Không thể xuyên tạc, chia rẽ về bức tranh muôn màu và sinh động ở Việt Nam

Các trải nghiệm về quê hương của những người con sống xa Tổ quốc và cả người đã trở về cho thấy một bức tranh muôn màu, sinh động ở Việt Nam mà theo cảm nhận của họ là “ngỡ ngàng và đầy thú vị”.

Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, các thế lực thù địch, chống phá lại tìm cách bôi nhọ hình ảnh Việt Nam bằng những thông tin xuyên tạc, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, các trải nghiệm về quê hương của những người con sống xa Tổ quốc và cả người đã trở về cho thấy một bức tranh muôn màu, sinh động ở Việt Nam mà theo cảm nhận của họ là “ngỡ ngàng và đầy thú vị”.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với những người Việt Nam như vậy: Nhà báo Minh Giang-người sáng lập kênh Trực diện TV trên YouTube, hiện sinh sống tại quận Cam (California, Mỹ) và nhà báo Etcetera Trường Nguyễn – người sáng lập kênh Vietnam Today trên YouTube, đã từ Mỹ trở về sống hẳn tại Việt Nam.

Kỳ 1: Không gì bằng trở về và tận mắt chứng kiến

Phóng viên (PV): Ông cho biết lần về Việt Nam gần đây nhất là khi nào?

Nhà báo Minh Giang: Tôi về Việt Nam lần gần đây nhất là vào năm 2022, khi Việt Nam vừa mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Thật sự bất ngờ khi tôi không phải xếp hàng quá lâu để làm các thủ tục xét nghiệm ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất như lo lắng ban đầu.

Tôi còn được những người bạn từ Mỹ đã về nước trước đó mời tham gia chuyến đi tới Điện Biên, Lai Châu… để trải nghiệm Việt Nam rõ hơn thay vì chỉ ở thành phố. Họ muốn cho tôi thấy những thay đổi trong nước vì tôi cũng ít có dịp trở về. Nhưng tiếc là lần đó gia hạn vé máy bay chỉ được một tuần nên tôi chưa kịp thực hiện chuyến đi. Tôi đã tự nhủ nhất định sẽ sớm trở lại và dự kiến sẽ về vào tháng 6 này.

Nhiều tuyến đường Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ mừng ngày lễ lớn của non sông đất nước. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Ở thời điểm dịch hoành hành trong nước, từ Mỹ, tôi đã thực hiện nhiều video clip trên Trực diện TV về tình hình chống dịch ở Việt Nam, trong đó đề cập những ghi nhận của thế giới về thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch cùng sự ủng hộ của người dân đối với các biện pháp tích cực mà chính quyền đưa ra… Thời điểm đó tôi cũng nghe được một số ý kiến có tính chất tiêu cực, thiếu thiện chí về nỗ lực chống dịch và hỗ trợ người dân của Chính phủ Việt Nam “để không ai bị bỏ lại phía sau”…

PV: Những thông tin kiểu như vậy về Việt Nam được cộng đồng người Việt ở Mỹ đón nhận như thế nào?

Nhà báo Minh Giang: Ở thời đại 4.0 hiện nay, có thể khẳng định việc thiếu thông tin hay “mù” thông tin không còn nghiêm trọng như trước đây. Mọi người có thể dễ dàng tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau để biết về tình hình trong nước. Nhưng thực tế là những phần tử cực đoan chống phá trong nước, một số phần tử núp bóng các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí vẫn cố tình xuyên tạc sự thật, bịa đặt thông tin về Việt Nam, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để bôi nhọ chính quyền trong nước, làm ảnh hưởng tới một bộ phận bà con còn mang tư tưởng định kiến, chưa một lần trở về Việt Nam.

PV: Giữa nhiều luồng thông tin hết sức đa dạng như hiện nay, những người hành nghề báo chí tự do như ông đã lựa chọn cách thức hoạt động như thế nào để đạt hiệu quả?

Nhà báo Minh Giang: Thực sự tôi không dám nhận mình là nhà báo. Đó chỉ là cách gọi của nhiều người vì những gì tôi đang làm trên kênh Trực diện TV. Đây chỉ là những luận bàn, chia sẻ về các vấn đề từ góc độ cá nhân của tôi sau khi được tiếp cận các nguồn thông tin tin cậy hoặc những trải nghiệm thực tế. Đáng mừng là có những video clip tôi thực hiện đã thu hút vài chục nghìn lượt xem.

Qua đó có thể thấy việc thông tin về tình hình trong nước cho cộng đồng bà con ở nước ngoài nói chung, không chỉ riêng ở Mỹ, là rất cần thiết. Tôi chủ yếu đề cập tới những vấn đề trong nước hoặc những vấn đề liên quan tới Việt Nam được dư luận bà con người Việt ở nước ngoài quan tâm. Sống ở quận Cam nên tôi rất hiểu bà con người Việt ở đây cần những thông tin như thế nào. Tôi may mắn có những người bạn đã nhiều lần trở lại Việt Nam hoặc về ở hẳn trong nước chia sẻ nhiều thông tin thực tế nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm không gì bằng trực tiếp trở về và tận mắt chứng kiến.

PV: Những thông tin như vậy đã giúp gì cho ông trong công việc hiện nay với tư cách người sáng lập kênh Trực diện TV?

Nhà báo Minh Giang: Mới đây, tôi có làm video về việc Mỹ công bố Báo cáo nhân quyền năm 2022, trong đó có đề cập tới Việt Nam. Sống nhiều năm ở Mỹ, tôi có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, báo cáo này vẫn thường sử dụng những thông tin từ các nguồn không chính xác. Những thông tin trong đó thường được lấy của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân quyền do người Mỹ gốc Việt thành lập tại Mỹ, nên mang tính thù hằn, thiên lệch ngay từ ban đầu.

