Nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023) và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (1/2/2013 -1/2/2023), ngày 2/2/2023, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là cuốn “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Qua cuốn sách này, bạn đọc trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta – một cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt, cam go.
Trong Phần thứ nhất của cuốn sách: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; đồng chí Tổng Bí thư đã đúc kết, rút ra những bài học có giá trị để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin từ thực tiễn phong phú của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua. Trong đó, có bài học thứ hai: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ,… với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra đối với những người có chức, có quyền.”…. “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”(1).
Trong bài viết này, tôi xin bình luận thêm cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra.
Việt Nam vốn là một quốc gia đa dân tộc, hiện nay có 54 dân tộc với gần 100 triệu người. Mặc dù các dân tộc có những nét khác biệt về chủng tộc, văn hóa, trình độ phát triển và hoàn cảnh lịch sử nhưng đều có điểm chung sống còn là vận mệnh quốc gia dân tộc. Vận mệnh đó gắn liền với quá trình đấu tranh chống “giặc ngoại xâm” và “giặc nội xâm”. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong mấy nghìn năm lịch sử đã có hơn 1000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm, dân tộc ta đã có hơn 10 cuộc kháng chiến để giữ nước và khoảng 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn. Cũng trong mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” luôn diễn ra không ngừng, không nghỉ, là cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt, cam go, đặc biệt trong thời đại ngày nay.
Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định: Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy: Trong xã hội phong kiến Việt Nam, với cấu trúc hệ thống nhà nước “Quân – Thần – Nhân”, chưa có nền dân chủ thì tệ quan liêu, hối lộ, nhũng nhiễu, lộng quyền… là khá phổ biến. Song, trong xã hội quân chủ ấy, các triều đại, các vị vua và quan đã có những biện pháp để chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền, giúp ổn định xã hội và quản lý nhà nước phong kiến, cùng giảm bớt đau khổ cho muôn dân.
Dưới Triều Lý là nhà nước quân chủ đầu tiên ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông). Bộ luật này hiện không lưu giữ được, tuy nhiên, qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban chiếu: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì bị phạt 50 quan tiền; từ 10 quan đến 19 quan, bị phạt từ 60 đến 100 quan; của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình.
Dưới Triều Trần, Triều Hồ, Triều Lê sơ, Triều nhà Mạc, việc chống tham nhũng, lạm dụng chức quyền cũng được thực hiện nghiêm minh. Triều Lê sơ, Lê Thánh Tông – một vị vua anh minh, tài giỏi, đã xây dựng và thực thi bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Việc chống tham nhũng được coi trọng, mặt khác, việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài, trong sạch được đề cao. Khi quan lại đã tham ô, thì việc định tội không phân biệt giàu nghèo, chức to hay chức nhỏ. Nhờ đó, người tốt có chỗ dựa, được tin dùng; bọn tham quan, kẻ xấu khó tìm đất sống; nạn tham nhũng bị đẩy lùi, muôn việc đều hanh thông, tươi tốt.
Nhà Nguyễn cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước. Nổi bật là việc xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long (ban hành năm 1815). Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này. Trong số 400 điều của bộ luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, và có những điều rất hà khắc. Điều 31 quy định: Quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ…
Khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, chính tắc, ắt xuất hiện những con người thẳng ngay, khí khái, dù máu chảy đầu rơi cũng kiên quyết gìn giữ cương thường xã tắc. Đó là nhà nho, người thầy mẫu mực Chu Văn An (1292 – 1370) thời Trần. Vì căm giận bọn nịnh thần, tham nhũng, ông đã dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần.
Đó là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346) với tri thức uyên thâm, luôn giữ khí tiết thanh liêm, chính trực; ông đã nhiều lần vạch mặt bọn tham quan trước Triều đình, can gián Nhà vua trước những việc làm chưa đúng.
Đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) thời Mạc, đã dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên gian thần, lộng thần.
Đó là Tiến sỹ Đặng Huy Trứ (1825 – 1874), một vị quan luôn lo lắng đến nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước triều đình và trước muôn dân. Để phòng tham nhũng, ông viết cuốn “Từ thụ yếu quy” (những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và có thể nhận), tổng kết từ những việc thật xảy ra trong cuộc sống, chỉ ra những thói hư tật xấu, cám dỗ, lợi dụng trong chốn quan trường. Ông từng nói:
“Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó.
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn.
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả.
Duy chữ “thanh thanh” đối thế nhân”.
Từ khi ra đời đến nay, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”(2). Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”(3) (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(4) (Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”(5) (Đại hội XII). Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(6) và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(7) (Đại hội XIII). Điều đó cho thấy, chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay. Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, mỗi phát biểu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành mệnh lệnh của người đứng đầu trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với “giặc nội xâm”.
Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua các con số, chúng ta thấy: “Trong 10 năm qua (2012 – 2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng đã được tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình”(8). Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều chủ trương, quy định mạnh mẽ, quyết liệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt.
Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và nghiêm minh. Ngay từ những ngày đầu đương nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi đầu, kiên quyết chống tham nhũng, quyết tâm đưa ra xét xử hàng loạt vụ tham nhũng lớn và các cá nhân liên quan. Chưa khi nào chúng ta xử lý được nhiều vụ đưa và nhận hối lộ như bây giờ. Cũng chưa khi nào thu được số tài sản lớn như vậy. Hơn 80 cán bộ cấp cao, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và hàng loạt tướng lĩnh công an và quân đội… vi phạm đều đã bị xử lý kỷ luật. Tổng Bí thư đã lãnh đạo đất nước theo sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân, coi chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”. Hàng loạt những “đại án” được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh; cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ. Không chỉ tâm huyết, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta còn hết sức coi trọng công tác cán bộ, không ngừng trăn trở suy nghĩ, tìm chọn người tài cho Đảng, cho nước. Đồng chí luôn tâm niệm, nhân sự quyết định tất cả, do đó phải thực hiện đúng quy trình, đúng nguyên tắc, đúng tiêu chuẩn.
Nhìn lại quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy bất cứ vấn đề nào Tổng Bí thư nêu ra đều đã làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ, đến nơi đến chốn. Tác phong làm việc ấy thật sự là tấm gương sáng ngời cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, và nhân dân noi theo.
Có thể thấy, trong các nhiệm kỳ qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tuy nhiên, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh rất phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Với việc đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.
Hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” . “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa đảng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”./.
[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.36,37
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.7, tr.362
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr.353
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.196
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.72.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.93
[8] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.26,27
Theo ĐCS