Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đển năm 2030. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu Quảng Ninh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã có 16/20 mục tiêu hoàn thành/đạt yêu cầu đề ra (đạt 80%), 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025 (chiếm 20%). Bám sát quan điểm, định hướng lớn, các quyết định, đề án, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi sổ toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.
Xác định rõ chuyển đổi nhận thức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đóng vai trò quyết định đến tốc độ, chất lượng và hiệu quả trong chuyển đổi số, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn thể CBCCVC và người dân, cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi sổ toàn diện để tạo lập niềm tin cũng như tăng cường các giải pháp về an toàn, an ninh mạng, hình thành văn hóa số được các đơn vị tăng cường triển khai. Nổi bật, Trung tâm Truyền thông tỉnh, 7 tháng năm 2024, đã tuyên truyền trên kênh truyền hình QTV1, QTV3 của tỉnh trên 80 tin, bài, ảnh, video clip; 20 chuyên đề về Đề án 06 và chuyển đổi số (15 phút/chuyên đề); trên kênh phát thanh QNR1, QNR2 của tỉnh trên 90 tin bài, 15 chuyên đề (15 phút/chuyên đề); 40 chuyên mục “Chuyển đổi số cùng giáo sư biết tuốt” (5 phút/ chuyên mục); đăng tải hàng trăm tin, bài viết về chuyển đổi số trên báo in, báo điện tử. Hội Nông dân tỉnh đã thành lập nhân rộng và ra mắt 5 mô hình câu lạc bộ nông dân với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân với 375 hội viên tham gia. Đồng thời, hỗ trợ trên 5.000 hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, trong đó ít nhất 1.500 tài khoản có phát sinh giao dịch…
Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tạo hiệu quả đột phá về chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực: Y tế, giáo dục, du lịch, công nghiệp, an sinh xã hội, tổ chức cán bộ, hải quan, tài nguyên môi trường…; triển khai 11 mô hình đã đăng ký với Tổ công tác Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh, Sở Y tế đẩy mạnh việc triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ và nền tảng hỗ trợ tư vấn khám bệnh từ xa. Sở chỉ đạo nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế; phối hợp Trung tâm thông tin y tế Quốc gia triển khai và tiếp nhận tài khoản quản trị nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế (https://app.vtelehealth.gov.vn). Tính đến ngày 10/7/2024, theo ghi nhận hệ thống phần mềm Vtelehealth của Bộ Y tế, toàn tỉnh có 28.586 người dân cài đặt ứng dụng, 24.593 tài khoản được tạo và có 655 phiên hỗ trợ tư vấn sức khỏe qua ứng dụng; duy trì thực hiện triển khai các giải pháp hỗ trợ, nhóm hỗ trợ chuyên môn, tư vấn khám và điều trị từ xa giúp cho cơ sở y tế tuyến dưới; kết nối với 11 bệnh viện Trung ương để thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đơn vị tiếp tục ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản trị nhà trường trong dạy và học, đẩy mạnh sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến, số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng học liệu số… Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu Quảng Ninh phấn đấu là địa phương trong tốp đầu chuẩn hóa học bạ điện tử, học bạ số; số hóa và quản lý thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chương trình đào tạo gắn với người học.
Việc phát triển mạnh mẽ nền tảng số, xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan, tổ chức, phát triển hạ tầng dữ liệu, phát triển dữ liệu; bảo đảm duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu… cũng là những khâu đột phá các cơ quan, đơn vị hiện đang đẩy mạnh triển khai thực hiện. Điển hình, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, từ đầu năm đến nay đã tổng hợp bản đồ nền GIS và chuẩn hóa GIS để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu các giá trị di sản, tài nguyên du lịch, môi trường vịnh Hạ Long, bổ sung hệ thống thông tin về hệ sinh thái hồ nước mặn trên vịnh, thu thập video 360o các điểm tham quan trên vịnh. Kho bạc Nhà nước tỉnh tích cực thực hiện việc cung cấp cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước, giúp liên thông chứng từ, hồ sơ chi ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp trong nhập liệu…
Chuyển đổi số đang tạo đột phá cho sự phát triển, các cơ quan, đơn vị, địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Baoquangninh