Không để các luận điệu xuyên tạc làm ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thông qua nhiều âm mưu nham hiểm nhằm xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Sự nham hiểm của những luận điệu xuyên tạc

Biển là không gian chiến lược mở, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đường lối, chiến lược và tương lai phát triển của đất nước. Biển Đông là “bản lề” nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là nơi hội tụ lợi ích chiến lược và thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là các nước lớn. Về mặt tiềm năng phát triển, Biển Đông có nhiều lợi thế. Nơi đây đã và đang trở thành tâm điểm của sự cạnh tranh lợi ích, quyền lực và tầm ảnh hưởng của các nước lớn, được các chuyên gia quân sự ví như vùng “chảo lửa” trên bàn cờ chính trị của khu vực với nhiều diễn biến phức tạp, nhạy cảm.

Lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khai thác triệt để, biến tấu thành nhiều bài viết, hình ảnh, video nhằm bịa đặt tình hình, bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; lợi dụng các trang mạng xã hội để lan truyền, tán phát thông tin, gây tâm lý hoang mang, bất ổn, chia rẽ đoàn kết trong nước và quốc tế.

Với những nội dung xuyên tạc xảo trá, họ thường lặp đi lặp lại luận điệu cũ rích rằng: “Cộng sản Việt Nam làm ngơ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông”; Đảng, Nhà nước Việt Nam im lặng vì đã thỏa hiệp với nước lớn, không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình Biển Đông, không có giải pháp đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Những thông tin xuyên tạc này ít nhiều đã tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng, tình cảm, niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì đấu tranh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển, đảo quốc gia. Sinh thời, khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế-xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”. Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.

 

Không để các luận điệu xuyên tạc làm ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Ngư dân lao động trên vùng biển Phú Yên. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG 

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng không thể tách rời, bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc nói chung, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn và lợi ích quốc gia-dân tộc trên các vùng biển, đảo nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quá trình hoạch định và triển khai thực hiện đường lối bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại và tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phát triển kinh tế biển gắn với quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia bằng biện pháp hòa bình

Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, trong đó chủ quyền biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, về biện pháp tiến hành, cần phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong các tình huống cụ thể với mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc. Quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quốc gia theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là rất rõ ràng và hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Với những vấn đề còn tồn tại bất đồng, tranh chấp, Việt Nam nhất quán giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã tham gia ký kết UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp và nguyên tắc quan hệ quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, quốc tế.

Trên thực tế, trong những thời điểm mà quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông bị đe dọa, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trên các diễn đàn quốc tế, khu vực thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi đoàn các cấp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao; chủ động kiềm chế, không có các hành động khiêu khích, không làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thể hiện thiện chí để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Xây dựng hệ thống các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, tranh chấp với các bên, các nước có liên quan, như biện pháp ngoại giao (đàm phán hòa bình; thương lượng; điều tra; trung gian hòa giải; sử dụng các tổ chức quốc tế, khu vực; ký kết các hiệp định song phương, đa phương…).

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để xử lý các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển; duy trì quan hệ hữu nghị với các bên, các nước. Kiên trì mục tiêu không để nước ngoài lấn chiếm nhưng cũng không để xảy ra xung đột; kiên trì tìm kiếm giải pháp lâu dài và yêu cầu các bên liên quan không có những hành động quá khích, cực đoan, làm phức tạp thêm tình hình, tuân thủ các cam kết đã ký kết, giải quyết mọi bất đồng trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và nguyên tắc chung sống hòa bình. Coi trọng thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác; đẩy mạnh hợp tác đa phương trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, nghiên cứu khoa học-công nghệ, phòng, chống tội phạm trên biển… để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Một mặt, Việt Nam không tạo phe, không kết nhóm, không chọn bên, không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam nhằm tấn công các nước khác, không đi theo nước này để chống lại nước kia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, chúng ta cũng không mơ hồ, mất cảnh giác, né tránh, nhân nhượng vô nguyên tắc, không thụ động, không dựa dẫm, không trông chờ ỷ lại; không mắc mưu lôi kéo, kích động, khiêu khích của bất cứ thế lực nào; chỉ chọn theo chân lý, đứng về lẽ phải, dựa trên luật pháp quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.

Nhằm quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, thực hiện phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù”, tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của các bên liên quan cùng các nước trong khu vực và trên thế giới để hạn chế những bất đồng, khắc phục sự khác biệt, triệt để khai thác các nhân tố có lợi từ bên ngoài tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Tập trung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển (hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển) vững mạnh; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng chính trị-tinh thần vững chắc.

Tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản lý, bảo vệ biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, pháp lý, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Những quan điểm nêu trên là đường lối chính trị, căn cứ pháp lý để xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nước, quốc tế, tạo thành nền tảng và sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng thời là cơ sở để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; để dư luận quốc tế hiểu rõ về lập trường, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trong tình hình hiện nay.

Đại tá, ThS TRẦN ĐỨC TIẾN, Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị