Nhiều năm nay, thầy giáo Vỹ rong ruổi khắp bản làng vùng cao, kêu gọi kinh phí xây hàng chục cây cầu treo, làm giếng nước cho học sinh và giáo viên sử dụng.
Đối với thầy Nguyễn Trần Vỹ (45 tuổi, phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My), không niềm vui nào bằng khi nhìn cảnh học sinh và dân làng bon bon trên chiếc cầu treo, thầy cô và học trò được sử dụng nguồn nước sạch ở mỗi công trình giếng nước mà mình đã bỏ công kêu gọi kinh phí thực hiện.
Thầy giáo xin tiền xây hơn 30 cây cầu treo dân sinh
Thầy Vỹ kể rằng hơn 20 năm sinh sống và dạy học ở vùng cao Nam Trà My, nhiều lúc ở các bản làng, điểm trường lẻ đến mùa mưa bão, học sinh vắng học, không thể đến điểm trường bởi nước lũ cuồn cuộn đổ về cuốn phăng cây cầu.
Bởi vậy từ năm 2017, thầy Vỹ đã lên Facebook kêu gọi, xin kinh phí từ các nhóm thiện nguyện và nhà hảo tâm để làm những cây cầu treo đầu tiên.
“Mình đến các điểm cầu bị xuống cấp, hư hỏng, lũ cuốn trôi rồi lập dự toán sẵn. Khi xin được nguồn tài trợ thì mình cung cấp ngay dự toán cho họ liền, không phải mất thời gian khảo sát gì nữa, vì vậy việc làm cầu sẽ nhanh hơn. Sau đó vạch ra lộ trình ưu tiên, cầu nào học sinh đi nhiều hơn, người dân qua lại với tần suất cao sẽ ưu tiên làm trước” – thầy giáo kể.
Những công trình cầu treo mà thầy đã kêu gọi xây dựng thấp nhất là 90 triệu đồng, cao nhất 180 triệu đồng. Khi có nguồn vốn hỗ trợ, thầy làm việc với chính quyền xã, thôn nơi địa điểm làm cầu. Rồi kêu gọi dân làng cùng chung tay cõng vật liệu, cùng làm cầu.
Những cây cầu treo được xây dựng khá công phu, được bọc lưới thép hai bên để bà con đi lại cho an toàn. “Bà con cùng làm với thợ, dù vất vả nhưng họ cảm nhận được giá trị của cây cầu và chung tay gìn giữ” – thầy Vỹ nói.
Thầy kể những cây cầu đầu tiên được xây dựng chưa hình dung làm như thế nào, chỉ dựa vào cây rừng, nhưng sau này rút kinh nghiệm thầy khảo sát, chọn vị trí phù hợp, làm mố trụ riêng không phụ thuộc vào cây rừng, vì vậy cầu treo sẽ kiên cố hơn. Giờ đây cầu treo được nhóm thầy kêu gọi làm với hai hình thức là đi bộ hoặc đi xe máy, tùy vào dân cư và kinh phí xin được.
Đến giờ đã có 31 công trình cầu treo dân sinh ở nhiều bản làng vùng cao Nam Trà My được xây dựng bằng tâm huyết của người thầy này. Hiện thầy đang thương thảo với các đoàn thiện nguyện, cố gắng đến hết năm 2025 làm sao xóa hết cầu tạm ở các điểm trường vùng cao.
“Cảm giác thấy tụi nhỏ học trò và bà con dân làng bon bon đi trên cây cầu vừa xây dựng xong an toàn trong mùa lũ thật hạnh phúc” – thầy Vỹ chia sẻ.
Làm giếng khoan nước ở điểm trường
Tại các điểm trường vùng cao, thầy giáo, cô giáo và học sinh thường sử dụng nguồn nước tự chảy ở những khe suối để sinh hoạt, nấu nướng. Trong những lần khảo sát làm trường, xây cầu treo ở bản làng, thầy Vỹ chứng kiến cảnh thầy cô giáo sử dụng nguồn nước không ổn định, mùa mưa thì đục ngầu, nắng bị kiệt khô.
Những khó khăn ấy bủa vây giáo viên, học sinh vùng cao khiến thầy ray rứt và nảy sinh ý tưởng kêu gọi kinh phí làm công trình giếng khoan nước cho các điểm trường. “Nghĩ là mình làm liền, cách đây bốn năm một công trình giếng nước được mình kêu gọi thực hiện ở một điểm trường” – thầy nhớ lại.
Cũng như xây dựng cầu treo, thầy cũng làm dự toán, khảo sát các điểm trường bức thiết về nước sinh hoạt. Thầy lên Facebook kêu gọi các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí. Khi có nguồn rồi thì nhóm của thầy thuê thợ đến khoan giếng.
“Không phải chỗ nào khoan cũng có nước, có điểm trường phải khoan nhiều lần, nhiều nơi mới có nguồn nước” – thầy Vỹ kể.
Những ngày này, thầy Vỹ cùng nhóm của mình đang thực hiện công trình giếng khoan ở điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, THCS Long Túc, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Đến nay, thầy đã làm được 16 công trình giếng nước cho các điểm trường, kinh phí mỗi cái hơn 50 triệu đồng.