Tây Nguyên luôn là mạch nguồn truyền thống anh hùng, keo sơn gắn bó trong tình anh em, nghĩa đồng bào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và luôn một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp nối truyền thống của những N’Trang Lơng, Ama Jhao, N’Trang Gưh, Đinh Núp, A Sanh, Bi Năng Tắc, K’Đen… đồng bào các dân tộc Bahnar, Sedang, Hré, Mnong, Stieng, Djarai, Rhadé, Raglai,v.v.. sinh sống lâu đời ở vùng Tây Nguyên cùng đồng bào Kinh và các dân tộc thiểu số khác tiếp tục trọn niềm tin vào Đảng, vững bước dưới sự lãnh đạo của Đảng để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận là, ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Tây Nguyên chính là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lựa chọn để thực hiện “diễn biến hòa bình” và người Thượng chính là “đối tượng” để các phần tử phản động, cơ hội, thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động. Song, kiên trung với Đảng và không phụ lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ nếm mật, nằm gai cùng cả nước trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, viết nên những trang sử chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng, mà còn tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng, bảo vệ và phát triển Tây Nguyên bền vững trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có của mình để cùng đồng bào cả nước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vì thế, mọi luận điệu cho rằng “người Thượng bị tước đoạt đất đai, bị ép từ bỏ đạo Tin Lành”, bị người Kinh “thượng đẳng o ép”, bị “ngăn cản khi muốn sang định cư ở nước ngoài”; “chính quyền bắt đầu truy quét các nhà thờ Tin Lành ở Tây Nguyên” và “các cuộc biểu tình rầm rộ của người Thượng chính là nhằm để đòi tự do tôn giáo và được trả lại đất đai” hay Đảng Cộng sản Việt Nam “luôn đi ngược lại chính sách đại đoàn kết dân tộc” và “giờ đây lại còn đổ vấy trách nhiệm về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin là do các thế lực thù địch” đều không phải là sự thật, đều là phản động. Đồng thời, những chiêu trò, thủ đoạn lợi dụng, núp bóng nhân quyền, tôn giáo, lợi dụng những vấn đề lịch sử để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và đòi thành lập “Nhà nước Đềga độc lập” ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch đều là nhằm mục đích chia rẽ người dân tộc thiểu số với người Kinh; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Ở Việt Nam, không có chuyện Tây Nguyên và người Thượng bị “đóng cửa với thế giới”, bị “đàn áp”, mà chỉ có một sự thật là nếu nhân danh tôn giáo, nhân quyền để hoạt động gây rối, vi phạm pháp luật thì tất yếu sẽ bị xử lý nghiêm minh./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Ths. Nguyễn Tuấn Dũng

(1) (2) Dự kiến kế hoạch năm 2021, 2021 – 2025 và những kết quả năm 2020 vùng Tây Nguyên thế nào?, Tạp chí Kinh tế và Dự báo online, ngày 27/8/2020

(3) (4) (5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.130, 249, 249, 249.

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.520, 521.

Theo Tạp chí Tuyên giáo