Bất cứ vấn đề gì được chia sẻ trên Trực diện TV, tôi cũng thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tôi được biết, ngay sau khi báo cáo trên được công bố, một loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Có thể thấy, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đã ở mức độ sâu với làn sóng đầu tư ngày càng lớn từ Mỹ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam như vậy, chắc chắn họ đã phải nghiên cứu rất kỹ. Họ nhìn vào hệ sinh thái của Việt Nam, về pháp luật, hành lang pháp lý, vấn đề bảo vệ an toàn đồng vốn, khả năng sinh lợi vì chính trị Việt Nam có sự ổn định, nền kinh tế phát triển theo định hướng thị trường và tuân thủ theo luật trên “sân chơi” thương mại thế giới.

Các tập đoàn Mỹ mong muốn làm ăn với Việt Nam là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tự nâng cấp trở thành một đất nước tự do kinh tế hơn, chỉ số minh bạch tăng cao, từ đó thu hút các nhà đầu tư chính từ nội lực thực chất chứ không phải bằng sự đánh bóng hay trang trí gì.

PV: Vậy theo ông, những thông tin bất lợi về Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ Việt Nam-Mỹ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như hiện nay?

Nhà báo Minh Giang: Qua việc các nhà đầu tư Mỹ tìm tới Việt Nam và quan hệ đôi bên vẫn phát triển tốt đẹp như hiện nay, có thể thấy những thông tin tiêu cực về Việt Nam đã không gây cản trở nhiều. Những chiêu bài chống Việt Nam theo kiểu lật đổ chính quyền không cản được quan hệ Việt Nam-Mỹ đang trên đà phát triển.

Do đó, các nhóm dân cử hay vuốt ve lòng thù hận của những nhóm người còn giữ thái độ cực đoan, quá khích về Việt Nam để kiếm phiếu quay sang hô hào đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Những vụ án bình thường ở Việt Nam cũng bị họ khuếch đại và nhìn ở góc độ rất tiêu cực để phán xét, nâng cao quan điểm một cách cố tình nhằm gây chú ý và được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào báo cáo. Các chiêu trò này chỉ mang tính thời điểm, được sử dụng trong thời gian cần lá phiếu bầu.

Các chiêu trò không có gì mới này cũng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ tài chính để gây quỹ của các nhóm chống đối để tiếp tục thực hiện các âm mưu chống phá Việt Nam. Vì những lợi ích như vậy nên các chiêu bài dân chủ, nhân quyền vẫn sẽ tiếp tục bị lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, bôi xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong nhiều chục năm qua, Việt Nam và Mỹ đã thực hiện đối thoại về nhân quyền. Việt Nam luôn cho thấy có sự tiến bộ và được thể hiện qua cách ứng xử đáp lại một cách tích cực của Mỹ bằng mối quan hệ hợp tác gắn kết hơn.

Thực tế, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng ở Liên hợp quốc (LHQ), tham gia nhiều hơn vào các định chế kinh tế, tài chính của thế giới, đặc biệt là đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả lĩnh vực. Việc tham gia những cơ quan như vậy cũng cho thấy Việt Nam đã tự hoàn thiện, đổi mới để tuân thủ cam kết khi tham gia các định chế của LHQ, nên không thể thiếu dân chủ hay chà đạp nhân quyền như trong trí tưởng tượng của một số người.

PV: Cá nhân ông có cảm nhận như thế nào về những vấn đề như vậy?

Nhà báo Minh Giang: Tôi vẫn luôn cho rằng, thay vì kêu gọi Việt Nam cần phải cải thiện về nhân quyền, các nhóm chống đối nên ủng hộ và chúc mừng Việt Nam vì với vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nghĩa là Việt Nam đã có trách nhiệm và tích cực trong vấn đề này. Họ rõ ràng không muốn Việt Nam tiến bộ, không muốn Việt Nam có vị thế tốt trên trường quốc tế nên cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu phát triển của Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động các phần tử bất mãn trong và ngoài nước nhằm thực hiện âm mưu gây bất ổn chính trị, phá hoại sự bình yên của đất nước.

Cuộc sống tươi vui ở Việt Nam, đời sống người dân được nâng cao, người dân hài lòng và ủng hộ chính quyền là câu trả lời tốt nhất về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chính người Việt Nam quyết định và hiểu rõ người Việt Nam có dân chủ, nhân quyền hay không chứ không phải một quốc gia nào khác.

Những chỉ trích, lý lẽ mà các tổ chức chống cộng ở hải ngoại đưa ra nhằm vào chính quyền Việt Nam không dựa trên những thông tin rõ ràng. Bản thân họ không nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam. Họ cũng không hiểu về chủ trương xây dựng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về pháp luật, họ hoàn toàn “mù màu” khi nhìn nhận các vụ án liên quan tới Điều 331 Bộ luật Hình sự hay các vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh chính trị nên mới hô hào cho rằng có oan sai. Những người bị đưa ra truy tố, xét xử là những người vi phạm pháp luật của Việt Nam. Họ không hiểu được ở Việt Nam có những quy định riêng, những quy định đó đã được xây dựng và trở thành hệ thống pháp luật, quan trọng hơn là được người dân Việt Nam đồng ý.

Nói về những hạn chế trong vấn đề nhân quyền thì ngay cả Mỹ cũng đang phải đấu tranh hằng ngày và nỗ lực xử lý những vấn đề mà mình gặp phải. Việt Nam cũng vậy. Quá trình phát triển cũng chính là quá trình tự hoàn thiện. Vấn đề cải cách luật pháp, tư pháp ở Việt Nam luôn được ưu tiên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

Theo QĐND